MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Về "tâm chấn" Long Thành, sốc với đất nền "ma" chào bán la liệt, rủi ro rình rập

10-11-2017 - 16:33 PM | Bất động sản

Gần đây cơn sốt đất Long Thành đã khiến người dân Sài Gòn đổ xô mang tiền đi ôm đất. Trong số đó, không ít người đã phải "nếm trái đắng" khi mua phải những lô đất "ma" không chủ.

Sau khi dự án sân bay Long Thành được phê duyệt, giá đất của một số địa phương ở Đồng Nai đồng loạt tăng... chóng mặt. Đặc biệt, giá đất ở huyện Long Thành được giới đầu tư chú ý nên luôn trong tình trạng “sốt hầm hập”. Không bỏ qua cơ hội "ngon ăn" này, nhiều sàn giao dịch bất động sản (BĐS) đã nhảy vào kinh doanh, lập dự án rồi phân lô bán nền.

Tuy nhiên, phần lớn các sàn giao dịch BĐS tại địa bàn này là chi nhánh của các đơn vị tại Hà Nội, TP. HCM và đều có hiện tượng cấu kết với các chủ đầu tư kém năng lực về tài chính, mua bán trái phép các sản phẩm BĐS bằng hình thức huy động vốn, đặt cọc, giữ chỗ… Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến tính minh bạch của thị trường BĐS nói chung, tạo nên hiện tượng mất công bằng về quyền lợi của các chủ đầu tư, nhà môi giới uy tín và ảnh hưởng không nhỏ đến khách hàng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, thời gian gần đây có nhiều khách hàng bị lừa đảo do mua phải đất "ma" do tin lời các cò đất. Những người này đã có đơn kêu cứu gửi đến các cơ quan chức năng nhằm có giải pháp can thiệp, bảo vệ quyền lợi người mua nhà đất. Hiệp hội cũng đang chuẩn bị một văn bản gửi đến nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhằm kêu gọi cùng chung tay lên tiếng chặn đứng các hình thức kinh doanh gian lận, lừa đảo này.

Tại các khu vực xung quanh vùng quy hoạch sân bay, chỉ trong một thời gian ngắn đã xuất hiện nhiều văn phòng được gọi là sàn BĐS, nhưng thực chất chỉ là nơi giao dịch tạm bợ được thuê lại từ các quán nước, quán ăn hoặc nhà người dân ngăn phòng nhỏ ra. Qua quan sát, có những "sàn" chỉ có một cái bàn nhựa và vài cái ghế con đặt ngay dưới các gốc cây cao su ven đường dẫn vào khu vực sân bay.

Một giám đốc sàn giao dịch BĐS tại xã Long Bình, huyện Long Thành cho rằng, thị trường BĐS phát triển nóng đã dẫn đến lượng giao dịch tăng đột biến, từ đó các sàn giao dịch BĐS thi nhau ra đời. Có nhiều người trước kia làm thuê cho một sàn nào đó, nay thấy thị trường có vẻ dễ kiếm tiền nên tách ra thành lập sàn riêng. Tuy nhiên, rất nhiều nhà môi giới không được đào tạo bài bản và không tuân thủ các quy định của pháp luật, cố tình vi phạm trong việc kinh doanh BĐS.

Tiêu biểu nhất là nhóm từ 3-5 nhân viên môi giới có chút tiền tách ra cùng góp lại để mở "sàn" giao dịch. "Có những sàn trong tay họ không có lấy một m2 đất nhưng vẫn có nhiều tờ rơi, băng rôn quảng bá thông tin rất hoành tráng", vị này nói thêm.

Dọc theo quốc lộ 51 từ TP.HCM về tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh lộ 769... người mua đất rất dễ dàng bắt gặp “ma trận” quảng cáo được treo khắp tuyến đường, giới thiệu các lô đất với nhiều loại giá cả khác nhau. Khu vực có đất rao bán nhiều nhất vẫn là các xã Bình Sơn và Lộc An (huyện Long Thành), đây là 2 xã chỉ bị giải tỏa một phần diện tích nên được coi là có cơ hội “sinh lời” cho nhà đầu tư. Giá đất được rao bán theo m2 có giá 2,5 - 20 triệu đồng/m2. Giá đất rao bán theo nền diện tích 100m2 từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ/nền tùy từng vị trí.

Trong vai người cần mua đất tại Long Thành, chúng tôi đã tham gia cùng một đoàn hơn 20 người khác trên một chuyến xe từ TP.HCM đến khu vực này do một công ty môi giới nhà đất tổ chức. Qua trò chuyện với những người trên xe cùng đi, được biết họ cũng thường xuyên được các công ty môi giới tổ chức đi tìm hiểu dự án như thế này vào những ngày cuối tuần. Trong suốt quá trình di chuyển, nhiều cò đất của công ty này thao thao bất tuyệt về những ưu điểm của các dự án mà họ đang chào bán, hoặc hợp tác đầu tư. Trong đó, các nhân viên không quên nhắc khéo khách hàng là phải "nhanh tay lấy ngay một nền" vì đang có rất nhiều khách hàng chờ được đặc cọc.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu trong số hơn 20 người được giới thiệu là khách hàng thì thực chất đều là "cò" đất hết 15 người. "Chúng tôi đi lần này cũng là lần cuối cùng vì quá mất thời gian mà chẳng tìm hiểu được gì. Công ty môi giới bảo là đưa đến một dự án khu đô thị rất hoành tráng, nhưng cả ngày chỉ vòng vòng ở những lô đất nằm tít trong các khu rừng cao su, hạ tầng giao thông thậm chí còn không có. Chúng tôi gọi những chuyến đi này là... đất nền "tù", bởi vì một khi đã bước chân lên xe là nhiều nhân viên của công ty đóng sầm cửa lại, nội bất xuất ngoại bất nhập. Họ đưa đến đâu là chuyện của họ, dự án nào cũng được cho là rất "hot", nhiều người tranh mua nhưng tìm hiểu ra toàn là người công ty dựng chuyện", ông Hà Trung, cư ngụ tại đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, kể.

Bà Mai Hạnh, giám đốc một công ty kinh doanh vật liệu xây dựng tại đường Đồng Đen, quận Tân Bình cũng tiết lộ thêm rằng đã nhiều lần cả gia đình bà cũng "chịu trận" trường hợp tương tự. Thông qua các nhân viên môi giới của một công ty địa ốc đóng tại Tân Bình, bà đề nghị được đưa đi xem hai lô đất nằm cạnh chợ Long Thành theo như lời quang cáo của công ty này.

"Khi bước xuống xe thì lại là những khu đất không biết của ai đầu tư nằm tại khu đô thị Nhơn Trạch. Hỏi thì các nhân viên kinh doanh cứ thoái thác, kéo dài thời gian và "vẽ" ra rất nhiều cơ hội kiếm lời để thu hút khách hàng", bà Hạnh cho biết.

Theo một khách hàng đang quan tâm đến dự án Alibaba Long Phước 13, dự án này được giới thiệu do Công ty CP Địa ốc Alibaba là chủ đầu tư, gồm 339 nền, nằm sát quốc lộ 51, giá mỗi lô đất dao động từ 7 đến 16 triệu đồng/m2 tùy vào từng vị trí lô đất. Nhân viên môi giới dự án chào mời dự án do công ty là chủ đầu tư, các nền đất đều có sổ đỏ, công ty còn đang triển khai 14 dự án ở Long Thành.

Ông Trương Văn Phương, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Long Thành cho biết, giá nhà đất ở huyện Long Thành có tăng hơn trước nhưng không “nóng sốt” nhưng những thông tin quảng cáo. Thế nhưng, lợi dụng việc nhiều người muốn được sở hữu nhà gần sân bay, các nhà đầu cơ đã bán dự án quy hoạch... trên giấy.

Thực tế những "dự án đình đám" đó chỉ là các thửa đất nông nghiệp, chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng, chưa được phân lô tách thửa... Đặc biệt, gần đây trên địa bàn huyện Long Thành xuất hiện nhiều công ty môi giới BĐS nhưng tự nhận mình là chủ đầu tư dự án rồi tổ chức sự kiện, bán đất nền trái phép.

Ông Phương cho biết, gần đây ông nhận được nhiều thông tin thắc mắc về hoạt động của Công ty CP Địa ốc Alibaba và một số dự án mà công ty này đang mua bán trên địa bàn huyện Long Thành. “Tôi khẳng định tính đến thời điểm này, huyện không giao bất kỳ dự án nào cho doanh nghiệp có tên Công ty cổ phần địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư. Tôi nghĩ đây chỉ là đơn vị môi giới tự cho mình là chủ đầu tư và bán hàng”, ông Phương nói thêm.

Còn theo ông Dương Bình, phụ trách địa chính xã Long Phước, huyện Long Thành, Alibaba chỉ là đơn vị môi giới đất của người dân đứng tên với tư cách cá nhân. Hợp đồng bán cho dân công ty tự soạn và không thông báo với địa phương. Khi người dân đến hỏi thì chúng tôi đều trả lời rằng đất không tách thửa được, tạm thời ngưng để chờ sửa đổi Quyết định 25 của UBND tỉnh Đồng Nai về quy định diện tích tối thiểu để tách thửa. Hiện trạng cũng không cho xây dựng trên đó.

Xung quanh vấn đề này, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay chỉ có 32 sàn giao dịch BĐS đăng ký đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS và đều được thẩm định, báo cáo Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng). Các sàn giao dịch BĐS đều hoạt động đúng pháp luật và từng bước đi vào chuyên nghiệp, minh bạch, góp phần làm cầu nối trung gian giữa người mua và người bán.

Tuy nhiên, hiện nay, có một số “trung tâm môi giới BĐS” (không phải sàn giao dịch) đang hoạt động thiếu tính chuyên nghiệp. Sở Xây dựng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý các sàn giao dịch hoạt động trái phép, rao bán sản phẩm khi chưa đủ điều kiện. Tuy nhiên, trước tình trạng phát triển nóng của thị trường địa ốc do "ăn theo" dự án sân bay Long Thành, nhiều sàn vẫn bất chấp các quy định, vi phạm vì lợi nhuận trước mắt. Vì vậy, Sở Xây dựng khuyến cáo người dân khi tham gia giao dịch BĐS nên lựa chọn các sàn hợp pháp, uy tín nhằm tránh rủi ro có thể xảy ra.

Hai công ty môi giới bất động sản ở Đồng Nai và Long An vừa bị khởi tố

Cuối tháng 10/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố về hành vi 'lừa đảo chiếm đoạt tài sản' đối với Công ty Cổ phần Địa ốc Kim Phát và Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Hưng Phát vì đã có hành vi gian dối trong bán hàng.

Cụ thể, cả hai đơn vị này đã ký kết thực hiện một số hợp đồng môi giới, chuyển nhượng dự án bất động sản tại tỉnh Đồng Nai và Long An. Trong quá trình giao dịch bán hàng, Kim Phát và Việt Hưng Phát có hành vi gian dối trong quá trình tổ chức môi giới tư vấn, tiếp thị các dự án bất động sản để khách hàng tin tưởng ký kết hợp đồng.

Bên cạnh đó, thay vì ký hợp đồng mua bán theo đúng quy định pháp luật thì hai công ty này đã tổ chức ký kết hợp đồng thỏa thuận điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn xây dựng nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng thỏa thuận điều kiện góp vốn chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tất cả hợp đồng này đều trái với nội dung các hợp đồng môi giới đã ký với các chủ đầu tư dự án. Sau đó, Kim Phát và Việt Hưng Phát đã thu tiền, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.

Nguyên Minh

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên