Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nhận thu nhập ròng mỗi tháng hơn 130 triệu đồng từ HDBank
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank
Theo thông tin công bố, trung bình một tháng bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhận được hơn 130 triệu đồng thu nhập ròng từ Ngân hàng phát triển TP Hồ Chí Minh.
- 19-12-2022Hòa Phát dẫn dắt tăng giá bán thép trong nước, cổ phiếu thép đua nhau bứt phá
- 19-12-2022EVN: Mức than tồn kho thấp tại TKV là tình trạng đáng lo, việc TKV cung cấp toàn than pha trộn gây ảnh hưởng rất lớn đến nhà máy và cung cấp điện
- 19-12-2022Loạt lãnh đạo Thép Nam Kim, HDBank, Nam Long, Thế giới di động... đăng ký mua lượng lớn cổ phiếu nhưng chỉ thực hiện phần nhỏ với cùng lý do
Mới đây, Ngân hàng Phát triển TP Hồ Chí Minh HDBank công bố thông tin bổ sung cho BCTC năm 2021 về lương, thù lao, chi phí hoạt động của người nội bộ.
Theo đó, bà Lê Thị Băng Tâm, cựu Chủ tịch HĐQT HDBank nhận được thu nhập trong năm 2021 là 1,581 tỷ đồng, tăng 211 triệu đồng so với năm 2020, tương ứng tăng 15%.
Bà Băng Tâm đã từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT HDBank ngày 29/04/2022. Hiện nay Chủ tịch HĐQT HDBank là ông Kim Byoung Ho, thành viên HĐQT độc lập.
Gần tương đương với thu nhập của bà Băng Tâm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank nhận được tổng thu nhập 1,577 tỷ đồng trong năm 2021. Số tiền này thấp hơn 60 triệu đồng so với thu nhập bà nhận được từ HDBank vào năm 2020, tương ứng giảm 4%.
Một vị Phó chủ tịch khác trong HĐQT HDBank là ông Nguyễn Hữu Đặng, có mức thu nhập tăng 72% khi nhận được tổng thu nhập 1,228 tỷ đồng trong năm 2021.
Tổng cộng, 8 thành viên HĐQT của HDBank nhận được tổng thu nhập 6,910 tỷ đồng, tương đương 0,09 % lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong năm 2021.
Trên thực tế, ngân hàng HDBank phải chi trả nhiều hơn con số trên vì đây là thu nhập các thành viên HĐQT thực nhận sau thuế TNCN.
Ngoài ra, Tổng Giám Đốc HDBank ông Phạm Quốc Thanh nhận được 1,744 tỷ đồng trong năm 2021. Tổng thu nhập của Ban điều hành HDBank năm 2021 là 41,819 tỷ đồng.
So sánh giữa một số ngân hàng TMCP tư nhân trong TOP 10 vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam hiện nay có thể thấy tổng thù lao HĐQT, BKS của HDBank ở mức khá thấp trong khi tổng thù lao của Ban điều hành HDBank gần tương đương với ACB hay VPBank.
Tổng hợp từ BCTC hợp nhất 2021 các ngân hàng
Xét trên tương quan với thu nhập tạo ra trong năm của ngân hàng HDBank, tổng thu nhập Ban điều hành nhận được bằng 0,52% so với tổng lợi nhuận trước thuế của ngân hàng, nhỉnh nhẹ hơn so với ACB hay SHB (0,48% và 0,46%) và thấp hơn nhiều so với TCB 1,21%.
Điều 163 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của thành viên HĐQT như sau:
- Công ty có quyền trả thù lao, thưởng cho thành viên Hội đồng quản trị, trả lương, thưởng cho Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác theo kết quả và hiệu quả kinh doanh.
- Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì tiền lương, thù lao, thưởng và lợi ích khác của thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được trả theo quy định sau đây:
(i) Thành viên Hội đồng quản trị được hưởng thù lao công việc và thưởng. Thù lao công việc được tính theo số ngày công cần thiết hoàn thành nhiệm vụ của thành viên Hội đồng quản trị và mức thù lao mỗi ngày. Hội đồng quản trị dự tính mức thù lao cho từng thành viên theo nguyên tắc nhất trí. Tổng mức thù lao và thưởng của Hội đồng quản trị do Đại hội đồng cổ đông quyết định tại cuộc họp thường niên;
(ii) Thành viên Hội đồng quản trị được thanh toán chi phí ăn, ở, đi lại và chi phí hợp lý khác khi thực hiện nhiệm vụ được giao;
(iii) Giám đốc hoặc Tổng giám đốc được trả lương và thưởng. Tiền lương và thưởng của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc do Hội đồng quản trị quyết định.
- Thù lao của từng thành viên Hội đồng quản trị, tiền lương của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác được tính vào chi phí kinh doanh của công ty theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, được thể hiện thành mục riêng trong báo cáo tài chính hằng năm của công ty và phải báo cáo Đại hội đồng cổ đông tại cuộc họp thường niên.
Nhịp sống thị trường