Tỷ giá USD/VND có dè chừng…Donald Trump?
Với tỷ giá USD/VND, một tác động đáng kể, dù nhất thời, như sự kiện cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (Brexit) cuối tháng 6 vừa qua, đã không xẩy ra khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.
- 14-11-2016Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng
Tuy nhiên, người quan tâm đến những yếu tố có thể tác động tới tỷ giá USD/VND vẫn có thể phải dè chừng “hậu bầu cử” Tổng thống Mỹ, và cụ thể là chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Sẽ thay đổi?
Hai tháng trước khi bầu cử, ngày 6/9, trên Reuters, ứng viên Donald Trump từng thể hiện quan điểm không hài lòng với chính sách lãi suất thấp mà FED áp dụng thời gian qua.
Khi đó, người vừa đắc cử Tổng thống Mỹ từng nói: “Họ đang giữ lãi suất thấp vì họ không muốn tất cả những thứ khác đi xuống”.
Thậm chí ông Trump từng cáo buộc FED và bà Janet Yellen (Chủ tịch FED) giữ lãi suất thấp với ý đồ chính trị, để hậu thuẫn Tổng thống Mỹ Barack Obama…
Trong quá trình tranh cử, ứng viên của đảng Cộng hòa này cũng từng hứa sẽ thay đổi các thỏa thuận thương mại của Mỹ, cũng như có xu hướng đi theo chính sách đồng USD yếu với lập luận nếu đồng USD mạnh sẽ đe dọa năng lực cạnh tranh của Mỹ.
Đáng chú ý, ông Trump đưa ra quan điểm trên Reuters rằng: “Chúng ta có một nền kinh tế rất sai lầm. Phần nào đó lãi suất sẽ cần phải thay đổi”.
Thay đổi là so với hiện tại - FED đang duy trì chính sách lãi suất thấp. Trước bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường chờ đợi và tăng kỳ vọng vào khả năng FED sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, kỳ vọng này đã giảm sút trước một thị trường bất ổn hơn sau khi Trump đắc cử.
Tình huống đặt ra, nếu FED tăng lãi suất vào tháng 12 tới, như khả năng từng được giới phân tích quốc tế đặt tới 82% trước thềm bầu cử, thì mối quan tâm tiếp theo lại là diễn biến lãi suất sau đó sẽ như thế nào.
Đó là thời điểm ông Trump bắt đầu có những ảnh hưởng nhất định. Dù FED được đánh giá có tính độc lập cao, nhiệm kỳ của Chủ tịch Janet Yellen còn đến 2018, nhưng với quan điểm trên của ông Trump, giới phân tích quốc tế đã dè chừng có thể có một cuộc tranh cãi về vấn đề này từ đầu năm tới.
Ổn định tỷ giá, vẫn còn công cụ chiến lược
Với tỷ giá USD/VND, chính sách lãi suất của FED nếu thay đổi, nếu tăng lên và với số lần hoặc mức độ tăng lên, đều có ảnh hưởng nhất định. Đồng USD đang là đồng tiền chiếm tỷ trọng danh dự trong rổ 8 đồng tiền tham chiếu tính tỷ giá trung tâm của Việt Nam hiện nay.
Nhưng chính tỷ giá trung tâm cũng là cơ chế có tác dụng pha loãng, giảm chấn những tác động lớn từ bên ngoài, qua vai trò của 8 đồng tiền và hai yếu tố vĩ mô được xác định khi Ngân hàng Nhà nước tính toán.
Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, như rất nhiều đợt biến động những năm qua, tâm lý là một yếu tố nổi bật, thậm chí có những lần chi phối lớn. Tâm lý đầu cơ chờ đợi “yếu tố Trump”, cùng triển vọng chính sách lãi suất của FED từ tháng 12 tới là điểm đáng để tâm.
Suốt từ đầu năm đến nay, tâm lý đầu cơ ngoại tệ tại Việt Nam đã hạn chế. Hoạt động găm giữ đã “nản” hơn trước thực tế sinh lời quá mỏng, diễn biến của tỷ giá trung tâm đã trở nên khó đoán hơn rất nhiều so với các “điểm hẹn nhảy cóc” dễ đoán những năm trước, cùng đó là chủ trương ổn định tỷ giá nhất quán của Ngân hàng Nhà nước.
Nhưng thời điểm này, mùa cao điểm thanh toán và chi trả cuối năm, thời điểm tỷ giá USD/VND vẫn thường có biểu hiện tăng lên những năm trước, tâm lý đầu cơ găm giữ, cộng với “yếu tố Trump” nói trên (dù có tính dài hạn hơn) là không loại trừ.
Tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do, trên thị trường liên ngân hàng và trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại có xu hướng tăng lên thời gian gần đây.
Cùng đó, cầu ngoại tệ thực đã có xu hướng tăng lên, trong thanh toán xuất nhập khẩu. Sau ba tháng xuất siêu, tháng 10 vừa qua Việt Nam đã trở lại nhập siêu 200 triệu USD; nhập khẩu có xu hướng tăng lên khá mạnh.
Tuy nhiên, cân đối ngoại tệ vẫn thuận lợi. Tính chung 10 tháng Việt Nam vẫn xuất siêu 3,08 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu tới 3,8 tỷ USD.
Cân đối cung - cầu ngoại tệ vẫn là yếu tố quyết định. Đồng thời chủ trương ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên, thậm chí được nhấn mạnh thêm trong chỉ đạo của Chính phủ về định hướng những tháng cuối năm. Cơ chế tỷ giá trung tâm hiện có “tính năng” hạn chế những biến động mạnh và bất thường.
Theo đó, ổn định tỷ giá vẫn là kỳ vọng chung trong ngắn hạn.
Mặt khác, thị trường vẫn chưa quên một công cụ chiến lược của Ngân hàng Nhà nước: giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn.
Cuối năm 2015, tỷ giá biến động và kỳ vọng phá giá lên cao, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước thực hiện bán ngoại tệ kỳ hạn, như một cam kết chắc chắn về mức độ biến động trong tương lai. Ngày 31/12/2015, cơ quan này thực hiện bán ngoại tệ kỳ hạn ba tháng cho các ngân hàng, với mức giá cao hơn 1%, tức tạo vùng biến động mục tiêu không quá 1%.
Quyết định trên, công cụ chiến lược trên được đưa ra đã nhanh chóng ổn định tâm lý thị trường, tỷ giá hạ nhiệt nhanh, thậm chí lao dốc ngay cuối tháng 1/2016 để rồi Ngân hàng Nhà nước phải chặn đà rơi, bắt đầu liên tục mua vào ngoại tệ từ đầu tháng 2/2016, và các ngân hàng đồng loạt hủy hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn trước đó.
Tới đây, nếu tâm lý đầu cơ hình thành và kích thích tỷ giá biến động mạnh, trong điều kiện cân đối cung - cầu ngoại tệ đảm bảo, ngoài những công cụ khác, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn công cụ chiến lược, can thiệp bằng bán kỳ hạn nói trên, điều chưa từng phải làm suốt từ đầu năm 2016 đến nay.