VEPR: Việt Nam khó có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện nay nếu không thực hiện những điều này
Trước những thay đổi toàn cầu diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh, nền kinh tế 94 triệu dân cần rà soát và lựa chọn sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế.
- 28-05-2019Hàng loạt tập đoàn, tổng công ty sắp bị giám sát về tài chính
- 28-05-2019TS. Trần Hoàng Ngân: FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt là do hiệu ứng kép
- 28-05-2019HSBC: Hơn một thập kỷ qua, Việt Nam được các tập đoàn đa quốc gia nhìn nhận như một sự lựa chọn hiệu quả cho sản xuất!
Thông tin được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2019, sáng 29/5.
Thứ nhất, theo VEPR, các ngành sản xuất của Việt Nam chủ yếu dựa vào thâm dụng lao động và thâm dụng tài nguyên như ngành dệt may, dày da, gia công lắp ráp sẽ mất dần lợi thế trước làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với đó là hàng trăm ngàn người đang làm việc tại các ngành viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán cũng bị đe dọa. Do vậy, nếu không có những biện pháp nâng cao năng suất lao động cũng như có phương án tổng thể dịch chuyển cơ cấu lao động giữa các ngành trong nền kinh tế, trong tương thời gian tới, Việt Nam sẽ khó có thể duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay.
Thứ hai, nhóm nghiên cứu của VEPR cho rằng tốc độ tăng thu ngân sách đang không theo kịp tốc độ tăng của nợ công khiến gánh nặng nợ đang tăng dần. Thu ngân sách đang chủ yếu dựa vào những nguồn thu ngắn hạn như bán tài sản, còn nguồn thu từ hoạt động thương mại quốc tế đang giảm nhanh do thực hiện các cam kết cắt giảm thuế theo lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Điều này có nghĩa là Việt Nam đang thiếu "đệm tài khóa" để đối phó với các cú sốc bên ngoài (nếu có) như nhiều quốc gia khác.
Môi trường kinh doanh theo đó cũng khó cải thiện được khi doanh nghiệp và người dân luôn phải đối mặt với nỗi lo tăng thuế, phí để bù đắp cho thâm hụt ngân sách và chi trả nợ công của Chính phủ.
Vì vậy, "Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để thắt chặt chi thường xuyên, minh bạch và tránh lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư công", VEPR cho biết.
Bên cạnh đó, đối với lĩnh vực phân bổ NSNN, các văn bản pháp luật cần được xây dựng theo hướng đánh giá kết quả đầu ra và hiệu quả cuối cùng của chi tiêu công chứ không chỉ tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát đầu vào và kiểm soát quy trình, thủ tục.
Thứ ba, báo cáo cho rằng khu vực tư nhân ngày càng thể hiện vai trò quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội.
Trong năm 2018 khu vực tư nhân đã chiếm hơn 43% tổng vốn, cao hơn con số 40% của năm 2017. Tăng trưởng vốn đầu tư ở khu vực này cũng được duy trì ở mức 18,5%, bỏ xa mức tăng trưởng của khu vực nhà nước (chỉ gần 4%). Điều đó thể hiện sự phát triển mạnh và ổn định của hoạt động đầu tư tư nhân, hứa hẹn sự lấn át khu vực nhà nước về khối lượng đầu tư.
Tuy nhiên, có một vấn đề đáng quan tâm là hiện nay khối doanh nghiệp tư nhân, ngoại trừ một số phát triển dựa trên các quan hệ thân hữu, thì đa phần còn lại chưa thực sự lớn mạnh và còn chịu nhiều rào cản từ môi trường thể chế và kinh doanh trong nước.
Vì vậy, VEPR cho rằng Chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh cải cách để thật sự vận hành một nhà nước kiến tạo phát triển. Ngoài ra, về phản ứng chính sách trong quá trình hội nhập, Việt Nam cần chú ý những điểm sau.
Mặt khác, thương mại Việt Nam sẽ không chỉ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài như những diễn biến khó lường của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, gia tăng hàng rào thương mại, thay đổi chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư…, mà còn phải đối mặt với những thách thức mới như việc tham gia các Hiệp định FTA mới như CPTPP, EVFTA…
Thêm vào đó, với hạn chế về trình độ công nghệ sẽ đặt Việt Nam trước nhiều thách thức trong việc phát triển các xu hướng thương mại mới một cách bền vững như thương mại số, thương mại điện tử qua biên giới…
Do vậy, Việt Nam phải không ngừng cải thiện môi trường đầu tư để tận dụng vị thế của Việt Nam trong thị trường ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra để thu hút vốn FDI, gồm cả doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp nước khác đang đầu tư tại Trung Quốc, nếu như có sự chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp này.
Việc điều hành tỷ giá, VEPR cho biết sau hơn 3 năm kể từ ngày NHNN công bố áp dụng tỷ giá trung tâm gắn theo 8 đồng tiền, thực tế diến biến biến động của VND/USD trên thị trường ngoại hối cho thấy VND vẫn luôn được gắn theo đồng đôla Mỹ.
"Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sự đa dạng hóa các đồng tiền trong thanh toán ngày càng gia tăng thì việc áp dụng thực chất hơn nữa tỷ giá trung tâm là rất cần thiết", VEPR cho biết.