MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì 1 điều tưởng là quyền lợi nhưng đem tới tai họa bất ngờ, người Nhật đột ngột biến mất, “bốc hơi” khỏi xã hội cũng chẳng ai phát hiện ra

23-12-2021 - 10:15 AM | Sống

Vì 1 điều tưởng là quyền lợi nhưng đem tới tai họa bất ngờ, người Nhật đột ngột biến mất, “bốc hơi” khỏi xã hội cũng chẳng ai phát hiện ra

Chán ngấy mối quan hệ giữa người với người và vô số lý do khác, mỗi năm, có tới hàng trăm ngàn người Nhật đột ngột biến mất để chọn cách sống ẩn dật, “bốc hơi” khỏi xã hội. Điều đáng kinh ngạc hơn cả là giữa xã hội hiện đại, công nghệ cao như hiện nay, vẫn rất khó có thể tìm thấy những người “bốc hơi” này.

Lena Mauger, một phóng viên người Pháp, được bạn kể cho nghe một hiện tượng khá kỳ lạ. Đó chính là những người Nhật có thể biến mất hoàn toàn khỏi xã hội một cách khó hiểu. 

Họ không đột tử, gặp tai nạn hay bị bắt cóc. Chỉ đơn giản là họ bỗng nhiên “bốc hơi” chỉ sau một đêm, không để lại bất kỳ lời giải thích nào và cũng hiếm người được tìm thấy trở lại.

Sở dĩ trở thành hiện tượng vì việc này cũng không phải một trường hợp đơn lẻ hiếm có mà chúng diễn ra khá thường xuyên. Người Nhật cũng đặt cho hiện tượng này cái tên “johatsu”, có nghĩa là "những người bốc hơi". 

“Johatsu” - Hiện tượng người Nhật đột ngột biến mất như “bốc hơi”

Theo PRI, có đến hàng chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn người biến mất như những johatsu ở Nhật mỗi năm. Lý do để họ chọn cách sống ẩn dật, xa lánh xã hội có rất nhiều, từ nợ nần, thất nghiệp, áp lực công việc cho đến đổ vỡ hôn nhân, tình cảm rạn nứt, thậm chí là thi trượt.

"Tôi bỗng dưng cảm thấy chán ngấy mối quan hệ giữa con người với nhau. Vì vậy, tôi quyết định biến mất với một chiếc vali nhỏ đựng đồ đạc cá nhân", một "johatsu" 42 tuổi cho biết.

Nhà xã hội học Nhật Bản Hiroki Nakamori đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu về hiện tượng johatsu. Ông cho biết, khái niệm này được bắt đầu sử dụng ở quốc gia châu Á trong những năm 1960.

Ngoại trừ những lý do đến từ cá nhân mỗi người, ông Hiroki Nakamori còn cho rằng, một phần nguyên nhân chính khiến hiện tượng này phổ biến hơn cả ở Nhật Bản chính là do những yếu tố văn hóa, xã hội.

Vì 1 điều tưởng là quyền lợi nhưng đem tới tai họa bất ngờ, người Nhật đột ngột biến mất, “bốc hơi” khỏi xã hội cũng chẳng ai phát hiện ra - Ảnh 1.

"Khi đó một số người cho rằng sự biến mất của họ là điều có lợi cho cả hai bên: gia đình, người thân và cả họ. Ở Nhật Bản, việc biến mất trở nên dễ dàng hơn vì cảnh sát hiếm khi can thiệp trừ khi có lý do khác như tội phạm hoặc tai nạn. Tất cả những gì gia đình có thể làm là thuê thám tử tư hoặc chờ đợi", Nakamori nói.

Không thể tìm thấy vì quyền riêng tư

Lena Mauger đã bày tỏ sự kinh ngạc của mình: “Trong một xã hội hiện đại như Nhật Bản, với đủ mọi nền tảng kỹ thuật và công nghệ cao, người ta thậm chí có thể theo dõi nhân dạng. Chưa kể tới những ràng buộc xã hội phức tạp khác, tôi nghĩ việc biến mất hoàn toàn khỏi cuộc sống là rất khó tin."

Thế nhưng, ở Nhật Bản, quyền riêng tư là một trong những quyền lợi được đặt lên hàng đầu. 

Goro Koyama, một thám tử tư tại Nhật, chia sẻ rằng: "Nếu một người không đăng ký danh tính thì đến cả các nhà chức trách cũng không thể biết họ đang ở đâu". 

Các quy định bảo mật thông tin khiến cho Goro Koyama không thể nắm được tung tích của các johatsu, dù được người nhà họ thuê để tìm kiếm. Ông cũng cho biết, vì hầu hết các trường hợp johatsu thuộc vấn đề dân sự nên ngay cả cảnh sát Nhật Bản cũng không thể làm gì được. Họ chỉ có thể truy cập thông tin cá nhân khi xảy ra vụ án hình sự.

Vì 1 điều tưởng là quyền lợi nhưng đem tới tai họa bất ngờ, người Nhật đột ngột biến mất, “bốc hơi” khỏi xã hội cũng chẳng ai phát hiện ra - Ảnh 2.

Nếu một người không đăng ký danh tính thì đến cả các nhà chức trách cũng không thể biết họ đang ở đâu. Ảnh: Stéphane Remael

Mặt khác, người thân muốn tìm lại johatsu thông qua giao dịch thẻ ATM cũng bất khả thi. "Theo luật, người vợ không được phép truy cập thông tin ngân hàng của chồng mình và ngược lại" - Koyama cho biết.

Vì vậy những người quyết định trở thành johatsu hầu như có thể sử dụng thẻ tín dụng tại các máy ATM tại nhiều nơi mà không lo bị phát hiện. Họ cũng không cần bận tâm về việc bị phát hiện trên CCTV. Những người này gần như “bốc hơi hoàn toàn” mà không ai có thể dễ dàng tìm ra. 

Một người mẹ của johatsu 22 tuổi cũng bày tỏ sự khó khăn: “Quyền riêng tư rất quan trọng để bảo vệ mọi người khỏi việc bị đánh cắp thông tin, sử dụng sai mục đích. Tuy nhiên, mức độ bảo mật quá tốt lại vô tình khiến tôi không thể tìm kiếm đứa con của chính mình. Hiện nay, tất cả những gì tôi có thể làm chỉ là kiểm tra xem những xác chết vô danh có phải là con trai mình hay không.”

Phải chi tới 60 triệu đồng cho “dịch vụ bốc hơi” 

Có cung ắt có cầu. Khi mà hiện tượng johatsu ngày một phổ biến, các dịch vụ giúp đỡ người biến mất mang tính chuyên nghiệp cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Những nơi này được gọi là "công ty chuyển nhà ban đêm", "dịch vụ di chuyển ban đêm". Họ cũng giúp johatsu vạch ra kế hoạch để “biến mất” một cách hiệu quả, nhanh chóng, tránh bị người khác phát hiện.

Tùy thuộc vào khoảng cách di chuyển, thời điểm và số lượng tài sản mang theo, giá của hoạt động này dao động trong khoảng 50.000 - 300.000 Yên, tương đương từ 10.000.000 - 60.000.000 triệu đồng. 

Vì 1 điều tưởng là quyền lợi nhưng đem tới tai họa bất ngờ, người Nhật đột ngột biến mất, “bốc hơi” khỏi xã hội cũng chẳng ai phát hiện ra - Ảnh 3.

Người muốn biến mất có thể tìm tới các dịch vụ chuyên nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Alamy Stock.

Chủ một dịch vụ "bốc hơi" cũng cho biết thêm rằng, một số điều kiện kèm theo có thể đẩy mức giá lên cao hơn nữa, ví dụ như dẫn theo trẻ em, hoặc cần trốn tránh những người đòi nợ. 

Một số người làm dịch vụ này với ý tốt thì cho rằng: "Những gì chúng tôi đang thực hiện chỉ là giúp mọi người bắt đầu một cuộc sống khác". Mỗi năm, họ có thể giúp 100 - 150 người “bốc hơi” khỏi xã hội.

Một người phụ nữ đang điều hành dịch vụ này cũng cho biết, trước kia mình từng là johatsu 17 năm. Cô lựa chọn “bốc hơi” khỏi cuộc sống cũ vì không chịu được cuộc hôn nhân bạo hành. Đó là lý do khi thực hiện dịch vụ này, cô luôn nhận định: "Chắc chắn phải khó khăn lắm họ mới quyết định bỏ lại tất cả để bước tiếp".

Thuý Phương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên