MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vẫn còn tranh cãi về quản lý kinh doanh gas

Các chuyên gia thuộc tổ công tác của Thủ tướng cho rằng: Một số điều kiện về kinh doanh gas là phi thị trường khiến các DN nhỏ và vừa ít nhất phải tốn tới 25 tỉ đồng cho chi phí không cần thiết. Ấy là chưa kể chi phí thuê đất, xây dựng kho bãi để chứa số vỏ bình nói trên.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 19/2016 của Chính phủ về kinh doanh khí (gas).

Trong đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến, bổ sung dự thảo nghị định quy định bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong hoạt động kinh doanh khí vào điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện…; giao Bộ Công Thương hoàn chỉnh dự thảo nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-5.

Dự thảo nghị định thay thế Nghị định 19 nhận được nhiều ý kiến trái chiều của giới kinh doanh gas cũng như cơ quan quản lý. Điểm mấu chốt của dự thảo nghị định lần này nằm ở quy định nên hay không nên có hệ thống phân phối và bảo đảm an toàn cháy nổ.

Về hệ thống phân phối, Nghị định 19 quy định các loại hình thương nhân kinh doanh khí (thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; thương nhân sản xuất, chế biến khí; thương nhân phân phối khí; tổng đại lý và đại lý kinh doanh LPG) đã mở cho các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn tham gia thị trường kinh doanh LPG.

Doanh nghiệp kinh doanh khí căn cứ vào năng lực, mô hình hoạt động và khả năng đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất hiện có, chủ động lựa chọn loại hình kinh doanh phù hợp.

Tuy nhiên, dự thảo Nghị định thay thế chỉ quy định ba loại hình thương nhân kinh doanh khí bao gồm: thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu khí; thương nhân sản xuất, chế biến khí và thương nhân kinh doanh mua bán khí.

Như vậy, dự thảo Nghị định đã xóa bỏ hệ thống phân phối, cho phép các doanh nghiệp mua đứt bán đoạn LPG chai.

Lo xáo trộn, khó kiểm soát giá cả

Hiệp hội Gas Việt Nam nhìn nhận quy định trên dễ dẫn đến tình trạng loại hình tổng đại lý/đại lý kinh doanh LPG hiện hữu sẽ phải chuyển đổi hoặc giải thể trong thời gian tới; ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh khí của doanh nghiệp; tạo kẽ hở lớn để chai LPG không đảm bảo an toàn, trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ,  nguy cơ gây cháy nổ bất cứ lúc nào được lưu thông trên thị trường.

Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước không thể và không đủ nguồn lực để thực hiện tốt trách nhiệm theo dõi, kiểm tra ngăn chặn các hành vi chiếm dụng chai LPG lưu thông.

Theo Hiệp hội Gas Việt Nam, chưa kể, việc xóa bỏ hệ thống tổng đại lý phân phối còn dẫn đến việc thương nhân kinh doanh LPG không tuân thủ quy định của Luật Giá về kê khai giá, kiểm soát giá trong khi đó Điều 15 Luật Giá số 11/2012 quy định mặt hàng khí dầu mỏ hóa lỏng thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá.

"Việc xóa bỏ này còn gây ra hệ lụy trên thị trường như xáo trộn, khó kiểm soát nguồn cung và giá cả; không thể gắn trách nhiệm cho từng đối tượng cụ thể về chất lượng, nguồn gốc và mức độ an toàn của chai LPG trong chuỗi kinh doanh LPG", Hiệp hội Gas Việt Nam, nhận định.

Vẫn còn tranh cãi về quản lý kinh doanh gas - Ảnh 1.

Tình trạng một số người kinh doanh gas còn chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín. Nhiều sản phẩm bị cắt tai, mài bình gây mất an toàn phòng chống cháy nổ, đe dọa tính mạng người sử dụng. Ảnh minh họa.


Phải bỏ những điều kiện vô lý

Ngược lại nhiều ý kiến nhận định: Nghị định 19 có nhiều điều kiện bị đánh giá là vô lý và không phù hợp thực tế, trong đó có hai điều kiện rất ngặt nghèo về bồn chứa và vỏ bình. Theo đó, các DN nhỏ và vừa cần phải có bồn chứa 300 m3 và ít nhất là 50.000 vỏ bình.

Các chuyên gia thuộc tổ công tác của Thủ tướng cho rằng: Đây là những điều kiện phi thị trường khiến các DN nhỏ và vừa ít nhất phải tốn tới 25 tỉ đồng cho chi phí không cần thiết. Ấy là chưa kể chi phí thuê đất, xây dựng kho bãi để chứa số vỏ bình nói trên.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay: Dự thảo nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19/2016 đã được trình Chính phủ. Theo đó, tờ trình dự thảo của Bộ Công Thương đã được 26/26 phiếu thành viên Chính phủ đồng ý thông qua.

Tại dự thảo này, Bộ Công Thương nhận định các điều kiện thương nhân đầu mối phải sở hữu các bồn chứa khí và sở hữu chai chứa khí hỏa lỏng (LPG); điều kiện thương nhân phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp khí, về thiết lập hệ thống phân phối... đang là rào cản cho sự phát triển của DN.

“Do vậy dự thảo nghị định cải cách theo hướng giảm bớt các giấy tờ thủ tục hành chính liên quan đến cấp các giấy chứng nhận đủ điều kiện cho thương nhân kinh doanh khí. Ví dụ, không quy định thủ tục hành chính đối với giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự cho phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ” - đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Tại dự thảo nghị định kinh doanh khí thay thế cho Nghị định số 19/2016 trình Chính phủ, Bộ Công Thương đề nghị bỏ hình thức hệ thống đại lý, tổng đại lý. Bộ Công Thương giải thích nếu giữ hệ thống phân phối như Nghị định 19/2016 thì vô hình trung cản trở DN trong quá trình hoạt động kinh doanh, tạo ra nhiều tầng nấc kinh doanh cho DN, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh; chưa phù hợp với Luật DN.

“Việc thiết lập hệ thống phân phối hay không là do sự tự chủ của DN căn cứ vào quy mô và năng lực của mình để thiết lập đảm bảo phù hợp các quy định về thiết lập đại lý như quy định của Luật Thương mại, không nhất thiết tất cả thương nhân kinh doanh khí đều phải thiết lập hệ thống phân phối khí hỏa lỏng” - Bộ Công Thương nêu quan điểm.

Ông Đàm Vũ Hải, đại diện Công ty TNHH DHV - Gas Lai Châu, nói mình may mắn vì đã tiếp cận được nhiều phiên bản của dự thảo thay thế Nghị định 19. Những điều kiện về số lượng vỏ bình, quy mô bồn chứa đã được bãi bỏ.

“Dù đang nằm trên đống lửa của thời kỳ chuyển tiếp, chúng tôi vẫn thấy nghị định mới là rất tốt, phù hợp với tinh thần Chính phủ kiến tạo. Như thế thì các DN nhỏ kinh doanh gas mới có điều kiện để sống” - ông Hải cho hay.

Thủ đoạn cưa tai , mài bình

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, hoạt động chiết nạp và kinh doanh gas trái phép có diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Do chạy theo lợi nhuận mà nhiều người đã bất chấp sử dùng nhiều thủ đoạn để đưa ra thị trường những bình gas kém chất lượng, có giá thành thấp nhưng lại được bán ra với giá của bình gas chính hãng.

Ngoài ra, theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM trên địa bàn TP.HCM, tình trạng một số người kinh doanh gas còn chiếm dụng trái phép chai LPG của các doanh nghiệp có uy tín. Nhiều sản phẩm bị cắt tai, mài bình gây mất an toàn phòng chống cháy nổ, đe dọa tính mạng người sử dụng. Các đối tượng này thương thu gom bình gas của các doanh nghiệp khác và tẩy xóa thương hiệu rồi sau đó chiết nạp gas vào bình và tung ra thị trường.

"Các chai LPG bị chiếm dụng này thường được chở đến những cơ sở chiết nạp nàm trên địa bàn một số tỉnh giáp ranh như Bình Dương, Tây Ninh, Long An để chiết nạp gas, sau được quay ngược về TP.HCM và được đưa đến các cửa hàng tiêu thụ. Các chai này thường chưa có niêm màng co van đầu bình cho đến khi giao hàng tới người tiêu dùng mới được gắn niêm màng co để đối phó với cơ quan chức năng"- Chi cục Quản lý thị trưởng TP.HCM thông tin.


Theo Trà Phương

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên