Văn hóa độc hại và cuộc đua "xuống đáy" đang tàn phá ngành hàng không toàn cầu thế nào?
Các chuyến bay bị hủy, sân bay chật cứng người chờ, nhân viên đình công, hành lý thất lạc… đang trở thành bình thường mới ở nhiều sân bay khắp toàn cầu.
- 22-07-2022Hàng không thế giới 'căng như dây đàn': Sân bay lớn nhất nhì thế giới hạn chế phục vụ, khách hàng rơi vào 'thảm cảnh du lịch'
- 22-06-2022"Phép màu" trên sân bay Miami: Phi cơ chở gần 140 người trượt dài trên đường băng rồi bốc cháy nhưng chỉ 3 người phải vào viện
- 28-05-2022Sân bay lớn thứ 3 thế giới ở Hà Lan ngừng hoạt động do thiếu nhân viên an ninh
- 16-03-2022Những ngày "cuối đời" của tàu sân bay Mỹ từng "làm mưa làm gió" trên biển: Một thời oanh liệt từng đụng độ với tàu ngầm Liên Xô, giờ đây chỉ được bán với giá 1 USD
Ở thời điểm hiện tại, sự hỗn loạn bao trùm nhiều sân bay lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu. Tình trạng này bắt đầu từ mùa hè và chưa có dấu hiệu giảm bớt. Truyền thông và mạng xã hội thường xuyên đưa tin về tình trạng du khách mắc kẹt ở sân bay hay những núi hành lý thất lạc….
Chỉ trong tuần này, hãng hàng hông Lufthansa của Đức đã hủy gần như toàn bộ các chuyến bay của họ tại Frankfurt và Munich, khiến khoảng 130.000 du khách bị mắc kẹt, do tình trạng các nhân viên mặt đất của hãng đình công để yêu cầu mức lương cao hơn.
Sân bay Heathrow của Luân Đôn và Sân bay Schiphol của Amsterdam, hai trong số những cửa ngõ lớn nhất châu Âu, cũng đã giảm sức phục vụ hành khách và yêu cầu các hãng hàng không cắt giảm các chuyến bay đến và đi. Điều này khiến cả các du khách và những nhà quản lý hàng không nổi đóa.
Các hãng hàng không ở Mỹ cũng hủy và hoãn hàng chục nghìn chuyến bay do thiếu nhân viên cũng như các vấn đề thời tiết.
Các hãng hàng không đang lên tiếng đổ lỗi cho các sân bay và chính phủ. Hôm đầu tuần, Neil Sorahan - giám đốc tài chính của hãng hàng không giá trẻ Ryanair của châu Âu – phàn nàn về khả năng phục vụ của các sân bay.
Tuy nhiên, nhiều người làm trong lĩnh vực hàng không nói rằng các hãng hàng không cũng phải chịu một phần trách nhiệm về tình trạng thiếu hụt nhân viên cũng như các tình huống mà đang trở nên nghiêm trọng tới mức đe dọa sự an toàn của ngành.
Theo đó, CNBC đã nói chuyện với một số phi công của các hãng hàng không lớn. Tất cả đều phản ánh sự mệt mỏi do phải làm việc nhiều giờ cũng nhưng những gì họ mô tả là chủ nghĩa cơ hội trong ngành. Bên cạnh đó, mong muốn cắt giảm chi phí của các hãng hàng không được mô tả như một phần của văn hóa "cuộc đua tới đáy" độc hại đang lan tràn. Nó làm tồi tệ thêm tình trạng lộn xộn mà du khách đang phải đối mặt hiện nay.
Các phi công chia sẻ với điều kiện ẩn danh bởi họ không được phép phát ngôn với báo chí.
"Từ quan điểm của hành khách, những gì đang diễn ra thực sự là một cơn ác mộng", phi công của hãng hàng không giá rẻ easyJet nói với CNBC. "Bắt đầu từ mùa hè, thảm họa tồi tệ này vẫn tiếp diễn khi các hãng hàng không không biết họ đang làm gì. Họ không có một kế hoạch phù hợp. Tất cả những gì họ muốn là cố gắng bay càng nhiều càng tốt như thể là đại dịch chưa bao giờ xảy ra".
Tuy nhiên, phi công này nói rằng các hãng hàng không đã quên mất một điều đó chính là nguồn lực của họ. Chính bởi thế, các nhân sự trong ngành, đặc biệt là phi công, trở nên quá tải. Cuộc sống của phi hành đoàn đảo lộn. Trong khi đó, dưới mặt đất, sự sa thải hàng loạt do Covid-19 đã khiến tình trạng thiếu hụt diễn ra phổ biến. Lượng người xử lý hành lý, làm thủ tục check-in, an ninh… đều quá ít so với nhu cầu. Nó tạo ra một hiệu ứng domino với lịch trình bay.
"Trong cái bát súp của sự độc hại đó, các sân bay và hãng hàng không có trách nhiệm như nhau", viên phi công giấu tên nói.
Thực tế, ngành công nghiệp này đang gặp khó khăn bởi một "cơn bão hoàn hảo" - sự kết hợp của một loạt các yếu tố bất lợi. Họ không có đủ nguồn lực để đào tạo nhân sự mới trong khi nhân sự cũ không muốn trở lại. Ngoài ra, mức lương trong ngành này vẫn rất thấp do bị cắt giảm kể từ đại dịch dù doanh thu của các hãng hàng không đã được cải thiện đáng kể.
