MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vay nợ cả tỷ đồng để mua nhà: Liệu có phải nhịn ăn nhịn mặc để trả nợ?

09-10-2023 - 14:37 PM | Lifestyle

Những điều cần cân nhắc trước khi vay mua nhà và trong quá trình trả nợ.

Chỉ nên mua nhà khi đã tự tin về mặt tài chính

Thảo Phạm, hiện đang làm trong lĩnh vực truyền thông, đã mua căn hộ 60m2 tại Thanh Xuân, Hà Nội vào năm 2022. Giá trị căn nhà là 3 tỷ đồng. Trong đó, cô đã vay 1 tỷ đồng từ ngân hàng với hình thức trả gốc lẫn lãi hàng tháng. Cho đến tháng 6/2023, cô đã trả hết nợ.

Có quan điểm rằng mua nhà khi độc thân khá lãng phí vì có thể sau 2,3 năm nữa sẽ kết hôn và chuyển đến sống cùng bạn đời. “Mình nghĩ rằng mỗi người có cuộc sống riêng, lối đi riêng, không ai chịu trách nhiệm cho cuộc đời của bạn. Lựa chọn cầm tiền mua nhà hay đầu tư sẽ phụ thuộc vào mục tiêu của mỗi người. Thế nào là “lãng phí” chỉ có người trong cuộc và theo thời gian mới trả lời được. Mình chưa bao giờ hối hận khi mua nhà vì sở hữu tài sản lớn giúp mình an tâm hơn trong tài chính”.

Theo Thảo Phạm, câu chuyện khi nào nên cân nhắc mua nhà không liên quan đến tuổi tác. Miễn là bạn cảm thấy mình đủ vững về tài chính, sẵn sàng chi trả các khoản nợ và lên kế hoạch thật kỹ trước khi quyết định. “Không nên dựa dẫm vào người khác, tài chính vững vàng thì mới mua chứ đừng để bố mẹ hay người thân gánh vác trách nhiệm thay cho mình”.

Căn nhà của Thảo Phạm

Bên cạnh đó, gia đình Vân Lê (27 tuổi, nhân viên ngân hàng) đã mua căn hộ 100m2 ở Long Biên vào năm 2022, khu vực ven trung tâm thành phố Hà Nội. Căn hộ khoảng 4 tỷ đồng, vợ chồng Vân trả trước 1,3 tỷ đồng và vay nợ trả góp gần 70% giá trị căn nhà. 

Ban đầu gia đình cô không có ý định mua nhà. Tuy nhiên sau khi tính toán số đi thuê 10 triệu/ tháng gần bằng khoản trả góp hàng tháng, vợ chồng Vân đã quyết định mua trả góp để sở hữu nhà riêng. "Vợ chồng mình kinh doanh riêng nên cần có một nguồn vốn cố định để làm ăn. Do vậy, mình quyết định vay tối đa có thể là 70% giá trị căn nhà. Tụi mình cũng xem đây là động lực để phấn đấu, gia tăng thu nhập".

Theo Vân, thời điểm mua nhà phù hợp nhất là khi bạn cảm thấy tự tin về mặt tài chính. "Trước đó, mình nghĩ phải tầm 5,6 năm nữa mới mua được nhà. Nhưng tới thời điểm sau Covid, thu nhập của hai vợ chồng ổn định hơn, tụi mình tự tin mua nhà mà vẫn đảm bảo một khoản tích lũy để có thể trả gốc lãi khi đến hạn. Mục tiêu của cả hai là sẽ cố gắng phấn đấu hơn nữa, sau này có điều kiện hơn, mình có thể mua thêm một căn khác rộng hơn nữa". 

Vân cho rằng quan trọng nhất là phải biết quản lý tài chính, tính toán mọi chi phí hợp lý trong gia đình để đảm bảo khả năng tài chính cũng như tự tạo cho bản thân một thói quen tốt, sinh hoạt luôn lành mạnh.

Vay nợ cả tỷ đồng để mua nhà: Liệu có phải nhịn ăn nhịn mặc để trả nợ? - Ảnh 2.

Vân Lê

Những thay đổi trong thói quen chi tiêu sau khi vay nợ mua nhà

Đối với vợ chồng Vân, tại thời điểm mua nhà, chủ đầu tư hỗ trợ ân hạn gốc và lãi trong 1 năm, tức là không phải trả nợ gốc và lãi ngân hàng, do vậy tài chính gia đình cũng không rơi vào trạng thái quá "căng thẳng". Trong năm đầu tiên, vợ chồng Vân đã cố gắng kiếm tiền, tích lũy dần để tính toán cho khoản trả tiền lãi sau này.

Sau khi sở hữu căn nhà riêng, việc chi tiêu và sinh hoạt trong gia đình cũng thay đổi rất nhiều. Trước kia, gần như là vợ chồng mình chủ yếu đi ăn bên ngoài. Còn bây giờ, Vân thường xuyên về nhà chăm chút căn bếp nhỏ, nấu những bữa cơm cả nhà quây quần bên nhau. Vợ chồng cô cũng hạn chế chi tiêu không cần thiết, về lâu về dài thì cũng thay đổi được thói quen sinh hoạt cũng như chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày.

Căn hộ của gia đình Vân Lê

Cũng giống như gia đình Vân, thói quen chi tiêu của Thảo Phạm đã thay đổi khá nhiều. Thảo Phạm là người theo đuổi lối sống không tiền mặt, thanh toán mọi thứ qua tài khoản ngân hàng. Trước đó, cô chỉ dùng 1 tài khoản cho cả thu nhập và chi tiêu.

“Nhưng sau khi vay nợ, mình tạo tài khoản ngân hàng mới, chia tiền ra để dễ theo dõi hơn. Hàng tháng đến ngày 12 nhận lương của công việc chính, mình sẽ chuyển về tài khoản cá nhân đúng số tiền cần chi trong 1 tháng. Hiện tại, ngoài là giám đốc truyền thông cho thương hiệu F&B khá có tiếng, mình còn sở hữu công ty riêng và đầu tư nên nguồn thu nhập khá đa dạng. Với những khoản thu nhập này, mình chuyển về tập trung tại 1 tài khoản khác, tránh tiêu pha lãng phí. Tâm lý chung là nhìn thấy nhiều tiền trong tài khoản sẽ mong muốn chi tiêu nên mình cần loại bỏ thói quen này”.

Thảo Phạm chia sẻ rằng việc sở hữu BĐS là điều cực kỳ nên làm trong trường hợp tài chính ủng hộ, có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng và đủ khả năng chi trả. “Mình có ý định mua nhà từ 3 năm trước. Ngày ấy luôn hướng sẽ mua nhà đất. Mình đã định ra sẵn khung bản thân sẽ đầu tư cho nhà cửa là bao nhiêu nhưng không tìm được căn nhà đất phù hợp với số tiền đó. Do vậy, mình quyết định chuyển hướng sang mua chung cư. Để đưa ra quyết định chính xác nhất, mình đã tìm hiểu và tham khảo rất nhiều anh chị và bạn bè trong ngành”.

Cô cũng cho rằng sở hữu căn hộ là một khoản đầu tư sinh lời. Cô nhìn thấy tiềm năng trong toà nhà đang ở. Còn nếu trong trường hợp không tăng giá như trong dự kiến, Thảo Phạm vẫn cho rằng đây là sự lựa chọn đúng đắn vì ít nhất đã sở hữu 1 căn nhà cho riêng mình tại Hà Nội sau nhiều năm vất vả làm việc. Đây cũng là một trong những mục tiêu cô muốn hoàn thành trước khi lấy chồng.

Vay nợ cả tỷ đồng để mua nhà: Liệu có phải nhịn ăn nhịn mặc để trả nợ? - Ảnh 4.

Theo Tô Diệp

Phụ nữ số

Trở lên trên