VEAM: Quý 1 lãi 1.325 tỷ đồng tăng 4% so với cùng kỳ
Lãi liên doanh liên kết mang về cho VEAM 1.165 tỷ đồng trong quý 1/2020.
Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP (UpCOM: VEA) đã công bố BCTC quý 1/2020.
Theo đó kết thúc quý 1/2020, doanh thu thuần giảm 11% còn 998 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp tăng gấp 2,5 lần lên 96 tỷ đồng nhờ giá vốn giảm sâu so với cùng kỳ do quý 1/2019 phải điều chỉnh tăng giá vốn hàng bán số thuế nhập khẩu bị truy thu theo quyết định của Cục hải quan Tp Hà Nội về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong giai đoạn hoạt động theo mô hình CTCP.
Trong kỳ doanh thu tài chính tăng thêm 30% lên 229 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính không đáng kể, lãi từ hoạt động liên doanh, liên kết giảm nhẹ xuống còn 1.165 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, VEAM lãi sau thuế 1.325 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ trong đó LNST thuộc về công ty mẹ đạt 1.315 tỷ đồng.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của VEAM dựa trên 3 trụ cột chính là công nghiệp hỗ trợ, động cơ và máy nông nghiệp và ô tô xe máy. Tuy nhiên, phần lớn lợi nhuận của VEAM đến từ hoạt động liên doanh, liên kết. VEAM đang hoạt động với mô hình 13 công ty con và 9 công ty liên kết. Những đơn vị liên kết nổi bật như Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam.
VEAM tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) vào cuối tháng 8/2016. Ðến tháng 7/2018, Công ty đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM và kế hoạch chuyển sang sàn HoSE cũng được rục rịch chuẩn bị ngay sau đó.
Tuy nhiên, nhiều lực cản xuất hiện khiến cho mục tiêu chuyển sàn của VEAM hiện vẫn chưa thực hiện được trong đó VEAM cho biết đã thuê đơn vị tư vấn thực hiện các thủ tục niêm yết cổ phiếu trên HOSE, nhưng chưa hoàn thành do không đảm bảo điều kiện "không có các yếu tố ngoại trừ trọng yếu trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán của hai năm liền kề liên tiếp".
Có thể thấy mặc dù lãi lớn qua các năm nhưng tại báo cáo tài chính kiểm toán các năm 2017, 2018 và 2019 kiểm toán đều đưa ra các vấn đề ngoại trừ, nhấn mạnh.
Trong đó theo báo cáo kiểm toán 2019 đơn vị kiểm toán đã đưa ra một loạt ý kiến ngoại trừ liên quan đến khả năng thu hồi đối với khoản thu về hỗ trợ vốn và phải thu về lãi hỗ trợ vốn, trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho; ngoài ra kiểm toán còn cho rằng việc ghi nhận doanh thu này là chưa phù hợp với chuẩn mực kế toán và đã được kế toán tiền nhiệm đưa ra ý kiến ngoại trừ trong năm trước.
Hơn nữa, đơn vị kiểm toán còn nhấn mạnh về vấn đề tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất, các cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt chính thức biên bản quyết toán cổ phần hoá của Công ty mẹ - Tổng Công ty tại thời điểm Công ty mẹ - Tổng Công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>- TEG: Quý 1/2020 lãi thấp, lên kế hoạch cả năm lãi 64 tỷ đồng gấp 12 lần 2019
- Thuỷ sản Minh Phú (MPC): Quý 1 lãi hợp nhất 55 tỷ đồng giảm 32% so với cùng kỳ
- KQKD ngành thép quý 1: Có nhiều doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh
- Doanh nghiệp thủy sản quý 1 lãi thấp, kỳ vọng phục hồi hậu Covid - 19
- Ngoprexco (NGC): Ngừng sản xuất, quý 1 báo lỗ 9 tỷ đồng