MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành thép đòi công bằng giá điện

05-07-2013 - 10:03 AM |

Vấn đề giá điện cho sản xuất thép và xi măng như Dự thảo quy định biểu giá điện của Bộ Công thương đã bị các doanh nghiệp thép kịch liệt phản đối.

Trong cuộc họp của các doanh nghiệp sản xuất thép về tình hình hoạt động 6 tháng cuối năm, ông Phạm Chí Cường, chủ tịch hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, cần phải tính đủ giá điện cho các ngành sản xuất và áp dụng chung chứ không thể phân biệt đối xử với sản xuất thép và xi măng. Trên thực tế, có những doanh nghiệp thép như Vina Kyoei hay Thép Việt đã đầu tư các lò điện luyện thép hiện đại, ở mức công suất 120 tấn/mẻ, tiêu hao điện năng tương đương với mức của thế giới là khoảng 450 kWh/tấn. 

Hiện các đầu tư này mới đưa vào vận hành, phải chịu nhiều khó khăn do đúng lúc thị trường đi xuống trong khi chi phí vận hành, khấu hao lớn. Vì vậy nếu phải áp giá điện riêng nữa thì các doanh nghiệp đầu tư sâu cho sản xuất công nghiệp cơ bản càng gặp nhiều khó khăn. “Hiệp hội sẽ chính thức kiến nghị tới Chính phủ việc phân biệt giá điện cho ngành thép và muốn được đối xử bình đẳng”, ông Cường cho biết.

Về vấn đề này, ông Đinh Thế Phúc, cục phó Cục Điều tiết Điện lực cho hay, đây mới chỉ là dự thảo để lấy ý kiến đóng góp của các hộ sử dụng điện theo đúng trình tự ban hành văn bản, trước khi có văn bản chính thức trình lên Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp thép vẫn dùng công nghệ lạc hậu, khiến tiêu tốn nhiều điện có lý do giá điện vẫn chưa tính đúng, tính đủ chi phí như các nước khác.

Theo đại diện bộ Công thương, năm 2011, lượng tiêu thụ điện cho sản xuất thép và xi măng là khoảng 11-12% tổng sản lượng điện cả nước, trong đó xi măng chiếm hơn 60% số này.

Hiệp hội Thép cũng khẳng định, giá điện khi tính đúng, tính đủ có thể tăng nhưng nên bình đẳng. Mặt khác việc tăng giá điện này sẽ giúp loại bỏ chính những lò điện công nghệ cũ, tiêu tốn điện năng. “Vẫn có những địa phương cấp phép cho các lò luyện thép cao tần, công nghệ cũ, nhập khẩu từ Trung Quốc, sử dụng nhiều điện, tới 700 kWh/tấn. Các lò cao tần này không cần nguyên liệu đầu vào tuyển chọn kỹ nên lại cho ra sản phẩm chất lượng không cao, được bán với giá rẻ, cạnh tranh lại với sản phẩm đạt chuẩn của các nhà máy đầu tư hiện đại, tiêu thụ điện ít”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo M. Minh

khanhnt

Sài Gòn tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên