MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú đứng sau Philippine Airlines – hãng hàng không vừa nộp đơn phá sản

08-09-2021 - 18:17 PM | Doanh nghiệp

Tỷ phú Lucio Tan là cổ đông lớn, Chủ tịch và CEO của hãng hàng không Philippine Airlines. Xuất thân nghèo khó, Lucio Tan không ngừng cố gắng và xây dựng thành công Tập đoàn LT – kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như thuốc lá, ngân hàng, bất động sản...

Hôm 3/9, hãng hàng không quốc gia Philippine Airlines (PAL) đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại New York trong bối cảnh Covid-19 khiến ngành hàng không toàn cầu điêu đứng.

Theo thông tin từ Nikkei, PAL nộp đơn phá sản theo Chương 11 của Luật Phá sản Mỹ nhằm tái cơ cấu nợ và duy trì hoạt động. Kế hoạch tái cơ cấu, tùy thuộc vào sự chấp thuận của tòa án, sẽ giúp hãng hàng không này giảm hơn 2 tỷ USD tiền nợ và cho phép hãng cắt giảm quy mô đội bay 25%.

Công ty cũng có kế hoạch huy động 505 triệu USD vốn chủ sở hữu dài hạn và tài trợ bằng nợ từ tỷ phú Lucio Tan - cổ đông lớn của hãng và 150 triệu USD nợ bổ sung từ các nhà đầu tư mới.

Ông Lucio Tan, nhà sáng lập Tập đoàn LT đang đảm nhiệm vị trí CEO và Chủ tịch của hãng hàng không này. Theo thống kê Real Time của Forbes, ông Lucio Tan hiện sở hữu khối tài sản trị giá 1,9 tỷ USD và là người giàu thứ 1.727 trên thế giới. Tập đoàn LT của tỷ phú Philippines đầu tư vào nhiều lĩnh vực như thuốc lá, ngân hàng, rượu, bất động sản...

Tỷ phú đứng sau Philippine Airlines – hãng hàng không vừa nộp đơn phá sản - Ảnh 1.

Tỷ phú Lucio Tan là cổ đông lớn của Philippine Airlines. Ảnh: SCMP

Ông Lucio Tan sinh năm 1934 tại Phúc Kiến, Trung Quốc. Không giống với nhiều tỷ phú Philippines khác được thừa hưởng khối tài sản lớn của gia đình, Lucio Tan có xuất thân nghèo khó. Khi còn rất nhỏ, ông đã cùng gia đình di cư sang Philippines với hy vọng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Là con trai lớn, Lucio Tan mang trong mình áp lực phải gánh vác công việc giúp cha mẹ và chăm lo cho 7 đứa em nhỏ. Chính vì vậy, ông sớm làm quen với cuộc sống tự lập và hình thành ý chí cầu tiến.

Sau khi tốt nghiệp trung học, Lucio Tan thi đỗ và theo học ngành kỹ thuật hoá tại Đại học Viễn Đông ở Manila. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Lucio Tan đã bắt đầu thử sức với các công việc kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Ông cũng từng làm nhân viên vệ sinh tại một nhà máy thuốc lá. Nhờ sự chăm chỉ, Lucio Tan được làm công nhân sản xuất thuốc lá và sau đó được giao làm đại lý.

Với kinh nghiệm chế biến thuốc lá, Lucio Tan quyết định mở công ty của riêng mình mang tên Fortune Tobacco vào năm 1966. Việc kinh doanh của ông ngày càng khởi sắc và đến năm 1980, Fortune Tobacco đã trở thành công ty thuốc lá lớn nhất Philippines.

Thành công của doanh nghiệp này cũng tạo bước đà để Lucio Tan lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác. Bắt đầu từ những năm 70, nhiều ngân hàng quốc doanh làm ăn thua lỗ và đi đến bờ vực phá sản, Lucio Tan nhanh chóng nắm lấy cơ hội để mua lại ngân hàng General Bank and Trust.Co, sau này đổi tên thành Allied Bank.

Lucio Tan cũng thành lập nhà máy bia Asia Brewery. Để có thể cạnh tranh với các đối thủ lâu năm, ông không tiếc công sức tìm và thuê các chuyên gia về rượu, bia để nghiên cứu thị trường và ưu điểm của các loại bia danh tiếng trên thế giới để áp dụng cho các sản phẩm của mình. Nhờ đó, Asia Brewery trở thành doanh nghiệp đồ uống hiếm hoi cạnh tranh được với San Miguel của Tây Ban Nha – thương hiệu vốn thống lĩnh thị trường Philippines trong nhiều năm.

Tỷ phú đứng sau Philippine Airlines – hãng hàng không vừa nộp đơn phá sản - Ảnh 2.

Philippine Airlines vừa nộp hồ sơ bảo hộ phá sản tại Mỹ. Ảnh: Getty Images


Năm 1995, Lucio Tan trở thành cổ đông kiểm soát và đảm nhận vị trí Chủ tịch kiêm CEO của hãng hàng không quốc gia Philippines. Tỷ phú này từng bán lại cổ phần của mình cho San Miguel Corp sau đó mua lại và tiếp tục nắm quyền kiểm soát PAL từ 2014.

Đại dịch Covid-19 khiến hàng loạt hãng hàng không trên thế giới, bao gồm Philippine Airlines rơi vào cảnh khó khăn. Lượng đi lại bằng đường hàng không ở Philippines đã giảm 75% từ mức 30 triệu lượt khách năm 2019 xuống còn 7 triệu lượt khách trong năm 2020 do các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch.

PAL đã phải hủy hơn 80.000 chuyến bay, khiến doanh thu giảm 2 tỷ USD và phải sa thải 2.300 nhân viên. Từ cuối năm ngoái, hãng hàng không có một phần thuộc sở hữu của ANA Holdings (Nhật Bản) này đã chuẩn bị cho việc tái cơ cấu. Công ty cho biết vẫn sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh trong quá trình làm thủ tục phá sản.

"Chúng tôi hoan nghênh bước đột phá lớn này, một thỏa thuận tổng thể cho phép PAL tiếp tục là hãng hàng không hàng đầu của Philippines và là hãng hàng không toàn cầu hàng đầu của đất nước, một hãng được trang bị tốt hơn để thực hiện các sáng kiến chiến lược và duy trì các liên kết hàng không toàn cầu quan trọng của Philippines với thế giới", Chủ tịch Lucio Tan nói.

Theo Linh Lam

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên