MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vất vả đòi nợ lương cuối năm

Nỗ lực đòi nợ lương không mang lại kết quả khiến cuộc sống của người lao động càng khó khăn, nhất là khi Tết cận kề

Mới đây, gần 20 lao động từng là nhân viên (NV) của Công ty CP Dịch vụ Quản lý CTM (quận 3, TP HCM) đã đến trụ sở công ty để đòi lương. Theo nhóm lao động này, không riêng họ mà khoảng 170 NV khác cũng đang bị công ty này nợ lương kéo dài cả năm với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng, mức ít nhất là 13 triệu đồng.

Không giữ lời

Anh Hoàng Tuấn Anh, nguyên trưởng nhóm hành chính của công ty, cho biết anh vào làm việc tại công ty từ tháng 11-2022. Đến tháng 7-2023, anh bắt đầu bị nợ lương. Dù anh đã nhiều lần yêu cầu được trả lương, nhưng doanh nghiệp (DN) lấy lý do khó khăn, liên tục hứa hẹn song không thực hiện.

Đến tháng 12-2023, không thể tiếp tục bám trụ, anh xin nghỉ việc nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán khoản tiền lương bị nợ là 150 triệu đồng. "Trong thời gian bị nợ lương, cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, phải vay mượn khắp nơi, thậm chí phải vay trên các app lãi suất cao, đến nay không thể cầm cự thêm. Chúng tôi đã rất tin tưởng cũng như cố gắng chia sẻ khó khăn với công ty trong suốt thời gian dài. Nhưng DN không có thiện chí khiến chúng tôi rất thất vọng" - anh Tuấn Anh nói.

Người lao động tập trung tại trụ sở Công ty CP Dịch vụ Quản lý CTM để đòi lương

Người lao động tập trung tại trụ sở Công ty CP Dịch vụ Quản lý CTM để đòi lương

Trong buổi làm việc dưới sự chủ trì của ông H.T.A, Giám đốc Trung tâm tổng vụ Công ty CP Dịch vụ Quản lý CTM, vào trưa 3-1, đại diện người lao động (NLĐ) yêu cầu công ty trả 30% tiền lương trước ngày 20-1, số còn lại trả trước ngày 8-2. Ông A. hẹn sẽ trả tiền lương từ nguồn thu của công ty trước ngày 8-2. 

Buổi làm việc được lập biên bản, tuy nhiên, đến chiều tối cùng ngày, số NV đòi lương lại nhận được thư từ địa chỉ email: teamcb.hr1@gmail.com, trong đó có nội dung "anh Nguyên và anh Nam (2 người được nhóm NV ủy quyền làm việc với phía công ty - PV) thử việc chưa đạt, chưa có hợp đồng lao động (HĐLĐ) chính thức nên thay mặt cho những anh chị em có HĐLĐ chính thức là chưa hợp lý". Mặc dù đây không phải là email chính thức của công ty, nhưng động thái này cũng khiến NLĐ lo lắng về việc thực hiện thỏa thuận trả lương trước đó.

Gửi khiếu nại nhiều nơi để đòi lương nhưng đến nay bà Nguyễn Thị Thu Bích, nguyên Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH Shape Smart Solution (quận 3), vẫn trắng tay. Trước đó, khi đến kỳ trả lương tháng 9-2023 (ngày 15-10), công ty thông báo trễ thời gian thanh toán, hẹn trả vào ngày 20-10-2023, sau đó tiếp tục dời đến ngày 25-10 rồi 30-10. Song, đến hạn công ty không trả lương tháng 9 mà nợ luôn cả lương tháng 10 của bà Bích với tổng số tiền gần 89 triệu đồng.

Theo bà Bích, không riêng bà mà khoảng 20 NV khác của công ty cũng lâm vào tình trạng tương tự khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Hiện công ty không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký, bà Bích cũng không thể liên lạc với giám đốc công ty nên đã gửi đơn khiếu nại đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) quận 3. Cơ quan này đã 2 lần mời đại diện công ty đến làm việc nhưng đều vắng mặt. Phòng LĐ-TB-XH đã hướng dẫn bà Bích làm thủ tục khởi kiện ra tòa.

Giám sát trả lương, thưởng

Cũng ròng rã đòi lương nhiều tháng qua nhưng đến nay hơn 20 tỉ đồng tiền lương và khoảng 15 tỉ đồng BHXH của tập thể lao động tại Công ty CP Kỹ thuật Công nghệ Sài Gòn (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng chưa biết khi nào mới đòi được. 

Theo phản ánh của NLĐ, từ tháng 3-2023, công ty bắt đầu nợ lương và kéo dài đến nay. Sau nhiều lần thương lượng bất thành với DN, NLĐ đã nộp đơn đề nghị hòa giải tranh chấp lao động đến Phòng LĐ-TB-XH quận Bình Thạnh. Ngày 21-12-2023, Phòng LĐ-TB-XH đã tổ chức hòa giải, song công ty vắng mặt nên NLĐ quyết định khởi kiện đòi quyền lợi.

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết qua rà soát cho thấy có 56 DN trên địa bàn thành phố có khả năng ngừng việc tập thể, có quan hệ lao động không tốt do nợ lương, BHXH hoặc không có thưởng Tết cho NLĐ. Bước đầu cũng xác định có 5 DN có khả năng không có thưởng Tết. 

Theo ông Tâm, TP HCM có lượng DN nợ BHXH, BHYT rất lớn, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho quan hệ lao động. Trước tình hình này, ngoài phối hợp với Sở LĐ-TB-XH thành phố cùng các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tại các DN có nguy cơ xảy ra tranh chấp, LĐLĐ TP HCM đã xây dựng và triển khai kế hoạch chăm lo Tết cho đoàn viên, NLĐ khó khăn, nhất là NLĐ không được thưởng Tết hoặc bị nợ lương. 

Bên cạnh đó, các Công đoàn cơ sở cũng sẽ tổ chức chăm lo Tết tại đơn vị theo khả năng, nỗ lực. "Người sử dụng lao động cần thông tin sớm và đầy đủ để NLĐ biết rõ về kế hoạch, thời điểm trả lương, thưởng… trong dịp Tết. Đối với những đơn vị cố tình xâm phạm quyền, lợi ích của đoàn viên, NLĐ, tổ chức Công đoàn cũng sẽ có giải pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho họ" - ông Tâm nhấn mạnh.

Sở LĐ-TB-XH TP HCM cho hay từ nay đến Tết Nguyên đán, sở tiếp tục theo dõi, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tại địa phương để theo dõi sát tình hình quan hệ lao động nhằm kịp thời có giải pháp xử lý khi có vấn đề phát sinh; khuyến khích các bên tuân thủ đầy đủ các cam kết theo HĐLĐ, pháp luật lao động, luật BHXH nhất là trong việc trả lương, thưởng, đóng BHXH, BHYT… 

Bên cạnh đó, sở cũng tổ chức 20 đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các DN, nhất là DN đang gặp có nguy cơ cắt giảm lao động, nợ lượng, thưởng, BHXH… để nắm tình hình, có hướng xử lý phù hợp, ngăn ngừa tranh chấp lao động. 

Theo Mai Chi

Người Lao động

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên