MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates nói gì về cuốn sách từng gây chấn động về chênh lệch giàu nghèo?

08-05-2016 - 08:00 AM | Tài chính quốc tế

Một bài luận 700 trang về kinh tế học dịch từ tiếng Pháp rõ ràng không phải là cuốn sách giải trí trong mùa hè ngay cả với hội mọt sách. Tuy nhiên, “Capital in the Twenty-First Century” của Thomas Piketty lại là một ngoại lệ, theo Bill Gates.

Bài viết dưới đây lược dịch lời bình luận của tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates về cuốn sách đã làm nổi bật thực trạng đáng báo động của tình trạng chênh lệch giàu nghèo trên thế giới.

"Chủ nghĩa tư bản thế kỷ 21" là một cuốn sách nên đọc. Cuốn sách nói về của cải và vấn đề bất bình đẳng trong thu nhập. Trong cuốn sách, Thomas Piketty chỉ ra rằng:

o Mức độ bất bình đẳng cao sẽ gây ra rắc rối – tình trạng này sẽ gây rối loạn các ưu đãi kinh tế, đẩy nền dân chủ vào tay kẻ mạnh và hủy hoại những lý tưởng công bằng mà mọi người đang cố đạt được.

o Chủ nghĩa tư bản không có khả năng tự sửa chữa để tăng tính công bằng; thay vào đó, trong chủ nghĩa tư bản, sự tập trung của cải dư thừa có thể gây ra hiệu ứng bóng tuyết (những người giàu sẽ càng giàu thêm).

o Chính phủ có thể nắm giữ vai trò xây dựng trong việc cân bằng hiệu ứng bóng tuyết nếu thấy cần thiết.

Những điều trên không có nghĩa là thế giới đang ngày càng tồi tệ. Trên thực tế, sự tăng lên nhanh chóng của tầng lớp trung lưu ở các nước như Trung Quốc, Mexico, Colombia, Brazil và Thái Lan đã tạo nên một xu hướng tích cực toàn cầu, đó là thế giới đang ngày càng trở nên bình đẳng hơn.

Tuy nhiên, chúng ta không được bỏ qua mức độ bất bình đẳng cao hiện nay, hoặc thậm chí, không được coi đây là dấu hiệu của một nền kinh tế năng suất cao và một xã hội lành mạnh. Đương nhiên, ở một mức độ nào đó, bất bình đẳng góp phần xây dựng chủ nghĩa tư bản.

Câu hỏi đặt ra là mức độ nào của bất bình đẳng là hợp lý? Và ở mức độ nào thì tình trạng bất bình đẳng bắt đầu gây hại nhiều hơn là có lợi? Câu trả lời cho những vấn đề này cần phải được thảo luận rộng rãi.

Tuy nhiên, cuốn sách của Piketty không phải là hoàn hảo.

Piketty đã không đưa ra một bức tranh tổng thể về nguồn gốc của của cải và sự lụi tàn của nó. Cốt lõi trong cuốn sách của ông là một phương trình cơ bản: r>g với r là tỉ lệ lợi nhuận trung bình từ vốn và g là tỉ lệ tăng trưởng của nền kinh tế.

Nếu lợi nhuận từ vốn cao hơn lợi nhuận từ lao động thì sau một thời gian, khoảng cách giàu nghèo giữa người có vốn với người lao động sẽ ngày càng lớn. Với Piketty, phương trình trên là “động lực cơ bản dẫn đến sự khác biệt” và “tổng kết lô gic chung trong kết luận” của ông.

Những nhà kinh tế học khác thường tập hợp các dữ liệu lịch sử và hoài nghi giá trị của phương trình trên trong việc xác định tình trạng bất bình đẳng sẽ tăng lên hay giảm đi.

Không những thế, trong cuốn sách của mình, Piketty còn chỉ ra một loại thu nhập được gọi là “rentier”. Loại thu nhập này chính là dạng thu nhập truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác hay các khoản thừa kế. Tuy nhiên, điều này là không chính xác, ít nhất là ở Mỹ.

Hãy nhìn vào danh sách 400 người giàu có nhất nước Mỹ của Forbes, một nửa danh sách này đều là doanh nhân sở hữu các doanh nghiệp hoạt động tốt (nhờ chăm chỉ và cả may mắn). Không ai trong số họ thừa kế tài sản từ tổ tiên.

Piketty đúng khi chỉ ra rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng người giàu càng giàu thêm. Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân cản trở tình trạng này, và Vốn không đóng vai trò chính.

Piketty chỉ tập trung chủ yếu vào các dữ liệu về của cải và thu nhập trong khi lại bỏ quên dữ liệu về tiêu thụ. Dữ liệu về tiêu thụ cho biết những hàng hóa và dịch vụ mà mọi người sử dụng, bao gồm thức ăn, quần áo, nhà ở, giáo dục và y tế. Những thông tin này có thể giúp chúng ta hiểu hơn về cuộc sống thực sự của mọi người.

Có nhiều lý do vì sao dữ liệu về thu nhập dễ gây hiểu nhầm. Ví dụ, với một sinh viên trường y không có thu nhập và đang nợ nần nhiều, những con số chính thức về thu nhập cho thấy tình huống hiện tại của sinh viên này vô cùng khó khăn, tuy nhiên, trong tương lai, anh ta hoàn toàn có thể giàu có và có thu nhập cao.

Một ví dụ khác, một vài người cực kỳ giàu có nhưng không tích cực làm việc có thể sẽ phải sống dưới mức nghèo đói trong nhiều năm, nếu họ không bán cổ phần của mình hoặc không có nguồn thu nhập khác.

Dữ liệu về của cải và thu nhập không phải là không quan trọng. Tuy nhiên, dữ liệu tiêu thụ có thể còn quan trọng hơn, nhất là khi tìm hiểu về phúc lợi của con người. Một nghiên cứu tốt sẽ kết hợp được cả 3 dữ liệu trên.

Mặc dù hiện nay chúng ta không có một bức tranh toàn cảnh, nhưng chúng ta chắc chắn vẫn biết về những thách thức về bất bình đẳng mà mình đang phải đối mặt.

Giải pháp yêu thích của Piketty là cần đánh thuế lũy tiến hàng năm vào vốn thay vì thu nhập. Tuy nhiên, ở Mỹ, thuế thu nhập và thuế vốn cũng không chênh nhau quá nhiều. Không những thế, trong những năm tới, giải pháp này có thể không còn hiệu quả vì rô bốt và máy móc sẽ dần thay thế con người.

Thay vào đó, nên đánh thuế tiêu thụ. Những người tiêu thụ nhiều cần phải trả nhiều thuế hơn. Thuế bất động sản cũng cần phải được duy trì.

Hoạt động từ thiện cũng là một giải pháp tốt. Làm từ thiện không chỉ đem lại ích lợi trực tiếp cho xã hội, mà còn giảm thiểu của cải thừa kế. Các khoản thừa kế không có lợi cho cả xã hội và những người thừa kế. Tự làm ra tiền vẫn là một lựa chọn tốt hơn.

Các vấn đề về của cải và bất bình đẳng luôn gây ra tranh cãi nảy lửa. Rõ ràng là cần phải có nhiều nghiên cứu hơn về chủ đề quan trọng này.

Quỳnh Mai

GatesNotes

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên