Ủy ban Kinh tế nhắc tới sốt đất, bong bóng tài sản, chứng khoán tăng nóng trong báo cáo thẩm tra trước Quốc hội
Trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề cập sốt đất, bong bóng tài sản, chứng khoán tăng nóng có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.
- 21-07-2021ĐBQH đề nghị sớm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) vào năm 2022
- 20-07-2021Kì vọng Quốc hội sẽ hoạt động 'thực chất, thực quyền' hơn nữa dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
- 20-07-2021Bầu 4 Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XV
- 20-07-2021Chân dung Thượng tướng quân đội được giới thiệu để bầu Phó Chủ tịch Quốc hội
- 20-07-2021Khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XV
Sau khi Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo tóm tắt của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra.
Những thành tựu đã đạt được
Về Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, đại dịch Covid-19 được chỉ ra như một áp lực lớn lên. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã ghi nhận nỗ lực của Chính phủ trong chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mạng của người dân; duy trì, ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng; ổn định việc làm, hỗ trợ người dân, người lao động và các doanh nghiệp; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, chiến lược vắc xin hay sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong nỗ lực tìm kiếm nguồn vắc xin được đánh giá rất cao trong những tháng vừa qua.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn
Về kinh tế, dù GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng Ủy ban Kinh tế nhận định đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát; công tác chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá cả được triển khai hiệu quả, cơ bản tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản.
Những thành tựu nổi bật bao gồm: Thu, chi ngân sách nhà nước đạt kết quả khả quan; Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, tín dụng dần phục hồi; Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh; Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loạt nâng điểm triển vọng lên "Tích cực"; Sản xuất nông, lâm và thủy sản có mức tăng khá, sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực; Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ; Hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thông qua hình thức hội đàm trực tuyến, điện đàm diễn ra thường xuyên, sôi động; Công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh; Cải cách tư pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời; Các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được thực hiện tốt.
Cảnh báo rủi ro từ sốt đất, chứng khoán nóng và bong bóng tài sản
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra những điểm mà Chính phủ cần lưu ý. Một trong số đó là việc triển khai chính sách, thực hiện các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp còn chậm, hiệu quả chưa cao; Chiến lược vắc-xin gặp nhiều thách thức, tỷ lệ dân số được tiêm chủng còn thấp, khiến Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới.
Bên cạnh đó, một số khoản thu NSNN hoàn thành, tăng cao so với dự toán một phần là do việc lập dự toán thu NSNN chưa sát với thực tế. Triển khai phân bổ ngân sách còn chậm, tổng số vốn đầu tư chưa phân bổ còn 11,68% kế hoạch; dự toán chi thường xuyên còn lại chưa phân bổ của các Bộ, cơ quan trung ương khoảng 1.400 tỷ đồng.
"CPI bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016, sức cầu trong nước yếu. Tuy nhiên CPI tháng 5, tháng 6 tăng lần lượt 2,9% và 2,41% so với cùng kỳ, cùng với tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới có xu hướng tăng cao, có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo; tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô", báo cáo nêu rõ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn
Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước, vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%; Các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao; Hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
"Việc tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại, quá trình cơ cấu lại đối với 3 ngân hàng đã mua bắt buộc và kiểm soát đặc biệt còn gặp nhiều khó khăn, chưa có phương án xử lý dứt điểm. Hạ tầng công nghệ của Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh rơi vào tình trạng nghẽn lệnh, nhiều phiên phải tạm dừng giao dịch, ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư, làm giảm niềm tin của thị trường", báo cáo cho biết.
Trong bối cảnh tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn, Báo cáo thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô; phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia còn chậm; Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tăng, số lao động thất nghiệp tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã có hiệu lực nhưng nhiều văn bản hướng dẫn vẫn chưa được ban hành cũng được nêu ra như những vấn đề còn tồn tại.