MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì khó khăn mới đi vay vốn, nhưng ngân hàng đặt điều kiện không khác gì nói doanh nghiệp hết khó khăn rồi quay lại vay

24-06-2023 - 09:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Vì khó khăn mới đi vay vốn, nhưng ngân hàng đặt điều kiện không khác gì nói doanh nghiệp hết khó khăn rồi quay lại vay

Dù đã có nhiều lần giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn tái sản xuất, song nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh vẫn chưa tiếp cận được vốn vay vì hàng loạt các yêu cầu có phần không phù hợp với thực tế. Các bên liên quan nói gì về vấn đề này?

Vòng luẩn quẩn khó khăn mới đi vay, nhưng để vay được thì hồ sơ phải không khó khăn

Chị Huỳnh Minh Tú, chủ doanh nghiệp chuyên xuất khẩu quần áo ở Quận 12, TP.HCM cho biết, sau thời gian khó khăn vừa qua, chị không còn tài sản thế chấp để vay vốn trở lại. Điều này khiến việc phục hồi sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn hơn.

“Chúng tôi muốn vay vốn để sản xuất kinh doanh và được ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên sau dịch bệnh và giai đoạn khó khăn vừa rồi thì công ty đã phải bán hầu hết các tài sản cố định và chuyển sang thuê ngoài nhiều hơn. Chúng tôi còn một số phương tiện máy móc nhưng không đủ điều kiện để làm tài sản đảm bảo và dù có thế chấp vay được cũng không đủ vốn để tái sản xuất”, Chị Minh Tú chia sẻ.

Anh Lê Anh Khang - chủ một công ty xuất khẩu đồ gỗ thủ công mỹ nghệ sang thị trường Âu - Mỹ cũng cho biết, ngân hàng đang đưa ra nhiều điều kiện không phù hợp với thực tế và khiến doanh nghiệp khó vay vốn và quay lại sản xuất kinh doanh.

“Vì khó khăn nên tôi mới phải vay vốn, nhưng ngân hàng lại yêu cầu tôi phải chứng minh tình hình tài chính tốt, có tài sản đảm bảo. Thời gian qua vì khó khăn chung, tôi đã phải thu hẹp quy mô kinh doanh đáng kể, tài sản đủ điều kiện để thế chấp gần như là không còn.  Hiện tại công ty chỉ đang hoàn thành các đơn hàng cũ, khách hàng cũng không đặt thêm. Thế nhưng, khi xem xét cho vay theo phương án kinh doanh khả thi, ngân hàng lại chỉ xét cấp tín dụng khi có đơn hàng mới phát sinh. Những yêu cầu này không khác gì nói doanh nghiệp hết khó khăn rồi mới quay lại vay”, anh Khang chia sẻ.

Vì khó khăn mới đi vay vốn, nhưng ngân hàng đặt điều kiện không khác gì nói doanh nghiệp hết khó khăn rồi quay lại vay - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Ngân hàng nói gì?

Ở góc nhìn của nhà điều hành, tại tọa đàm “Gỡ nút thắt về vốn cho doanh nghiệp SME”, do báo Dân Trí mới tổ chức, ông Trần Anh Quý, Trưởng phòng Tín dụng chính sách Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan điều hành đã nắm bắt việc thiếu phương án kinh doanh khả thi, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến việc không tiếp cận được vốn tín dụng của doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ. Những khó khăn này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Theo đó, nguyên nhân khách quan chủ yếu do tình hình kinh tế khó khăn; còn phía chủ quan do năng lực quản lý điều hành, quản lý tài chính của doanh nghiệp còn thấp nên khi thị trường có những diễn biến tiêu cực, những yếu điểm này càng bộc lộ rõ nét hơn. Ngoài ra, còn một vấn đề khác là kênh quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của nhà nước chưa hoạt động tối ưu, nên doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn.

Về phía các ngân hàng thương mại, theo ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ của OCB, thời gian qua các ngân hàng đã phát triển nhiều sản phẩm tín dụng để đáp ứng nhu cầu và tình hình tài chính đa dạng của khách hàng. Chẳng hạn OCB còn xem xét ở nhiều góc độ như lĩnh vực kinh doanh, năng lực, uy tín, phương án kinh doanh khả thi và tài sản thế chấp để có thể cấp tín dụng cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Bách - Trưởng ban Chính sách Tín dụng Agribank cũng cho biết ngân hàng huy động vốn là để cho vay, không phải để cất đi. Đồng thời, Agribank xem xét từ nhiều góc độ để có thể cấp tín dụng cho khách hàng. Theo đó, ngân hàng sẽ xếp hạng khách hàng dựa trên năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính và hiệu quả kinh doanh và khả năng thực hiện những cam kết trước đây với ngân hàng. Bên cạnh đó ngân hàng cũng có những tiêu chí bổ sung để thể xác định và xếp loại khách hàng, để từ đó cân nhắc cấp tín dụng.

Chuyên gia đề xuất giải pháp

Theo TS. Phùng Thái Minh Trang - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Hoa Sen, các ngân hàng phải đảm bảo an toàn khi cấp tín dụng là điều bình thường. Tuy nhiên, việc yêu cầu doanh nghiệp, người đi vay phải đáp ứng nhiều tiêu chí liên quan đến tài sản đảm bảo, kế hoạch sản xuất kinh doanh khả thi trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện tại có phần chưa phù hợp. Ngoài ra, hiện đang có nhiều tín hiệu cho thấy nhu cầu thế giới sẽ phục hồi. Do đó, cần phải có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn mạnh mẽ hơn để hoạt động sản xuất kinh doanh có thể sớm quay trở lại.

“Hạ lãi suất đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một vấn đề hiện hữu rất rõ là từ cuối năm ngoái đến nay, do các ngân hàng trung ương trên thế giới liên tục đẩy lãi suất lên cao để chống lạm phát, nên nhu cầu toàn cầu đã bị thu hẹp đáng kể. Điều này đã khiến các hoạt động xuất khẩu rơi vào cảnh khó khăn. Từ đó, nhiều doanh nghiệp bị suy giảm kết quả kinh doanh, một số đơn vị không còn tài sản thế chấp để có thể tiếp cận tín dụng. Trong khi để vay được vốn, ngân hàng lại yêu cầu phải có phương án kinh doanh khả thi và có tài sản đảm bảo. Tôi đồng ý là hệ thống ngân hàng phải bảo đảm an toàn, song những quy tắc quá khắt khe như hiện tại có phần không phù hợp với bối cảnh thực tế. Do đó, cần phải có những chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn mạnh mẽ hơn, không chỉ đơn thuần là hạ lãi suất như vừa qua", bà Minh Trang đánh giá.

Văn Tuệ

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên