MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

USD và vàng tăng vọt phiên cuối tuần, Euro chạm đáy 2 năm

05-03-2022 - 07:28 AM | Tài chính - ngân hàng

USD và vàng tăng vọt phiên cuối tuần, Euro chạm đáy 2 năm

Đồng euro giảm sâu so với các đồng tiền đối tác chủ chốt, trong khi USD tăng mạnh bởi lo ngại gia tăng về tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine leo thang, nhất là về triển vọng tăng trưởng của châu Âu. Giá vàng không xa mốc 2.000 USD, trong khi Bitcoin mất đà và đi xuống.

Đồng euro trong phiên 4/3 đã giảm xuống dưới 1,10 USD lần đầu tiên trong vòng gần 2 năm, lúc kết thúc ngày 4/3 theo giờ Việt Nam giảm 1,4% xuống 1,0916 USD, là phiên giảm giá nhiều nhất kể từ tháng 3/2020.

Đồng tiền chung châu Âu cũng chạm mức thấp nhất trong 7 năm so với đồng franc Thụy Sĩ – một đồng tiền trú ẩn an toàn. Theo đó, euro giảm 1,3% so với franc Thụy Sỹ, xuống 1,0020 EUR. Euro cũng giảm giá so với đồng bảng Anh, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2016.

Các nhà phân tích thực sự lo ngại rằng giá năng lượng và khí đốt tăng cao sẽ ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của châu Âu.

USD và vàng tăng vọt, Euro chạm đáy 2 năm - Ảnh 1.

Euro xuống thấp nhất 7 năm so với franc Thụy Sỹ.

Các nhà đầu tư đổ xô vào đồng đô la Mỹ và các loại tiền tệ trú ẩn an toàn khác. Chỉ số Dollar index tăng ngay từ đầu phiên 4/3, càng về sau càng tăng mạnh, sau dữ liệu từ Mỹ cho thấy thị trường việc làm của nước này đã tăng vọt trong tháng 2, làm dấy lên kỳ vọng rằng nền kinh tế số 1 thế giới có thể chịu được chính sách tiền tệ thắt chặt.

Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – kết thúc ngày 4/3 theo giờ Việt Nam tăng 1%, giao dịch quanh mức cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020, là 98,672, bất chấp USD giảm 0,6% so với đồng yên Nhật. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2020, Dollar index phá vỡ ngưỡng 98,6.

Amo Sahota, giám đốc công ty Klarity FX ở San Francisco, cho biết: "Câu chuyện hấp dẫn nhất ở đây là trào lưu đổ xô đến nơi an toàn, mà chúng tôi đã thấy nó đến nhanh chóng và trôi chảy, khi Ukraine ‘bùng cháy’ qua một đêm…Điều đó đã tạo ra một sức bật cho USD trên toàn thế giới".

Ông cho biết: "Những tiền tệ giảm giá mạnh nhất tập trung vào các đồng tiền châu Âu", và "Các nhà kinh tế nói chung sẽ điều chỉnh lại rất nhiều dự báo mà họ đã đưa ra trước đây." Giảm giá rõ rệt nhất là đồng euro, khi lạm phát ở châu Âu tăng vọt lên mức cao kỷ lục 5,8% vào tháng Hai, đặt các nhà hoạch định chính sách của ECB vào tình thế khó khăn khi đưa ra chính sách vào kỳ họp tuần tới trong bối xung đột Nga – Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt.

Neil Jones, người đứng đầu bộ phận kinh doanh ngoại hối của Mizuho, ​​cho biết: "Euro vẫn là tâm điểm của tâm lý ngại rủi ro. Căng thẳng địa chính trị và tác động của giá năng lượng và khí đốt tăng cao có thể sẽ làm suy yếu tiêu dùng và triển vọng tăng trưởng kinh tế của châu lục này. Do giá năng lượng tăng cao và Ngân hàng Trung ương châu Âu miễn cưỡng thay đổi chính sách tỷ giá của mình, "xu hướng đồng euro sẽ tiếp tục yếu đi thêm nữa", ông Jones nói.

Trong bối cảnh áp lực gia tăng đối với các đồng tiền Trung Âu, Ngân hàng Quốc gia Séc hôm 4/3 cho biết họ đang can thiệp vào thị trường để ngăn chặn sự mất giá của đồng nội tệ. Ngân hàng trung ương Ba Lan đã can thiệp trong tuần này, nhưng đồng zloty vẫn chạm mức thấp nhất trong vòng 13 năm so với đồng euro, trong khi Hungary thực hiện đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhất kể từ năm 2008 khi đồng forint cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Tiền rúp Nga giao dịch gần mức thấp kỷ lục so với đồng USD và euro, sau những giờ giao dịch đầy bất ổn khi mức độ khi xếp hạng tín dụng của Nga bị S&P tiếp tục hạ xuống thấp hơn nữa.

Một yếu tố nữa cũng hỗ trợ đồng USD, đó là các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất tại cuộc họp sẽ diễn ra vào ngày 15-16 tháng 3 – là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Thị trường hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng về việc Fed sẽ hành động tích cực, sau khi Chủ tịch Fed, ông Powell, gần đây đã đề cập đến việc tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 3, thậm chí còn để ngỏ động thái ‘diều hâu’ hơn nữa nếu lạm phát không giảm như dự đoán.

Ở những nơi khác, đồng đô la Australia tiếp tục đà tăng nhờ sự bùng nổ giá hàng hóa. Đô la Australia đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng là 0,7375 USD/AUD.

Đáng chú ý, nhân dân tệ tăng giá so với USD do nhiều doanh nghiệp Nga tìm đến các ngân hàng Trung Quốc sau khi bị phương Tây trừng phạt. CNY trên thị trường nội địa kết thúc ngày 4/3 ở mức 6,3199, tăng 9 pips so với phiên trước.

USD và vàng tăng vọt, Euro chạm đáy 2 năm - Ảnh 2.

Cập nhật tỷ giá tiền tệ.

Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin giảm từ 42.500 USD xuống dưới 41.000 USD trong ngày 4/3 sau khi Bộ Tư pháp Mỹ ra thông báo một lực lượng đặc biệt sẽ được thành lập để thực thi các sắc lệnh của cơ quan này. Theo đó, tổ chức này cũng sẽ nhắm đến các hành vi sử dụng tiền số để né tránh các lệnh trừng phạt, các hoạt động tham nhũng, rửa tiền…

Trong khi đó, các chuyên gia cũng cho rằng thanh khoản giao dịch tại Nga là rất nhỏ nên giá tăng trong những ngày qua chủ yếu do tâm lý.

USD và vàng tăng vọt, Euro chạm đáy 2 năm - Ảnh 3.

Giá Bitcoin ngày 4/3.

Giá vàng tăng mạnh không chỉ bởi cuộc khủng hoảng ở Ukraine khiến nhà đầu tư đổ xô đến nơi trú ẩn an toàn trong ngắn hạn, mà còn bởi căng thẳng đó sẽ có ý nghĩ như thế nào đối với lạm phát, tăng trưởng kinh tế và kỳ vọng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 4/3 theo giờ Việt Nam tăng 1% lên 1.954,53 USD/ounce, tính chung cả tuần tăng khoảng 3,5%, vàng kỳ hạn tháng 4 cũng tăng 1,1% lên 1.956,70 USD.

Tham khảo: Refinitiv, Coindesk

https://cafef.vn/usd-va-vang-tang-vot-phien-cuoi-tuan-euro-cham-day-2-nam-20220305012721442.chn

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên