Tỷ phú Thái thâu tóm xong 53,59% vốn Sabeco, nhưng Sabeco vẫn là bia Việt!
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định Sabeco vẫn là doanh nghiệp Việt, thương hiệu bia Việt Nam vẫn được giữ gìn và phát triển.
- 18-12-2017Bán thành công 53,59% cổ phần Sabeco, Nhà nước thu về 110.000 tỷ đồng
- 15-12-2017Reuters: ThaiBev đã có kế hoạch mua cổ phần của Sabeco từ lâu, họ dường như chấp nhận mọi yêu cầu được đưa ra
- 15-12-2017Không chỉ Sabeco, hàng loạt doanh nghiệp lớn nhất nhì trong nhiều lĩnh vực tiềm năng đã thuộc quyền kiểm soát của người Thái
Chiều ngày 18/12, tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, Bộ Công Thương tổ chức bán đấu giá cạnh tranh thành công 343,66 triệu cổ phiếu Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), tương đương 53,59% vốn điều lệ. Kết quả đấu giá là Công ty THNN Vietnam Beverage đã mua gần trọn lô 343,66 triệu cp SAB (20.000 cp về tay một cá nhân).
Công ty THNN Vietnam Beverage được thành lập 6/10, có trụ sở đặt tại Hà Nội với vốn điều lệ 682 tỷ đồng, do CTCP Đầu tư F&B Alliance Việt Nam sở hữu 100% vốn. Trong khi đó, Đầu tư F&B Alliance Việt Nam lại là đơn vị do Beerco Limited - công ty con của ThaiBev (doanh nghiệp nước giải khát lớn nhất Đông Nam Á thuộc sở hữu của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi) sở hữu 49%.
Dẫu người Thái đã sở hữu 53,59% vốn và chi phối hoạt động kinh doanh của Sabeco nhưng Bộ Công Thương vẫn giữ 36% vốn, vẫn có quyền phủ quyết một số vấn đề của doanh nghiệp.
Cụ thể, theo điều lệ Sabeco mới ban hành tháng 8/2017, các nội dung chỉ được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần của các cổ đông có quyền biểu quyết (tham dự họp hoặc bằng phiếu lấy ý kiến) tán thành gồm loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại; thay đổi ngành, nghề và lĩnh vực kinh doanh; thay đổi cơ cấu tổ chức quản lý; dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong BCTC gần nhất; tổ chức lại, giải thể và thay đổi thời hạn hoạt động của Sabeco. Còn lại các vấn đề khác được thông qua khi được số cổ đông đại diện cho ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tán thành.
Như vậy, những vấn đề sau này như thay đổi ngành nghề kinh doanh để nới tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài, chính thức biến Sabeco thành doanh nghiệp ngoại phải có sự đồng ý của Bộ Công Thương.
Bên lề buổi đấu giá, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương - Trưởng Ban Tổ chức chào bán cạnh tranh cũng khẳng định sau bán vốn Sabeco đương nhiên vẫn là doanh nghiệp Việt Nam. Theo quy định của pháp luật Việt Nam và cũng như thông lệ quốc tế, bất kỳ doanh nghiệp nào chứng minh về pháp nhân đều dựa trên đăng ký kinh doanh và những gì thể hiện trong giấy phép đăng ký kinh doanh để xác định doanh nghiệp Việt Nam hay nước ngoài. Vietnam Beverage có 100% vốn là do doanh nghiệp có 49% vốn thuộc nước ngoài nên đương nhiên là doanh nghiệp Việt Nam và khi đơn vị này góp vốn vào doanh nghiệp khác thì doanh nghiệp đó cũng là doanh nghiệp Việt.
Nguồn: Reuters
“Chính phủ không nắm cổ phần chi phối trong lĩnh vực bia và sữa, Chính phủ mong muốn khi nhà đầu tư mới vào sẽ phối hợp với người đại diện vốn Nhà nước tại Sabeco cải thiện và nâng cấp hệ thống quản trị, qua đó để nâng doanh nghiệp lên tầm cao mớ”, ông Hoài nói.
Thực tế thì trường hợp bán Sabeco của Bộ Công Thương cũng tương tự như trường hợp của Vinamilk, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vẫn sở hữu 36% vốn. Ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch HĐTV của SCIC cũng từng giải thích cho tỷ lệ bán đấu giá 3,3% vốn VNM diễn ra tháng 11 nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu 36% - tỷ lệ nắm quyền chi phối trong một số vấn đề quan trọng của doanh nghiệp.
Đối với vấn đề có bán tiếp trong 36% vốn Nhà nước còn lại tại Sabeco không, ông Hoài cho biết sau buổi đấu giá, Bộ Công Thương sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ kết quả và Chính phủ sẽ xem xét để bán tiếp hay không. Đối với vấn đề thương hiệu, nguyên tắc trong chào bán cũng nêu rõ là giữ gìn và phát triển thương hiệu bia Việt Nam.
NDH