MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Vành đai, con đường' đến Bắc Cực, Trung Quốc chính thức 'ôm trọn' địa cầu

29-01-2018 - 11:56 AM | Tài chính quốc tế

Mặt trời không bao giờ lặn cho tham vọng thương mại và cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.

Với việc bổ sung Bắc cực và Mỹ Latinh vào tuần trước, sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thực sự đã mang quy mô toàn cầu. Chỉ Mỹ, nước láng giềng Canada và đồng minh Nhật Bản vẫn chưa tham gia kế hoạch xây dựng/nâng cấp một mạng lưới đường cao tốc, đường sắt, bến cảng và đường ống này.

Vành đai, con đường đến Bắc Cực, Trung Quốc chính thức ôm trọn địa cầu - Ảnh 1.

Kế hoạch của ông Tập bao phủ toàn bộ Trái đất, trừ Mỹ, Canada và Nhật Bản (Nguồn: Bloomberg).

Trung Quốc thêm 2 khu vực rộng khoảng 33,7 triệu km2 chỉ trong 5 ngày. Thứ nhất, ông Tập kêu gọi tạo ra một "con đường tơ lụa xuyên Thái Bình Dương" trong một bài phát biểu tại cuộc tụ họp các nhà lãnh đạo từ các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean ngày 22/1. Hôm thứ sáu (26/1), cường quốc châu Á cũng công bố một "Con đường tơ lụa Địa cực" - "Sách trắng" đầu tiên về chi tiết chính sách Bắc cực.

Mặc dù không rõ các khu vực sẽ đón nhận kế hoạch như thế nào, sự mở rộng này là bằng chứng mới nhất về mong muốn của Bắc Kinh để mở rộng vai trò toàn cầu trong bối cảnh Mỹ thu mình lại dưới thời Tổng thống Donald Trump. Khi ông Trump đang dự thảo một kế hoạch 1.000 tỷ USD để cải tạo hệ thống cầu đường xuống cấp của Mỹ, nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của ông Tập đang lấn vào sân sau của Washington.

Để tránh cạnh tranh trực tiếp, Trung Quốc có mời Mỹ tham gia sáng kiến "Một vành đai, một con đường" nhưng ông Trump chưa chấp nhận đề nghị. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe từng bày tỏ sự quan tâm đến kế hoạch này.

Vành đai, con đường đến Bắc Cực, Trung Quốc chính thức ôm trọn địa cầu - Ảnh 2.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trong buổi lễ khai mạc Diễn đàn "Một vành đai, một con đường" ở Bắc Kinh ngày 14/5/2017 (Nguồn: Associated Press).

Bất chấp những nghi ngờ về sự cần thiết cũng như nguy cơ của các khoản đầu tư, dự án khổng lồ chỉ ngày càng lớn mạnh kể từ khi ông Tập đề nghị khôi phục lại các tuyến thương mại Á-Âu cổ đại hồi 2013.

Hành trình "Một vành đai, một con đường" lan ra toàn thế giới:

Tháng 9/2013: Ông Tập đề xuất kế hoạch "Con đường tơ lụa" trên đất liền ở Astana, Kazakhstan. 

 Tháng 10/2013: Ông Tập thêm một “ Con đường tơ lụa Hàng hải thế kỷ 21” tại Jakarta, Indonesia. 

 Tháng 3/2015: Kế hoạch hành động "Vành đai, con đường" xác định các khu vực Nam Á, Ấn Độ Dương, Nam Thái Bình Dương và biển Địa Trung Hải. 

Tháng 6/2017: "Tầm nhìn về Hợp tác Hàng hải dưới Sáng kiến Vành đai, con đường" của Trung Quốc nêu bật 3 "hành lang kinh tế xanh" qua châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương.

 22/1: Ông Tập đề xuất "Con đường tơ lụa xuyên Thái Bình Dương" với các nước châu Mỹ Latinh và Caribbean. 

 26/1: Sách trắng công bố "Con đường tơ lụa Địa cực".

Theo Trang Hồ

Người đồng hành

Trở lên trên