Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về tăng tuổi nghỉ hưu
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa có văn bản gửi BHXH ViệtNam liên quan đến điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động(sửa đổi).
- 14-11-2019Chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế từ ngân sách Trung ương giảm 1.600 tỷ
- 14-11-2019Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020: Thu 851.768,636 tỷ, chi 1.069.568,636 tỷ đồng
- 12-11-201990 nghìn lao động nước ngoài ở Việt Nam, toàn sếp lớn và lương cao
- 07-11-2019Xuất hiện dấu hiệu mới trên thị trường lao động, cho thấy Việt Nam trở thành nơi đầu tư tiềm năng của doanh nghiệp châu Âu
Theo đó, sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội tại hai kỳ họp bảy và tám, Quốc hội khóa XIV, để đảm bảo tính đồng bộ về tăng tuổi hưu, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đề nghị cơ quan có ý kiến về tăng tuổi nghỉ hưu.
Trong đó, phương án 1 (do Chính phủ trình) quy định, từ năm 2021, mỗi năm tăng ba tháng với nam và bốn tháng với nữ, để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035 và của nam là 62 tuổi vào năm 2028.
Sau hai kỳ họp lấy ý kiến dự luật vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Phương án 2, Bộ luật Lao động sẽ quy định nguyên tắc tăng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60), từ ngày 1-1-2021. Theo đó, Chính phủ sẽ quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm lao động khác nhau.
Hai phương án trên đều có quy định chung là người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở nơi có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá năm tuổi so với quy định.
Liên quan đến điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, tổng thư ký Quốc hội cũng vừa có văn bản tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường tại kỳ họp thứ tám về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Theo đó, nhiều ý kiến đồng ý phương án 1, một số ý kiến đồng ý phương án 2. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị làm rõ cụm từ “trong điều kiện lao động bình thường”, nếu không quy định rõ thì chưa tạo được sự đồng thuận lớn. Một số ý kiến đề nghị đối với lao động nữ nên được nghỉ hưu ở tuổi 58 là phù hợp.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu việc tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng công chức thì nên tăng tất cả, viên chức nên tăng một bộ phận lớn, công nhân lao động thì tăng một bộ phận nhỏ sao cho phù hợp.
Đặc biệt, có ý kiến cho rằng Chính phủ cần quy định chi tiết theo hướng xem xét không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn, nghỉ hưu sớm hơn từ 5-10 năm so với quy định của luật đối với các trường hợp lao động ở lĩnh vực độc hại, nguy hiểm, môi trường đặc biệt, trong đó có công nhân, thầy thuốc, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, người làm nghệ thuật...
Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc thông qua tại kỳ họp này vì khi thảo luận dự luật có nhiều ý kiến cho rằng nên thông qua với quy trình ba kỳ họp. Với những vấn đề hiện nay đang đặt ra của dự luật, Quốc hội cũng cần phải cân nhắc. Rõ ràng còn nhiều ý kiến khác nhau, trái chiều, chưa tập trung, chưa thống nhất, kể cả về tuổi nghỉ hưu và giảm thời giờ làm việc bình thường.
“Đồng thời, với việc sửa đổi bộ luật này cũng cần phải sửa Luật Công đoàn để Chính phủ có thời gian chuẩn bị các nghị định quy định chi tiết. Còn hai phương án nghỉ hưu nếu chọn phương án 2 Chính phủ phải có nghị định hướng dẫn thi hành…” - báo cáo tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu rõ.
PLO