Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp được đảm bảo bằng cổ phiếu ở mức cao
Việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy xa, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Theo báo của phân tích của CTCP Chứng khoán SSI, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ tương đối lớn cổ phiếu được dùng làm tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp.
Loại trừ cổ phiếu ngân hàng và định chế tài chính khác hầu hết không có tài sản đảm bảo, các TPDN doanh nghiệp còn lại: 18,6% được đảm bảo bằng bất động sản, 11% đảm bảo bằng tài sản, 33% được đảm bảo một phần bằng tài sản/bất động sản và một phần là cổ phiếu, 9,3% được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu và 28% không có tài sản đảm bảo.
Có 29.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản được đảm bảo hoàn toàn bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản đảm bảo. Nếu tính cả các trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là gần 60.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 64% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành nửa đầu năm).
SSI lưu ý rằng việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy xa, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Trong 6 tháng đầu năm, gần 209 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ra thị trường, tăng 18,3% so với cùng kỳ. Trong đó quán quân phát hành là các doanh nghiệp bất động sản (chiếm 44,2%), ngân hàng (32,7%), năng lượng và khoáng sản (7,1%), định chế tài chính phi ngân hàng (5,4%), phát triển hạ tầng (2,9%) và các doanh nghiệp khác.
Tính riêng trong quý 2, lượng phát hành trái phiếu tăng vọt trở lại, đạt 164 nghìn tỷ đồng. Con số này gấp 3,66 lần quý 1 và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 700 triệu USD (16.000 tỷ đồng) là trái phiếu quốc tế của CTCP Vingroup và CTCP Bất động sản BIM.