MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hà Quốc Trị: Vi phạm pháp luật, không thể chỉ “xử lý nội bộ”

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hà Quốc Trị dành cho PV Tiền Phong cuộc trao đổi về nhiều điểm mới trong Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Kê khai không trung thực bị cách chức, vì sao?

Thưa ông, chúng ta đã có khá nhiều quy định về xử lý đảng viên. Vậy ông có thể cho biết vì sao cần phải ban hành Quy định 102 bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm?

Ông Hà Quốc Trị: Quy định 102 do Ủy ban Kiểm tra Trung ương tham mưu, thay thế Quy định 181 trước đây. Trong quá trình thực hiện (Quy định 181) đã bộc lộ bất cập, chưa bao quát hết được phạm vi và lỗi vi phạm của đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chức trách được giao. Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã sơ kết thực hiện Quy định 181.

Thông thường, một văn bản phải sau 3-5 năm mới tiến hành tổng kết. Vì vậy, quá trình thực hiện nếu phát sinh các bất cập sẽ vừa làm vừa sửa. Quy định mới ra đời trên cơ sở kết quả thực hiện Quy định 181 và các đề xuất, kiến nghị của địa phương để hoàn thiện quy định hiện hành cho rõ hơn, giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Những điểm mới trong Quy định 102 lần này là gì?

Ông Hà Quốc Trị: Về mặt bố cục, Quy định 102 vẫn giữ nguyên 5 chương, 36 điều và thêm 1 điều thành 37. Trong từng điều cụ thể có sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Còn nguyên tắc sửa đổi là bổ sung trách nhiệm nêu gương của đảng viên, về những điều đảng viên không được làm, mà trọng tâm là cụ thể hoá những biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ.

Quy định mới cũng bổ sung quy định thời hiệu đảng viên vi phạm, trước đây chưa có. Bây giờ quy định mức độ vi phạm đến mức khiển trách là trong thời hiệu 5 năm, cảnh cáo, cách chức là 10 năm, còn khai trừ thì không có thời hạn, đặc biệt là các lỗi vi phạm về an ninh quốc gia, bảo vệ chính trị nội bộ. Sở dĩ có bổ sung này vì trong quá trình thực hiện có vướng mắc, ngay trong nhà nước có quy định về thời hiệu như Luật Công chức. Vì vậy phải sửa để đảm bảo tính đồng bộ. Tuy nhiên yêu cầu xử lý có thời hiệu này lại cao hơn yêu cầu xử lý kỷ luật công dân, vì đảng viên có yêu cầu cao hơn.


Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư  Hà Quốc Trị

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư Hà Quốc Trị

Một trong những điểm mới đang nhận được rất nhiều sự quan tâm là quy định đảng viên nếu “không trung thực trong việc kê khai, nhận xét, xác nhận hoặc thẩm định hồ sơ, lý lịch, tài sản, thu nhập…” sẽ bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức nếu có chức vụ. Phải chăng quy định này được xuất phát từ thực tiễn với nhiều hành vi vi phạm xảy ra, thưa ông?

Ông Hà Quốc Trị: Đây cũng là điểm mới trong Quy định 102. Thực tế đã có những đảng viên kê khai không trung thực vừa rồi phải xem xét kỷ luật. Trong Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm có quy định về tính trung thực. Lúc đó, có quy định như vậy nhưng là để chấp hành, còn ở đây là thi hành, xử lý. Ví dụ như vừa qua có trường hợp kê khai không đầy đủ của nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, đến mức phải xử lý.

“Khi đảng viên vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo quy định của pháp luật, không được xử lý nội bộ trong đảng”. Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư Hà Quốc Trị

Hiện nay có quy định của Bộ Chính trị về kiểm tra việc kê khai tài sản thu nhập được công khai. Đó là căn cứ để Ủy ban Kiểm tra Trung ương khi phát hiện thì sẽ tiến hành. Hiện Bộ Chính trị giao cấp ủy địa phương xây dựng quy định tương tự của Bộ Chính trị để quy định cho cấp dưới theo phân cấp quản lý.

Hàng năm cơ quan quản lý đơn vị có bảng hướng dẫn, phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm theo hướng dẫn đó, yêu cầu phải đầy đủ. Quá trình làm kê khai thiếu, tổ chức phát hiện ra thì phải chịu trách nhiệm. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra. Vừa qua, trong quá trình làm, một số đảng viên thuộc diện cán bộ trung ương quản lý, có kiểm tra phát hiện và đã xử lý theo quy định.

Quy định này đưa đảng viên vào khuôn khổ, đề cao tính trung thực, nhưng nhiều người cho rằng có phần khắt khe?

Ông Hà Quốc Trị: Điều này không phải khắt khe và cũng không phải bây giờ mới ban hành. Quy định này đã sửa đổi đến lần thứ ba rồi. Quy định như vậy hết sức cần thiết, làm căn cứ để xem xét xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Việc này cũng phải thông tin rộng rãi để cán bộ đảng viên giám sát việc thực hiện. Bây giờ cứ nói đảng viên vi phạm nhưng hành vi vi phạm thế nào thì không biết, nên phải có quy định để khi đảng viên vi phạm, mức độ thế nào thì đối chiếu, so sánh với quy định để xử lý.