"Họ nói với chúng tôi rằng phi công vẫn sẽ bị cắt giảm lương cho ít nhất là năm 2030. Trong khi đó, các quản lý vẫn được nhận lương đầy đủ, thậm chí còn được trả thêm để bù đắp lạm phát", phi công của British Airways cho biết.
Trong khi đó, các chính phủ cũng không hỗ trợ lĩnh vực hàng không ở thời điểm hiện tại. Khi đại dịch xảy ra, rất nhiều sân bay đã tranh thủ sa thải, cắt giảm lương hay buộc người lao động ký lại những hợp đồng tệ hơn với lý do tình hình khó khăn. Tuy nhiên, khi mọi thứ đã trở lại bình thường, các cảng hàng không này không kịp thích ứng và tình trạng thiếu hụt xảy ra.
Hiện tại, nhiều sân bay và hãng hàng không đang đẩy mạnh tuyển dụng với mức lương cao hơn. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo bắt buộc đang bị cắt giảm mạnh vì quá tải. Nó tiếp tục khiến tình trạng hỗn loạn trở nên tồi tệ hơn.
Nhân viên mặt đất của British Airways đang chuẩn bị để đình công trong tháng 8 khi lương của họ chưa được phục hồi dù lượng công việc phải làm còn nhiều hơn trước dịch. Tồi tệ hơn, lương giám đốc điều hành công ty mẹ vẫn là 303.000 USD/năm, bao gồm cả những trợ cấp sinh hoạt phí.
Áp lực từ người lao động đã khiến British Airways và công đoàn đạt thỏa thuận tăng lương để ngăn chặn cuộc đình công. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng họ vẫn chưa được nhận số tiền như trước khi dịch bệnh xảy ra.
Trong một tuyên bố, British Airways cho biết: "Hai năm qua đã gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn bộ ngành hàng không. Chúng tôi đã hành động để tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để có thể tồn tại và hạn chế sa thải người lao động". Hãng hàng không cũng cho biết họ sẽ tập trung hoàn toàn vào việc xây dựng khả năng phục hồi hoạt động để giúp khách hàng có được sự ổn định mà họ xứng đáng có.
Trong khi đó, CEO Luis Gallego của IAG – công ty mẹ British Airways, đã mất khoản thưởng 900.000 bảng vào năm 2021 và tự nguyện giảm lương trong năm 2020 và 2021. Ông này cũng không nhận khoản tiền thưởng năm 2020.
Một phi công đang bay cho hãng Emirates của Dubai thì cho rằng tư duy ngắn hạn nhưng kéo dài, coi nhân viên là sự hiển nhiên, đã đặt nền móng cho tình hình hỗn loạn ngày nay.
"Các hãng hàng không đã rất thoải mái khi cố gắng hạ lương những lao động trong ngành này suốt nhiều năm với suy nghĩ rằng họ chẳng có nơi nào để đi. Giờ đây, khi những người lao động có lựa chọn khác thì họ lại bị sốc. Đây đúng là điều khó mà tin nổi", phi công giấu tên chia sẻ.
Tất cả những vấn đề nêu trên đã nghiêm trọng với ngành nhưng một vấn đề nguy hiểm hơn thường hay bị bỏ qua đó chính là sự mệt mỏi của các phi công. Giới hạn bay tối đa của một phi công là 900 giờ mỗi năm. Tuy nhiên, với nhiều hãng hàng không, đó không phải mức tuyệt đối mà là mục tiêu để họ cố gắng đẩy các phi công của mình tới đó, khiến khối lượng công việc của mỗi người tăng vọt.
"Đó là nỗi lo lớn với chúng tôi. Chúng tôi có một nền văn hóa khá độc hại, khối lượng công việc quá dày đặc. Tất cả những điều đó đe dọa tới an toàn bay. Đây là vấn đề đáng quan ngại rất lớn", phi công của Emirates nói.
Thậm chí, phi công còn chỉ trích các hãng hàng không và sân bay đang trong một "cuộc đua tới đáy" suốt nhiều năm qua. Họ chỉ cố gắng để phải chi tiền ít nhất có thể. Điều này gây ra hệ lụy kéo dài mà khó có thể tìm được lời giải trong ngày một, ngày hai.
Trong khi đó, phi công của British Airways nói rằng nhân sự chuyên môn cao không được tôn trọng. Thao vào đó, lãnh đạo của ngành chỉ muốn làm sao để chi phí lao động rẻ nhất, qua đó mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cổ đông và những khoản thưởng lớn dành cho riêng họ.
Phản bác những chỉ trích này, Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế cho biết: "Ngành hàng không đang tăng cường nguồn lực càng nhanh càng tốt để đáp ứng nhu cầu của du khách". Tuy nhiên, hiệp hội này cũng thừa nhận đây là thời điểm khó khăn với người lao động của ngành, đặc biệt là khi các hãng đều thiếu người. Nhóm này cũng đưa ra các khuyến nghị để thu hút và giữ chân nhân tài.
Tuy nhiên, cho tới lúc đạt được mục tiêu đó, Hiệp hội vẫn chỉ đề nghị du khách kiên nhẫn chờ đợi và thông cảm.
Tham khảo: CNBC