Vải thiều vẫn quá phụ thuộc Trung Quốc
Dù vải thiều của Việt Nam đã tiếp cận nhiều thị trường cao cấp như Mỹ, Úc, châu Âu nhưng lượng xuất sang Trung Quốc của tỉnh Bắc Giang vẫn chiếm đến 90%, tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá và sự ổn định
- 01-06-2016Gần 180.000 tấn vải thiều sắp ra thị trường
- 01-06-2016200 thương lái Trung Quốc vào Bắc Giang giám sát thu mua vải thiều
- 30-05-2016Vải thiều Bắc Giang vẫn chọn Trung Quốc là thị trường chủ lực
Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết năm nay, toàn tỉnh có 30.000 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 130.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm trước. Trong đó, lượng vải chín sớm ước đạt 23.000 tấn, vải thiều chính vụ 107.000 tấn, tập trung ở các huyện: Lục Ngạn khoảng 70.000 tấn, Lục Nam 28.000 tấn, Tân Yên 8.000 tấn, Lạng Giang 6.500 tấn, Yên Thế 12.000 tấn và Sơn Động 5.700 tấn.
Theo ông Ngô Bá Định - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương - sản lượng vải trên địa bàn đạt khoảng 25.000 tấn, giảm 3.000 tấn so với năm ngoái.
Đi đâu cũng gặp thương lái Trung Quốc!
Mùa vải thiều năm nay, theo nhận định của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính với khoảng 40% tổng sản lượng, tương đương 90% lượng xuất khẩu. Vào vụ thu hoạch vải thiều, tại tỉnh Bắc Giang thường có gần 3.000 điểm thu mua với trên 1.500 thương nhân trong và ngoài nước, trong đó có hơn 200 người Trung Quốc. Do quá lệ thuộc thị trường Trung Quốc nên lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang hết sức băn khoăn trong việc giữ ổn định cho đầu ra của nông sản này.
Chủ một đại lý thu gom vải thiều tại huyện Lục Ngạn cho biết dù mới chớm vụ nhưng đã có thương lái Trung Quốc sang đặt vấn đề mua bán. “Khoảng 20 ngày nữa, khi vào chính vụ, đi đâu cũng gặp thương lái Trung Quốc tìm mua vải thiều. Có thể bị ép cân, ép giá nhưng người trồng vẫn thích bán cho thương lái Trung Quốc vì được số lượng lớn” - chủ đại lý này giải thích.
Ông Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, thừa nhận việc buôn bán với thương lái Trung Quốc luôn gặp nhiều khó khăn, thách thức do không ổn định giá cả và số lượng.
Đẩy mạnh tiêu thụ trong nước
Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2016, huyện Lục Ngạn đã được phía Mỹ cấp 15 mã vùng trồng vải thiều cho hơn 200 hộ dân với 158 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Theo đó, quy trình chăm sóc được giám sát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng, sản lượng khoảng 1.000 tấn, đạt tiêu chuẩn xuất sang Mỹ, Úc, EU. Ngoài ra, vùng sản xuất vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGAP với 12.560 ha, sản lượng khoảng 53.000 tấn. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là nơi tiêu thụ chính do các thị trường mới mở còn khiêm tốn.
Ông Trần Quang Tấn cho rằng việc đưa vải thiều sang các thị trường khó tính là để khẳng định thương hiệu, hướng tới trong tương lai. Năm 2016, tỉnh Bắc Giang dự kiến tổng sản lượng tiêu thụ trong nước khoảng 60%, tương đương 78.000 tấn; xuất khẩu khoảng 40% với 52.000 tấn. “Nhiều năm qua, tỉnh luôn xác định thị trường trong nước là trọng điểm, tập trung nhằm khai thác hết tiềm năng, trong đó quan tâm đến nhu cầu sử dụng trái vải chất lượng cao tại Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM và các tỉnh phía Nam” - ông Tấn nhìn nhận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái khẳng định sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường xuất khẩu mới nhằm giảm áp lực phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường tiêu thụ vải thiều lớn nhất.
Để hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đã yêu cầu các đơn vị kiểm dịch thực vật ở Lào Cai, Lạng Sơn và các địa phương tạo điều kiện tối đa thông quan. Đặc biệt, không để xảy ra ách tắc xuất khẩu vải thiều.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều đang được tiến hành bài bản, khẩn trương với quyết tâm không để xảy ra tình trạng “được mùa mất giá”, như đẩy mạnh tiêu thụ vào các siêu thị, chợ đầu mối trong cả nước. “Sau hội nghị tìm giải pháp tiêu thụ vải thiều ngày 17-5 tại địa phương, UBND tỉnh Bắc Giang đã tiếp tục tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành” - ông Trần Quang Tấn cho hay.
Người Lao động