Vẫn có lãi trong năm đại dịch, Golden Gate đã tìm ra công thức thành công?
Đại diện Golden Gate cho rằng đại dịch COVID-19 là sự kiện mang tính sàng lọc với ngành F&B, chỉ những doanh nghiệp thích nghi tốt trong điều kiện này mới có thể tồn tại.
Trong bối ảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, hoạt động kinh doanh nhà hàng nằm trong số những lĩnh vực thiệt hại nặng nề . Từ cuối quý 2, đầu quý 3, hầu hết các nhà hàng phải đóng cửa theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến xấu và chưa biết đến khi nào hoạt động kinh doanh nhà hàng mới có thể được đón khách trở lại, chưa nói đến việc hồi phục như mức trước đại dịch. Thích ứng với tình hình mới sẽ là từ khoá cho việc kinh doanh chuỗi nhà hàng hậu đại dịch.
Golden Gate vẫn báo lãi bất chấp năm đầu đại dịch, sức hồi phục nhanh chóng của thị trường đã được kiểm chứng
CTCP Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) sở hữu chuỗi nhà hàng đa thương hiệu lớn bậc nhất Việt Nam có lẽ cảm nhận rõ những khó khăn do đại dịch gây ra. Golden Gate hiện vận hành các thương hiệu nổi tiếng như Ashima, Kichi – Kichi, Hutong, Manwah, GoGi House, iSushi, Vuvuzela, Cowboy Jack’s…
Tuy nhiên, số liệu về kết quả kinh doanh cho thấy Golden Gate đã thích ứng rất tốt với tình hình mới của thị trường. Năm ngoái, công ty đạt doanh thu 4.559 tỷ đồng, sụt giảm không đáng kể dù có giai đoạn các nhà hàng buộc phải đóng cửa do dịch bệnh cũng như thói quen khách hàng thay đổi. Với tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn duy trì ở mức cao khoảng 60%, chủ chuỗi nhà hàng báo lãi sau thuế 65 tỷ đồng.
Theo đại diện Golden Gate, việc thị trường chung chịu tác động do đại dịch là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên từng thương hiệu và địa điểm kinh doanh sẽ có tốc độ phục hồi khác nhau.
Đối tượng khách hàng của Golden Gate chủ yếu là dân văn phòng, gia đình có mức thu nhập từ trung bình trở lên. Đây là nhóm khách hàng có khả năng phục hồi tiêu dùng tương đối nhanh sau các làn sóng dịch bệnh. Thực tế sau giai đoạn giãn cách tháng 4/2020, các thương hiệu như GoGi House, Manwah, Kichi – Kichi đã lấp đầy từ 80 – 100% công suất ngay trong tuần đầu tiên.
Đẩy mạnh đa dạng hoá nguồn thu, giảm chi, tăng cường hiệu suất
Song song việc chờ đợi thị trường ấm dần, chuỗi nhà hàng cũng tăng cường triển khai các giải pháp chủ động giúp thúc đẩy doanh số. Trong đó phải kể đến dịch vụ G – Delivery giao đồ ăn tại nhà đáp ứng những khách hàng e ngại việc đến những nơi đông người.
Cùng với đó, Golden Gate đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm Ready – to – eat mang thương hiệu Icook (đã sơ chế, cấp đông và đóng gói). Các sản phẩm được phân phối toàn miền Bắc đến các hệ thống siêu thị/cửa hàng tiện ích VinMart/Vinmart+, hay trên các sàn thương mại điện tử Tiki, VinID, ShopeeFood, GrabMart, Lazada… Theo đại diện Golden Gate, dòng sản phẩm hiện nay đang rất được khách hàng đón nhận do có thể mua tích trữ lâu dài tại nhà, hạn chế tối đa số lần ra ngoài mua đồ ăn tại giai đoạn nhạy cảm. Ngoài ra, Golden Gate cũng nghiên cứu đưa ra các chương trình ưu đãi, sản phẩm phù hợp nhu cầu và kích cầu thị trường sôi động trở lại.
Sở hữu tới 385 cửa hàng tại thời điểm cuối năm 2020, việc tăng cường kiểm soát chi phí và gia tăng hiệu quả hoạt động của Golden Gate dù là nhỏ nhất cũng có tác động rộng lớn trên toàn chuỗi.
Đại diện Golden Gate chia sẻ trong thời gian qua, công ty đã tích cực đàm phán với các chủ mặt bằng nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc giảm phí cho thuê. Đặc biệt các đối tác cho thuê mặt bằng ở trung tâm thương mại có chính sách miễn phí một phần tiền thuê trong thời gian phải đóng cửa theo quy định của Chính phủ.
Tại nhà hàng, việc sử dụng nguồn nhân lực được cân đối theo nhu cầu và tình hình kinh doanh thực tế. Trong vận hành, với lợi thế về quy mô của các nhà hàng, công ty cũng đạt được những thoả thuận tốt khi tìm kiếm được nguồn nguyên vật liệu chất lượng cao, giá thành hợp lý. Ngoài ra, Golden Gate cũng đã đầu tư hệ thống ERP để nâng cao hiệu quả trong quản lý doanh nghiệp, đẩy mạnh các dự án chuyển đổi số toàn diện không chỉ tại các bộ phận tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, mà cả tại các bộ phận hỗ trợ nhằm tối ưu hóa nguồn lực.
Chính nhờ những biện pháp tối ưu hóa nguồn thu, kiểm soát hiệu quả chi phí được triển khai kịp thời, Golden Gate vẫn duy trì được dòng tiền, trả nợ đúng hạn, và đảm bảo chỉ số nợ vay trên vốn chủ ở mức an toàn (thấp hơn trung bình ngành).
Đại dịch mang tính sàng lọc đòi hỏi kỹ năng thích nghi đối với ngành F&B
Cho đến thời điểm hiện tại, làn sóng dịch bệnh lần thứ tư đã kéo dài trên 3 tháng và còn có thể lâu hơn nữa. Điều này chắc chắn ảnh hưởng mạnh đến kết quả kinh doanh của các chuỗi nhà hàng trong năm 2021.
Đại diện Golden Gate cho rằng biến cố COVID-19 là điều không ai muốn và mang tính sàng lọc tự nhiên với ngành F&B. Nhiều chủ kinh doanh đã phải rời bỏ ngành để lại khoảng trống thị trường cần lấp đầy.
Chuỗi nhà hàng phân khúc trung – cao cấp được kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ sau khi mở cửa trở lại.
Ở thời điểm hiện tại khi hệ thống đang tạm dừng đón khách, Golden Gate triển khai kế hoạch dự trù nguồn hàng để đón làn sóng hồi phục. Việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài đã được lên phương án theo quý, nguồn cung trong nước cũng được đẩy mạnh.
Đội ngũ nhân sự cốt lõi của Golden Gate luôn được duy trì để sẵn sàng khi mở cửa trở lại. Ngoài ra, khoảng thời gian giãn cách xã hội cũng được tận dụng để đào tạo nâng cao năng lực nhân viên thông qua các hình thức đẩy mạnh đào tạo online. Toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất tiếp tục được duy tu, bảo trì, sẵn sàng cho việc mở cửa trở lại. Công tác chuyển đổi số càng được Golden Gate được đẩy mạnh hơn nữa, từ đặt bàn, gọi món, đến giao hàng thông qua đặt online… để tăng cường trải nghiệm cho khách hàng.
Kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2020 cùng với những phương án linh động của Golden Gate triển khai suốt quãng thời gian diễn ra đại dịch đã chứng minh được năng lực thích nghi bất chấp quy mô hệ thống đồ sộ. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài hơn nữa, rất có thể chuỗi sẽ phải nghĩ đến những concept mới, các dòng sản phẩm mới phù hợp thị hiếu và thích ứng với thay đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng sau đại dịch.