Uber dọa kiện Cục Thuế Tp.HCM ra toà
Uber B.V sẽ tiếp tục thực hiện khiếu nại và khởi kiện ra toà nếu cần thiết...
- 22-12-2017Uber Việt Nam nói gì về phán quyết của Toà án Châu Âu?
- 22-12-2017Tòa án EU tuyên bố Uber không phải là ứng dụng, còn Việt Nam thì sao?
- 21-12-2017Châu Âu ra phán quyết Uber là công ty taxi, không phải ứng dụng
Trao đổi với VnEconomy, bà Lê Thị Thu Hương, Phó cục trưởng Cục Thuế Tp.HCM cho hay, đại diện Uber B.V đã gửi văn bản sẽ cân đối tài chính để nộp khoản thuế bị truy thu.
"Quan điểm của Cục Thuế Tp.HCM đã rõ, chúng tôi truy thu thuế là đúng, còn việc Uber kiện ra toà hay không thì quyền của họ nhưng điều đó cũng không thay đổi được việc truy thu thuế", bà Hương nói.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời chính thức về việc truy thu thuế Uber B.V. Tại văn bản gửi Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN liên quan đến chính sách và quản lý thuế của Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã bác khiếu nại của Uber B.V Hà Lan về quyết định truy thu 66,68 tỷ đồng thuế của Cục Thuế Tp.HCM.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết trong quá trình thanh tra thuế Công ty TNHH Uber Việt Nam, Cục Thuế Tp.HCM đã xác định Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan có thu nhập phát sinh tại Việt Nam, thông qua việc điều hành cung cấp dịch vụ vận chuyển khách hàng thông qua các đối tác lái xe.
Khách hàng thuê dịch vụ trực tiếp đặt xe trên ứng dụng Uber, Công ty Uber Hà Lan bố trí lái xe cung cấp dịch vụ vận chuyển cho khách hàng, quyết định đơn giá và trực tiếp nhận tiền thanh toán và quyết định chính sách khuyến mãi, giảm giá cho khách hàng.
Thu nhập của Uber B.V phát sinh từ Việt Nam thông qua các đối tác lái xe để cung cấp dịch vụ trong thời gian từ 6 đến 12 tháng liên tục.
Căn cứ theo quy định về xác định cơ sở thường trú của pháp luật Việt Nam, theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần ký giữa hai chính phủ và kết quả thanh tra thuế tại Công ty TNHH Uber Việt Nam, cơ quan thuế xác định các lái xe được xem là các cơ sở thường trú của Uber B.V Hà Lan tại Việt Nam.
Do Uber B.V Hà Lan có thu nhập phát sinh tại Việt Nam thông qua các cơ sở thường trú nên có nghĩa vụ nộp thuế nhà thầu theo quy định.
Liên quan đến định danh Uber, tòa án cấp cao nhất của Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/12 ra phán quyết mang tính cột mốc nói rằng Uber cần được phân loại là một dịch vụ vận tải và chịu sự điều tiết như các hãng taxi khác. Đây được xem là một đòn giáng mạnh vào Uber, công ty gọi xe qua ứng dụng lớn nhất thế giới.
Tại Việt Nam, việc gọi Uber là taxi hay doanh nghiệp công nghệ vẫn chưa ngã ngũ dù còn chưa đầy 10 ngày nữa là thời điểm thí điểm hai năm đã hết.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, cho rằng Uber cũng như Grab phải được quản lý như taxi vì loại hình này có bản chất hoạt động tương tự taxi, để tạo sự bình đẳng giữa các loại hình kinh doanh vận tải.
Vị này cho rằng các đơn vị cung cấp phần mềm tham gia thí điểm xe hợp đồng điện tử cũng phải phối hợp xử lý phương tiện vi phạm, chia sẻ dữ liệu về biển kiểm soát xe và tài xế, định kỳ báo cáo dữ liệu và biến động đầu xe cho cơ quan quản lý thuế...
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị này cho biết sẽ tham mưu cho Chính phủ theo hướng tạo môi trường kinh doanh vận tải có điều kiện và các đơn vị tham gia phải tuân thủ các điều kiện này.
"Con tàu chỉ đi trên đường ray, nếu đi "trật" phải tuýt còi ngay. Thời gian tới, sẽ có những quy định ngặt nghèo, cụ thể hơn", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ khẳng định và cho biết thêm,thời gian tới phải thường xuyên kiểm tra hoạt động kinh doanh vận tải đối với Uber, Grab; cần thiết yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam.
Vneconomy