Ukraine tuyên bố cấm nhập khẩu mọi loại hàng hóa từ Nga
Bộ trưởng kinh tế Ukraine còn kêu gọi các nước phương Tây tiếp tiếp gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn đối với Moscow.
- 11-04-2022Tuyên bố không nhập dầu của Nga, nhưng đây là cách các doanh nghiệp châu Âu đang âm thầm mua thêm năng lượng bằng "cửa sau"
- 10-04-2022Giá nhà ở các thị trường 'hot' nhất châu Á đang sụt giảm, cơn sốt bất động sản đã hạ nhiệt?
- 10-04-2022Không cần 'lách luật', hoạt động kinh doanh của Nga vẫn diễn ra bình thường dù bị phương Tây trừng phạt, đây là lý do
Ukraine cấm nhập khẩu từ Nga
Ukraine đã cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Nga, một trong những đối tác thương mại quan trọng của nước này trước xung đột, với hàng hóa nhập khẩu hàng năm trị giá khoảng 6 tỷ USD, đồng thời kêu gọi các nước khác làm theo và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn đối với Moscow.
Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko đã tuyên bố trên trang Facebook cá nhân ngày 9/4 (theo giờ địa phương) rằng: "Hôm nay chúng tôi chính thức tuyên bố chấm dứt hoàn toàn thương mại hàng hóa với quốc gia [đối đầu]. Kể từ bây giờ, không sản phẩm nào của Liên bang Nga có thể được nhập khẩu vào lãnh thổ của chúng tôi".
Bà Svyrydenkocho hay, động thái này của Ukraine có thể được coi là ví dụ cho các đối tác phương Tây, kích thích các nước này tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, bao gồm cả việc thực hiện lệnh cấm vận năng lượng và cô lập tất cả các ngân hàng của Nga.
Phần Lan và Thụy Điển có thể sớm gia nhập NATO
Theo CNN, dư luận ở cả hai nước về việc tham gia liên minh NATO đã thay đổi đáng kể khi xung đột ở Ukraine bắt đầu bùng phát.
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cho biết hôm 8/4 rằng Quốc hội nước này sẽ thảo luận về khả năng trở thành thành viên NATO "trong những tuần tới", đồng thời bà cho biết, hy vọng các cuộc thảo luận này sẽ kết thúc "trước giữa mùa hè".
"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ có những cuộc thảo luận rất cẩn thận, nhưng chúng tôi cũng sẽ không mất nhiều thời gian hơn những gì chúng tôi phải làm vì tình hình tất nhiên là rất nghiêm trọng", Thủ tướng Phần Lan nói.
Bên cạnh đó, trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng 3, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson cho biết, nước này không loại trừ khả năng trở thành thành viên của NATO.
Thụy Điển đang tiến hành phân tích chính sách an ninh sẽ hoàn thành vào cuối tháng 5 và chính phủ dự kiến sẽ công bố quan điểm sau báo cáo đó, một quan chức Thụy Điển nói với CNN. Thụy Điển cho biết, nước này cũng có thể sớm tuyên bố quyết định nhưng vẫn dựa theo thời điểm công bố của quốc gia láng giềng Phần Lan.
Đại sứ Phần Lan tại Mỹ, Mikko Hautala, nói với CNN rằng hai quốc gia đang phối hợp chặt chẽ với nhau nhưng mỗi quốc gia sẽ đưa ra quyết định độc lập của riêng mình.
Đức thiếu vũ khí viện trợ cho Ukraine
Ngày 9/4 theo giờ địa phương, Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Đức Christine Lambrecht cho biết, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine trực tiếp từ kho dự trữ của quân đội Đức là "gần như không thể".
Bà nhấn mạnh rằng, Đức phải duy trì kho dự trữ của mình để "đảm bảo khả năng phòng thủ của chính nước Đức và liên minh", do đó, viện trợ quân sự cho Ukraine trong tương lai sẽ được chuyển giao cho các tập đoàn quân sự-công nghiệp.
"Về kho dự trữ của quân đội Đức, hỗ trợ quân sự của chúng tôi cho Ukraine đã đạt đến giới hạn", Bộ trưởng Đức thừa nhận.
Tuy nhiên, quan chức Đức cũng nói thêm rằng điều này không có nghĩa là "nước Đức không thể làm gì hơn cho Ukraine", nhưng bà từ chối tiết lộ bước viện trợ quân sự tiếp theo với lý do "bảo mật tuyệt đối".
Theo đánh giá, Đức là một trong những khách hàng mua năng lượng lớn của Nga ở châu Âu và trước đây ít nhiệt tình với việc viện trợ quân sự cho Ukraine. Khi xung đột quân sự Nga-Ukraine bắt đầu, Đức từ chối cung cấp vũ khí và sau đó, chỉ cung cấp vũ khí sát thương như tên lửa phòng không dưới áp lực của đồng minh.
Tổng thống Ukraine cảm ơn Thủ tướng Anh
Trong cuộc họp với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Tổng thống Ukraine Zelensky đã kêu gọi gây áp lực nhiều hơn nữa đối với Nga và kêu gọi thêm hỗ trợ cho người Ukraine về mặt quốc phòng.
Cũng theo ông Zelensky, các quốc gia nên làm giống nước Anh, "áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với lĩnh vực năng lượng của Nga, tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine".
"Chúng ta cần củng cố hơn nữa liên minh của mình. Chúng tôi hy vọng rằng London sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này," ông Zelensky nói.
Tổng thống Ukraine cảm ơn Vương quốc Anh đã gửi thêm viện trợ gồm tên lửa chống hạm và xe bọc thép.
Trong bài phát biểu đăng tải trên mạng xã hội, ông Zelensky nói: "Ông Boris nằm trong số những người tôi không thể nghi ngờ, dù chỉ 1 phút, về việc có ủng hộ Ukraine hay không. Sự lãnh đạo của Vương quốc Anh, trong việc cung cấp trợ giúp cho chúng tôi về mặt quốc phòng cung như các biện pháp trừng phạt, sẽ là hành động đi vào lịch sử. Ukraine luôn biết ơn ông Boris và nước Anh về điều này."
Thủ tướng Anh Boris Johnson đã gặp Tổng thống Ukraine Zelensky trong một chuyến thăm bất ngờ tới Kiev hôm 09/04, để vạch ra kế hoạch của Anh nhằm cung cấp thêm hỗ trợ tài chính và quân sự cho Ukraine.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã viết trên Twitter rằng, Anh đang gửi thêm "viện trợ sát thương" cho Ukraine gồm 120 xe bọc thép, hệ thống tên lửa chống hạm hiện đại và 130 triệu USD trang thiết bị quân sự cao cấp.
Kế hoạch của NATO
NATO được cho là đang có kế hoạch triển khai một lực lượng quân sự thường trực để bảo vệ biên giới của các quốc gia thành viên trước Nga. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, động thái này sẽ là ví dụ về "hậu quả lâu dài" của chiến dịch quân sự ở Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với Sunday Telegraph, ông tiết lộ rằng liên minh an ninh NATO có thể tăng cường hiện diện quân sự của họ ở các nước Estonia và Latvia.
Pháp luật và bạn đọc