Đây cũng là cách để quần chúng nhân dân kiểm tra, giám sát đảng viên, phát hiện hành vi vi phạm của đảng viên. Nếu người dân không biết hành vi nào là sai thì không thể giám sát. Nhất là vừa qua đã công khai kết quả xử lý vi phạm kỷ luật đảng viên trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Quy định này có tính giáo dục, phòng ngừa, nhắc nhở cán bộ đảng viên thực hiện đúng quy định, nếu vi phạm sẽ bị xử lý.

Thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có phát hiện ra nhiều trường hợp kê khai thiếu trung thực, không đầy đủ không?

Ông Hà Quốc Trị: Có một số trường hợp như bà Hồ Thị Kim Thoa như tôi vừa nói, rồi bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai có một chi tiết kê khai tài sản không trung thực liên quan đến doanh nghiệp chồng bà quản lý. Hai trường hợp này đều bị xử lý và công khai rồi.

Như trường hợp bà Hồ Thị Kim Thoa là kê khai không đầy đủ, chứ không phải không trung thực. Trước đây chỉ có hành lang để xác định vi phạm, nay quy định này nêu rõ xử lý như thế nào đối với từng vi phạm cụ thể.

Không cho thôi chức thay vì cách chức

Thời gian qua, trong một số trường hợp xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên thường áp dụng hình thức “cho thôi chức”. Trong Quy định 102 có đưa ra nguyên tắc, cấp ủy viên vi phạm đến mức cách chức thì phải cách chức, không cho thôi giữ chức. Điều này phải chăng nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng kỷ luật “cho thôi chức”?

Ông Hà Quốc Trị: Trong quá trình kiểm tra, xử lý có xuất hiện một số trường hợp cho thôi chức, không phải hình thức kỷ luật. Cho nên phải quy định rõ việc xử lý kỷ luật phải đúng với Điều lệ Đảng, đảng viên vi phạm đến mức nào thì phải xử lý đến mức đấy, không được cho thôi chức thay vì cách chức; hoặc xoá tên đảng viên cũng không phải hình thức kỷ luật mà phải là khai trừ.

Kỷ luật đảng viên có 4 hình thức. Vậy việc kỷ luật cho thôi chức áp dụng theo quy định nào mà lâu nay có rất nhiều trường hợp áp dụng?

Ông Hà Quốc Trị: Việc này được nêu rõ tại Quy định số 260 của Bộ Chính trị về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Trong trường hợp cán bộ, đảng viên bị kỷ luật cho thôi chức thì sẽ được điều động, phân công làm công tác khác chứ không làm công việc cũ. Ví dụ như trường hợp ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái vừa qua, sau khi bị kỷ luật “cho thôi chức” thì được điều động sang làm Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh (chỉ tương đương phó giám đốc sở).

Quy định 102 cũng đưa ra một nguyên tắc đáng chú ý: “Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không “xử lý nội bộ”. Phải chăng điều này cho thấy tình trạng “xử lý nội bộ” đang bị lạm dụng?

Ông Hà Quốc Trị: Trong thực tiễn cũng có chuyện đó. Chính vì thế mới quy định vào đây để ràng buộc, khi đảng viên vi phạm pháp luật thì phải xử lý theo quy định của pháp luật, không được xử lý nội bộ trong đảng.

Tôi ví dụ vào khoá X, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát hiện vi phạm ở Vinashin rõ ràng là vi phạm pháp luật, không để xử lý nội bộ trong Đảng nữa, mà chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Khi đã đưa ra xử lý vi phạm pháp luật thì trong Đảng không những xử lý kỷ luật cách chức mà còn khai trừ Đảng căn cứ vào bản án của toà đã tuyên, kể cả là mức án cải tạo không giam giữ.

Trong vụ Trịnh Xuân Thanh (PVC), hay một số trường hợp trong vụ PVN vừa qua thì sao, thưa ông?

Ông Hà Quốc Trị: Việc đó không phải Ủy ban Kiểm tra Trung ương chuyển nữa mà cơ quan điều tra vào cuộc từ đầu, liên quan đến một vụ án khác. Khi đình chỉ sinh hoạt đảng coi như anh không tham gia gì nữa, không tham gia cấp ủy nữa, vì có còn là đảng viên nữa đâu. Việc tạm đình chỉ sinh hoạt đảng là để phục vụ công tác điều tra xét xử và đình chỉ kéo dài đến khi toà tuyên án.

Thế nhưng một khi đã đình chỉ, bắt tạm giam, khởi tố thì cũng xem như gần xong việc xử lý kỷ luật. Chỉ là chờ về mặt thủ tục thôi. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, xét xử, nếu tổ chức đảng thấy đủ cơ sở để đưa ra kết luận kỷ luật thì cũng tiến hành kỷ luật chứ không phải chờ toà tuyên án. Điều này phải xem xét, căn cứ vào từng trường hợp cụ thể. Ví dụ như trường hợp của ông Nguyễn Xuân Sơn, cựu Tổng Giám đốc OceanBank, toà vẫn đang xét xử giai đoạn một nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận khai trừ rồi. Tức là khi tổ chức đảng xét thấy anh vi phạm đến mức phải khai trừ thì phải khai trừ chứ không nhất thiết chờ toà tuyên án.

Ông Hà Quốc Trị cho biết, sắp tới, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện Quy định 102. Hiện Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập tổ xây dựng văn bản hướng dẫn này. Sau khi có hướng dẫn, sẽ làm rõ từng quy định cụ thể, như thế nào thì bị xem là cố ý đưa thông tin sai lệch, bôi nhọ lãnh tụ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng…

Cảm ơn ông!

Theo Thành Nam (thực hiện)

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên