Tỷ giá đồng Euro lên mức cao nhất 2 năm rưỡi
“Thị trường đang thất vọng về bài phát biểu của bà Yellen. Các nhà đầu tư đang bán ra đồng USD”...
- 21-07-2017Đồng USD rẻ nhất trong gần 2 năm so với Euro
- 08-06-2017Một ngân hàng châu Âu vừa được bán với giá...1 Euro
- 04-05-2017Rời eurozone, Pháp có nguy cơ “phá sản và hỗn độn”
Tỷ giá đồng Euro tăng lên mức 2 năm rưỡi so với đồng USD trong phiên giao dịch sáng 28/8, sau khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi không đưa ra phát biểu rằng đồng tiền này đang mạnh như kỳ vọng trước đó của giới đầu tư.
Ngoài ra, hãng tin Reuters cho biết, lo ngại của thị trường về ảnh hưởng của cơn bão Harvey đối với nền kinh tế Mỹ cũng gây sức ép giảm giá đối với đồng USD.
Vào lúc khoảng gần 9h sáng theo giờ Việt Nam, tỷ giá đồng Euro tăng 0,15% so với đồng USD, đạt mức 1,1934 USD/Euro. Trước đó, có lúc tỷ giá đồng tiền chung châu Âu so với đồng bạc xanh lên mức 1,1966 USD/Euro, mức cao nhất kể từ tháng 1/2015.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, đồng Euro đã tăng giá khoảng 1% sau khi ông Draghi có bài phát biểu về một loạt chủ đề như thương mại toàn cầu, nhưng lại không “đả động” gì đến việc đồng Euro tăng giá trong thời gian gần đây. Bài phát biểu này của ông Draghi được đưa ra tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại Jackson Hole.
Bên cạnh đó, việc Chủ tịch FED Janet Yellen không đề cập gì đến chính sách tiền tệ của Mỹ trong bài phát biểu của bà tại Jackson Hole cũng giúp đồng Euro tăng giá so với USD.
Sự im lặng của ông Draghi về tỷ giá đồng Euro được giới đầu tư xem là tín hiệu cho thấy ECB sẵn sàng để cho Euro tăng giá cao hơn, dù điều này có thể gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu trong khu vực Eurozone. Trong khi đó, việc bà Yellen không nói đến chính sách tiền tệ Mỹ được thị trường hiểu là FED sẽ tiếp tục thận trọng trong việc nâng lãi suất.
“Một đồng Euro mạnh sẽ không gây ra nhiều phàn nàn ở Eurozone, khu vực có thặng dư tài khoản vãng lai ở mức cao, nền kinh tế vững vàng, và không bị đe dọa bởi giảm phát”, ông Masafumi Yamamoto, chiến lược gia trưởng về ngoại hối thuộc Mizuho Securities, nhận định.
Ngoài đồng Euro, đồng USD còn đang giảm giá so với một loạt đồng tiền chủ chốt khác.
So với đồng Yên, đồng USD sáng nay có lúc giảm 0,1%, còn 109,295 Yên đổi 1 USD. Tuy vậy, đồng USD đã hồi phục đáng kể sau khi chạm mức thấp nhất trong 4 tháng so với đồng Yên là mức 108,695 Yên/USD vào hôm 18/8.
Đồng Franc Thụy Sỹ đang ở gần mức cao nhất trong 1 tháng so với USD, với 0,9539 Franc/USD. Phiên thứ Sáu, đồng Franc tăng giá 0,9% so với USD.
Đồng Đôla Australia tăng giá nhẹ so với USD, lên mức 0,7938 USD đổi 1 Đôla Australia. Đồng Đôla New Zealand tăng 0,1% so với USD, lên mức 0,7245 USD/Đôla New Zealand.
Vì vậy, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt đã giảm 0,3% phiên sáng nay, nối tiếp đà giảm từ hôm thứ Sáu, còn 92,372 điểm - mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5/2016.
“Thị trường đang thất vọng về bài phát biểu của bà Yellen. Các nhà đầu tư đang bán ra đồng USD”, chiến lược gia thị trường Imre Speizer thuộc Westpac nhận định.
Theo ông Speizer, bão Harvey có thể sẽ gia tăng sức ép giảm giá đối với đồng USD, bởi đây là “một sự kiện thời tiết cực đoan lớn” và “rõ ràng ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế”.
Do ảnh hưởng của bão, thành phố Houston của Mỹ chìm trong biển nước vào ngày Chủ nhật. Khu vực bờ biển của Mỹ bên vịnh Mexico là nơi chiếm gần 1 nửa công suất lọc dầu của nước này.
Trong nước, tỷ giá USD tự do và ngân hàng nhìn duy trì xu hướng ổn định.
Ngân hàng Vietcombank sáng nay duy trì báo giá USD ở mức 22.695 đồng (mua vào) và 22.765 đồng (bán ra), bằng với hôm thứ Sáu.
Giá USD tự do tại Hà Nội lúc đầu giờ sáng phổ biến ở mức 22.730 đồng và 22.750 đồng, tương ứng giá mua và bán, giảm 10 đồng so với cuối tuần.
VnEconomy