MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vết nhơ của Masayoshi Son và lời cảnh tỉnh từ Charlie Munger: Đừng làm ‘con bạc’ khi bơm thổi cho startup, cũng đừng làm giàu trên thua lỗ của người khác!

01-11-2023 - 14:43 PM | Tài chính quốc tế

Vết nhơ của Masayoshi Son và lời cảnh tỉnh từ Charlie Munger: Đừng làm ‘con bạc’ khi bơm thổi cho startup, cũng đừng làm giàu trên thua lỗ của người khác!

Việc WeWork của Masayoshi Son nộp đơn phá sản khiến lời bình luận của Charlie Munger trở thành câu “cà khịa” với những nhà đầu tư mạo hiểm cho startup.

“Hãy quên họ đi” (To hell with them) là những gì mà cánh tay phải của Warren Buffett, ông Charlie Munger nói về những nhà đầu tư mạo hiểm (Venture Capitalists-VC) trong giới khởi nghiệp.

Tờ Fortune cho hay những lời tức giận của Charlie Munger, nhà đầu tư đã 99 tuổi này được thốt ra khi so sánh các VC như những con bạc và làm giàu trên sự thua lỗ của người khác.

“Tôi cho rằng rất khó để các VC thành công trong mảng startup, thậm chí là chẳng thể duy trì các khoản đầu tư lợi nhuận liên tục được...Một số thương vụ nhìn có vẻ rất ‘nóng’ và bạn phải quyết định nhanh chóng, khiến các nhà đầu tư kiểu này trở thành những con bạc”, ông Charlie Munger nhận định.

Vết nhơ của Masayoshi Son và lời cảnh tỉnh từ Charlie Munger: Đừng làm ‘con bạc’ khi bơm thổi cho startup, cũng đừng làm giàu trên thua lỗ của người khác! - Ảnh 1.

“Bạn không nên làm giàu bằng cách lừa những nhà đầu tư khác. Thế nhưng đây lại là điều mà rất nhiều VC đang làm. Những nhà đầu tư này kiếm được nhiều tiền và có cuộc sống sung túc, nhưng những người góp vốn cho họ thì lại chẳng có được mức lợi nhuận như đã cam kết...Những người tin vào lời hứa lợi nhuận cao của VC sẽ cảm thấy bị lừa dối, kích động và trông như kẻ ngốc vậy”, cánh tay phải của Warren Buffett nói thêm.

Họ chẳng tài giỏi gì đâu!

“Những VC thành công cũng chẳng khác gì các ngân hàng, không có gì giỏi ngoài việc lựa chọn những mảng có lời để nhảy vào. Họ không phải kiểu nhà đầu tư thực sự có tài năng hay gì cả đâu”, nhà đầu tư 99 tuổi cho biết.

Hiện Charlie Munger đang là Phó chủ tịch của Berkshire Hathaway và cũng là một trong những nhà đầu tư tài năng thuộc hàng thành công nhất thế giới.

Chính Munger là người đã đi tiên phong đổ tiền vào BYD-hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc và đang vươn lên hàng đầu thế giới- chứ không phải Tesla dù Elon Musk đã từng mong muốn gọi vốn từ Berkshire.

“Nếu một ‘tên khốn’ nào đó đề nghị đầu tư với mức lợi nhuận gấp 20 lần cho một hoạt động kinh doanh bơm thổi thì chúng tôi chẳng tin đâu”, Charlie Munger nói thẳng.

Có lẽ chính vì sự phản cảm với những VC chuyên đi “bơm thổi” và thao túng tâm lý nhà đầu tư, kinh doanh ô tô (Tesla) và bất động sản (WeWork) dưới vỏ bọc khởi nghiệp công nghệ này đã khiến Charlie Munger từ chối rót vốn cho những dự án khủng như Masayoshi Son đã từng làm.

Trong giai đoạn 2010-2020, những VC như Masayoshi Son đã gặt hái được thành công cực lớn khi rót vốn vào các startup khởi nghiệp như Alibaba của Jack Ma.

Tuy nhiên sự suy sụp của những tượng đài khởi nghiệp này khi Alibaba bị chính phủ Trung Quốc kiểm soát hay WeWork sắp nộp đơn phá sản đã khiến nhà đầu tư nhận ra cái bẫy gọi vốn của mảng khởi nghiệp này.

Thêm vào đó, hàng loạt startup hiện nay, từ những ông lớn như Facebook hay nhỏ hơn như Grab, Shoppee còn đang phải tiết kiệm chi phí do nhà đầu tư đã quá chán tình trạng “đốt vốn” nhiều nhưng không đem lại lợi nhuận tương xứng.

Vết nhơ của Masayoshi Son và lời cảnh tỉnh từ Charlie Munger: Đừng làm ‘con bạc’ khi bơm thổi cho startup, cũng đừng làm giàu trên thua lỗ của người khác! - Ảnh 2.

Chính những yếu tố này khiến Charlie Munger bức xúc và buộc phải lên tiếng cảnh tỉnh thị trường.

Kiếm tiền trên thua lỗ của người khác

“Bạn không nên hứa hẹn lãi cao nếu không thực sự đạt được kết quả kinh doanh vượt trội. Tất nhiên là chiêu trò giả vờ rằng công ty có thể kiếm lời tốt thì luôn dễ dàng hơn là thực sự đầu tư thành công, thế nhưng nó lại thu hút rất nhiều nạn nhân của sự bơm thổi này”, Charlie Munger bức xúc khi các VC luôn hứa hẹn mức lãi cao hơn so với mảng khác.

Số liệu của Cambridge Associates cho thấy mức lợi nhuận bình quân hàng năm của mảng VC trong suốt 20 năm qua chỉ đạt 11,8%, thấp hơn mức trung bình toàn ngành 12% của Nasdaq Composite.

Tờ Fortune cho biết hoạt động đầu tư của VC thường dựa trên một khái niệm được gọi là “Power Law”.

Nói đơn giản là phần lớn các dự án khởi nghiệp do VC rót vốn thường sẽ thất bại hoặc chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn.

Vì vậy để bù đắp cho những tổn thất đó, bất kỳ khoản lợi nhuận lớn cam kết nào từ VC cũng chỉ có thể đến nhờ thành công bùng nổ nhưng hiếm hoi của các startup như Facebook, Zoom hay Airbnb.

Do đó nếu những thành công hiếm hoi này không đủ bù đắp cho các thất bại khác, hoặc không xuất hiện thường xuyên nữa thì khoản lợi nhuận cao mà VC hứa hẹn sẽ trở thành “lừa đảo”.

Đây cũng chính là lý do mà các VC thường rất tham lam, sẵn sàng nhào lên “cắn xé” bất kỳ mảng kinh doanh nào tưởng chừng như sẽ có lợi nhuận.

Tuy nhiên theo tờ Fortune, phần lớn những VC hiện nay chẳng khác nào những con cừu chạy theo bầy đàn số đông, đổ tiền vào những mảng đang được nhiều người rót vốn mà chẳng biết liệu có thành công hay không.

Ngoài bằng chứng WeWork thì câu chuyện về sàn tiền số FTX của Sam Bankman Fried cũng là một ví dụ. Sau khi sàn này sụp đổ vào năm 2022, Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) đã quyết định thăm dò về khả năng thẩm định của mảng VC nhằm thắt chặt lại thị trường.

Vết nhơ của Masayoshi Son và lời cảnh tỉnh từ Charlie Munger: Đừng làm ‘con bạc’ khi bơm thổi cho startup, cũng đừng làm giàu trên thua lỗ của người khác! - Ảnh 3.

Làm giàu có đạo đức

“Mục đích cuối cùng của việc làm giàu là bạn có thể sống tốt mà không cần đến người khác, bạn cũng chẳng cần phải đi kêu gọi người khác mới kiếm tiền được”, Charlie Munger nhận định.

Theo Fortune, đại dịch Covid-19 đã tạo nên sự bùng nổ ở mảng startup khiến vô số VC đổ hàng tỷ USD vào thị trường năm 2021, qua đó làm tăng giá trị của nhiều hãng khởi nghiệp.

Tuy sau gần 2 năm chứng kiến lạm phát và lãi suất tăng cao cùng lo lắng về suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thì định giá của các startup này đã giảm mạnh. Nhà đầu tư bắt đầu khó tính hơn về nguồn vốn rót cho các nhà khởi nghiệp.

Riêng trong nửa đầu năm 2022, mảng đầu tư VC đã chứng kiến mức lỗ trung bình 13%.

Để so sánh, Charlie Munger dẫn chứng Berkshire khi quỹ này thường đầu tư dài hạn và tin tưởng vào những công ty có uy tín hơn là các startup mới nổi gọi vốn nhờ bơm thổi.

Tất nhiên, cánh tay phải của Warren Buffett cũng thừa nhận ông không nói về tất cả VC trong mảng khởi nghiệp, đồng thời cho biết đây là mảng đầu tư hợp pháp nếu làm đúng đạo đức.

Chính Charlie Munger cũng đã từng khen ngợi Sequoia Capital, một quỹ VC đổ tiền cho Apple, Google và Airbnb.

*Nguồn: Fortune, BI

Theo Băng Băng

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên