MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VCCI: 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19, chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng nữa

VCCI: 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19, chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng nữa

Theo nhận định của Chủ tịch VCCI, dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài đã khiến tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Trong đó, 3 ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.

Sáng nay (26/9), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương nhằm tìm ra các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.

Đây là lần thứ 2 trong hơn một tháng qua, Thủ tướng tổ chức đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước trong bối cảnh Chỉnh phủ xác định thay đổi mục tiêu từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

"Cứ 10 doanh nghiệp thì có 9 nơi phải chấp nhận cho người lao động thôi việc"

Báo cáo tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công cho biết, dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài đã khiến tất cả các thành phần kinh tế, các ngành nghề đều bị ảnh hưởng, với 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực. Trong đó, 3 ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là du lịch, chế biến thuỷ sản, giao thông vận tải.

Theo phản ánh từ các hiệp hội doanh nghiệp của các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có từ 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được "3 tại chỗ", còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng sản xuất.

Còn về lao động, theo khảo sát của VCCI, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh.

"Nói cách khác, cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 doanh nghiệp phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát", Chủ tịch VCCI cho hay.

Ông Công nhận định, trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh và giãn cách xã hội, sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng nữa. Trong đó, thấp nhất là lĩnh vực nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

"Thời chiến tranh, dù bom đạn ác liệt chúng ta cũng không ngừng sản xuất, thì nay dù Covid-19 thế nào, cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn"

Lãnh đạo VCCI cho biết, vì tình hình đã thay đổi nên chúng ta cần có tư duy duy mới, quan điểm mới, chiến lược mới, cách làm mới về chống dịch.

"Quan điểm mới dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó Covid-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế", ông nhấn mạnh.

Theo đó, lãnh đạo VCCI đã đề xuất 2 chủ trương mới dựa trên mục tiêu từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của Chính phủ.

Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.

Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch.

"Thời chiến tranh, dù bom đạn ác liệt chúng ta cũng không ngừng sản xuất, thì nay dù Covid-19 thế nào, cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn"

Bên cạnh đó, để công tác phòng chống dịch đi đôi với phục hồi, phát triển kinh tế trong điều kiện "bình thường mới", ông Công nhấn mạnh vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết để mở cửa lại nền kinh tế.

"Nói ngắn gọn, vaccine là chìa khoá, việc mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vaccine. Thứ hai, sản xuất phải an toàn. Kinh nghiệm thế giới cho thấy việc mở cửa lại nền kinh tế nếu không tuân thủ 2 nguyên tắc này, thì hậu quả là khó lường", Chủ tịch VCCI nhận định.

Quỳnh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên