MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ứng xử ra sao với khách du lịch Trung Quốc?

Năm 2017, Trung Quốc vẫn dẫn đầu châu Á với lượng khách đến Việt Nam đạt hơn 4 triệu lượt người, tăng 48,6% so với năm ngoái. Tuy nhiên, tâm lý với khách du lịch Trung Quốc vẫn có điểm gây tranh cãi dù nguồn lợi họ đem lại rất rõ ràng.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào tháng 12 đạt 1.276 nghìn lượt người, tức tăng 42,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng có lượng khách nước ngoài nhiều nhất trong năm 2017 do nhu cầu nghỉ đông, nghỉ lễ cuối năm.

Tính chung cả năm 2017, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm trước (tăng 2,9 triệu lượt khách). Trong các thị trường quốc tế, du khách châu Á chiếm tỉ trọng cao nhất lên đến 34,4%. Hai vị trí tiếp theo thuộc về châu Âu (16,6%) và châu Mỹ (11,1%).

Trong khu vực châu Á, dẫn đầu vẫn là Trung Quốc với hơn 4 triệu lượt/năm, tăng 48,6% so với năm ngoái. Mặc dù đem lại nguồn thu rất lớn cho ngành du lịch nhưng thị trường Trung Quốc vẫn chưa được đầu tư đúng mức.

Một thị trường khổng lồ

Ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Vietstar Airlines, cho biết Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất thế giới. Mỗi năm có đến 135 triệu người Trung Quốc đi du lịch ra nước ngoài. Vì vậy, tất cả các quốc gia đều cố gắng lôi kéo lượng khách khổng lồ này, “kể cả đó là Pháp, là Mỹ, kể cả đó là những cường quốc du lịch”, ông Nam nói. Tuy nhiên, Việt Nam lại “có một sự kì thị với du khách Trung Quốc”.

Ông Nam cho biết: “Chúng ta có biên giới với Trung Quốc, một năm chúng ta đón 3 triệu khách, chủ yếu đi đường bộ, còn đi máy bay vào miền trung, miền nam thì ít. Trong lúc đó, Thái Lan không có biên giới với Trung Quốc nhưng họ đón 10 triệu khách du lịch Trung Quốc chỉ toàn đi máy bay”. Điều này cho thấy du lịch Việt Nam vẫn chưa tận dụng được lợi thế về khoảng cách địa lý cũng như chưa có những chưa trình quảng bá, xúc tiến phù hợp để thu hút khách du lịch Trung Quốc.

Khách Trung Quốc có ít tiền không?

Một quan điểm phổ biến nhưng sai lầm là khách Trung Quốc tiết kiệm, chi tiêu ít. Thực tế, du khách từ nước láng giềng rất đa dạng, đủ các phân thị từ bình dân đến cao cấp. “Một chủ đầu tư du lịch ở miền Trung xác nhận anh ấy thu được từ du khách Trung Quốc bình quân gấp 2 lần so với một khách du lịch từ Úc”, ông Nam cho hay.

Theo tờ Telegraph, du khách Trung Quốc chi tiêu nhiều nhất trên thế giới. Căn cứ vào số liệu mới nhất từ Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (World Tourism Organisation), du khách Trung Quốc là những người tiêu tiền nhiều nhất khi đi du lịch với tổng mức chi tiêu gần 292 tỷ USD năm 2015. Con số này gấp 3 lần so với du khách Mỹ. Họ cũng có xu hướng “đốt tiền” vào việc mua sắm, đặc biệt là những thương hiệu hàng đầu thế giới và phân khúc hàng hoá cao cấp dành cho giới thượng lưu như Hermes, Tiffany & Co hay Louis Vuitton...

Quảng bá, xúc tiến chỉ dám "lẳng lặng mà làm"

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, chia sẻ: “Chúng ta hãy hình dung xem hoạt động xúc tiến của chúng ta ở thị trường Trung Quốc được bao nhiêu so với ở Tây Âu hay ở Mỹ?”.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng như các hãng hàng không có triển khai quảng bá du lịch ở Trung Quốc. Tuy nhiên, họ chỉ “lẳng lặng mà làm”, họ không dám tuyên bố công khai vì “sợ bị ném đá, sợ bị tẩy chay”, ông Nam tiết lộ.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng cần phải “tranh thủ khách du lịch Trung Quốc”. Tuy nhiên, theo ông, “tông trọng thị trường Trung Quốc, phát triển thị trường Trung Quốc mạnh mẽ nhưng không quên thị trường quan trọng hàng đầu như Tây Âu, Nhật Bản, Đông Nam Á…”

Ngành du lịch Việt Nam có lẽ cần phải hiểu đúng hơn về du khách Trung Quốc và xác định những chiến lược phù hợp để tận dụng thị trường hấp dẫn này. Những định kiến, kì thị không đúng đắn chỉ khiến chúng ta mất đi một thị trường béo bở mà tất cả các quốc gia đều thèm muốn.

Lan Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên