Tỷ giá USD/VND trước một thế giới đầy biến động
Có những con mắt trên thị trường đang dõi theo tình hình biển Đông sau phán quyết “đường lưỡi bò”...
- 08-07-2016Tỷ giá vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro
- 07-07-2016Nhìn vàng lại lo tỷ giá
- 05-07-2016Tỷ giá USD/VND phá dớp biến động
Trong cuộc trò chuyện cuối tuần với chúng tôi, TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn kinh tế Việt Nam, nói: “Tỷ giá USD/VND đã rất ổn định, nhưng trong một thế giới đang và sẽ đầy biến động”.
Như thời điểm hiện tại, nhà nghiên cứu này đang dõi theo tình hình biển Đông, sau phán quyết của tòa quốc tế bác bỏ cái gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự cho thuộc về mình.
“Căn phòng” tỷ giá trung tâm
“Thị trường hẳn cũng đang rất quan tâm diễn biến của sự kiện này. Không hẳn về vấn đề quân sự, mà không chừng Trung Quốc lại có phản ứng về kinh tế, gây ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu”, TS. Trịnh Quang Anh dự phòng đến một tình huống, mà nếu xẩy ra cũng không quá lạ với cách hành xử của quốc gia này trong chính sách tỷ giá thời gian gần đây.
Trong nước, tỷ giá USD/VND cũng vừa trải qua những tình huống thử thách: sự kiện Anh rời Liên minh Châu Âu (Brexit), kéo theo là biến động đột biến của giá vàng.
Trong tương lai gần, cùng với tình huống trên và diễn biến cần quan tâm ở đồng Nhân dân tệ, một thế giới đầy biến động là thực tế được tính trước cho tỷ giá USD/VND, nhưng bất định.
Hậu Brexit, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất gần như chắc chắn hồi đầu năm nhưng đã có trì hoãn. Tưởng như có điều chỉnh, nhưng khá bất ngờ khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) lại vừa quyết định giữ nguyên lãi suất. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đang đứng trước đà lên giá rất mạnh của đồng Yên…
Và vẫn phải nhấn mạnh lại sự thận trọng đối với những hành xử của Trung Quốc ở khía cạnh kinh tế. Cú sốc phá giá đồng Nhân dân tệ hồi tháng 8 năm ngoái từng gây chao đảo toàn cầu là một tham khảo.
Trước một thế giới đã, đang và sẽ đầy biến động đó, tỷ giá USD/VND lại đang khiến các dự báo đặt ra căng thẳng cuối 2015 bị lung lay.
Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn kinh tế Việt Nam, nửa đầu năm nay, tỷ giá trung tâm Ngân hàng Nhà nước công bố giảm 0,11%, tỷ giá trên liên ngân hàng giảm 0,79%, tỷ giá trên thị trường tự do giảm tới 1,5%. Tất cả đều ngược với dự báo năm nay có thể tăng từ 4-5%, cũng ngược với diễn biến của những năm trước.
Tựu trung, tỷ giá USD/VND rất ổn định trước một thế giới đầy biến động đó, cũng như trước hai tác động lớn và gần đây là Brexit và cú sốc giá vàng.
Nói một cách hình ảnh thì diễn biến trên thị trường vẫn yên ổn trong “căn phòng” của tỷ giá trung tâm - cơ chế hoàn toàn mới mà Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp dụng từ đầu năm nay, dù bên ngoài đầy sóng gió. Dĩ nhiên, trong căn phòng đó đã bao gồm yếu tố cân đối cung - cầu.
Tỷ giá mục tiêu?
Sự ổn định của tỷ giá USD/VND nửa đầu năm nay đặt trong bối cảnh chỉ số USD-Index giảm 3,02% so với đầu năm, đồng Nhân dân tệ tiếp tục giảm 2,5%, đồng Euro lên giá 2,47%, đồng Yên Nhật lên tới 14,79%, theo dữ liệu tính toán của Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn kinh tế Việt Nam.
Trong tương quan diễn biến của các đồng tiền chính trong rổ tham chiếu, VND tưởng như lạc lõng và quá độc lập trong “căn phòng” của tỷ giá trung tâm. Nhưng, TS. Trịnh Quang Anh lưu ý rằng, cần nhìn theo cả quá trình thì thấy diễn biến của những đồng tiền trên là sự điều chỉnh so với trước đó.
Ví như cùng mốc dữ liệu trên so với cùng kỳ năm trước, USD-Index tăng tới 6,69%, Nhân dân tệ lên nhẹ 0,06%, đồng Euro mất tới 9,46%, Yên Nhật mất 2,9% ...
Với tỷ giá USD/VND, thực tế còn phải nhìn đến sự can thiệp rất rõ và có tính quyết định khác của Ngân hàng Nhà nước. Đó là việc chặn giá mua vào, không để tỷ giá rơi quá sâu kể từ đầu tháng 2/2016 cho đến nay.
Cụ thể, trước nguồn cung lớn và tỷ giá rơi nhanh, ngày 1/2/2016 Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã vào cuộc nâng mạnh giá mua vào với 22.300 VND. Nếu không có sự can thiệp này, tỷ giá USD/VND hẳn còn rơi sâu nữa so với đầu năm, và càng đi ngược với các dự báo.
Mức chặn 22.300 VND được giữ suốt 6 tháng qua. Đến nay Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục mua vào ngoại tệ ở mức đó; tỷ giá trên liên ngân hàng ổn định xoay quanh.
Nhìn lại, tỷ giá USD/VND đã không tăng nổi, thậm chí giảm đáng kể so với đầu năm. Một yếu tố hỗ trợ xuất khẩu theo đó đã không thể hiện. Tuy nhiên, có thể nhìn ngược lại, việc Ngân hàng Nhà nước chặn đà rơi của tỷ giá cũng là một sự hỗ trợ gián tiếp.
Một vấn đề liên quan được đặt ra, trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn, đặc biệt là các ngành hàng nông sản đã thể hiện khó khăn từ trong năm 2015 kéo dài đến nay, tỷ giá USD/VND cần có hướng tăng nhất định, hay phá giá VND ở mức độ nhất định để hỗ trợ xuất khẩu một cách rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, với cơ chế tỷ giá trung tâm và sự ổn định thể hiện trong nửa đầu năm nay, và ngay cả trước một thế giới đầy biến động, nhà điều hành muốn chủ động phá giá một bước đáng kể cũng khó, mà phải truyền dẫn theo cách trườn bò của cơ chế điều hành mới.
“Theo tôi nghĩ, ngay từ đầu năm, khi xác định các chỉ tiêu điều hành dựa trên các cân đối vĩ mô tổng thể, Ngân hàng Nhà nước đã xác định một mức tỷ giá mục tiêu để dẫn dắt thị trường đạt được nó, chứ không phải đến lúc nào đó thấy cần hỗ trợ cho xuất khẩu mới đột ngột điều chỉnh”, TS. Trịnh Quang Anh trả lời chúng tôi, trước vấn đề xuất khẩu cần sự hỗ trợ từ chính sách tỷ giá nói trên.
Không có công bố cụ thể về mức tỷ giá mục tiêu. Quan điểm và định hướng chung của Ngân hàng Nhà nước vẫn là giữ ổn định. Những gì đang thể hiện vẫn là sự cân đối các yếu tố trong “căn phòng” của tỷ giá trung tâm.
Nhưng, song song, cho đến nay nhà điều hành đang có được chuỗi mua ròng ngoại tệ lớn và dài nhất trong những năm gần đây. Dự trữ ngoại hối theo đó được nâng cao, mà đây là một lực đỡ cho tín nhiệm quốc gia, góp thêm khả năng chống đỡ của quốc gia trước một thế giới đầy biến động.
VnEconomy