MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2G vẫn là “nồi cơm” của nhà mạng

Có thể thấy, các nhà mạng đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, khi vừa muốn phát triển thị trường vừa phải tính toán nhập siêu bị hạn chế.

Dù đã đầu tư cả núi tiền cho mạng 3G nhưng các doanh nghiệp viễn thông đều nhận ra những khoản thu về không nhanh chóng như mong muốn. Trong thời gian dài nữa, 2G vẫn là “nồi cơm” đối với các nhà mạng.

 

Bỏ ra khoản tiền đặt cọc trong cuộc thi tuyển 3G lên đến 4.500 tỉ đồng, Viettel không tránh khỏi lo lắng trước một cuộc “chiến” lớn có thể dẫn tới “sạt nghiệp như chơi”, như lời Tổng Giám đốc Viettel, Hoàng Anh Xuân đã từng chia sẻ.

 

Cùng với “đại gia” Viettel, hai mạng di động khác là  VinaPhone, MobiFone cũng không giấu nỗi lo khi đã phải đặt cọc khoản vốn lớn, trên 1.000 tỷ đồng để tham gia cuộc đua. Trong khi đó, theo quy định, một trong những điều kiện để rút 50% số tiền đặt cọc là phải chờ cơ quan chức năng đang kiểm định chất lượng xem đã đáp ứng yêu cầu hay chưa.

 

Tuy nhiên, quá trình kiểm định hiện vẫn chưa tiến hành xong và có khả năng kéo dài. Bởi đến nay, các quy chuẩn về chất lượng 3G vẫn đang trong thời kỳ… xây dựng dần.

 

Thêm vào đó, mới đây, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã có công văn đề nghị các doanh nghiệp (DN) cần có biện pháp ủng hộ Chính phủ trong việc kiểm soát nhập siêu bằng cách: Tối ưu hoá mạng lưới trên cơ sở sử dụng tài nguyên sẵn có từ mạng 2G và 2,5G. Sử dụng thiết bị sản xuất trong nước để xây dựng hệ thống 3G với mục đích giảm thiểu chi phí nhập khẩu thiết bị mới, giảm giá thành đầu tư...

 

Các DN cũng cần xem xét kỹ kế hoạch nhập khẩu, kinh doanh thiết bị đầu cuối 3G, trong đó có iPhone 3G theo nhu cầu thị trường để tránh nhập khẩu ồ ạt, gây lãng phí.

 

Có thể thấy, các nhà mạng phát triển 3G đang trong tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”, khi một mặt muốn phát triển thật nhanh thị trường mới bằng kích cầu các thiết bị viễn thông hiện đại nhưng mặt khác lại phải tính toán đến khả năng nhập siêu bị hạn chế.

 

Trên thực tế, phía các nhà mạng sau gần nửa năm khai thác thị trường mới mẻ này đều thừa nhận, 3G chưa đem về những khoản thu nhanh chóng như mong đợi. Hiện 3G mới dừng lại ở một số dịch vụ cơ bản nhất như:  Video call (nghe giọng nói và hiển thị hình ảnh), Mobile Camera, MI (Internet di động)… Thiết bị đầu cuối tích hợp 3G giá khá cao nên vẫn còn là mặt hàng xa xỉ đối với nhiều người dân.

 

Theo số liệu tự thống kê của các mạng, lượng thuê bao 3G đã đạt được con số 7 triệu. Nhưng, chuyên gia thì đánh gia đây là số liệu khá mơ hồ và xa thực tế, bởi theo cách tính của nhà mạng là số lần truy cập của thuê bao chứ không thống kê đó có phải là khách hàng trung thành hay chỉ dùng một vài lần thử nghiệm cho biết.

 

Nói cách khác chỉ cần trên một máy di động nào có sóng 3G cũng có thể coi là một khách hàng nhưng số máy này có phát sinh cước dịch vụ 3G hay không thì không thì không có báo cáo.

 

Theo ông Lâm Hoàng Vinh, Giám đốc VinaPhone, mỗi DN khai thác 3G cần đến vài năm để làm quen và tạo dấu ấn trên thị trường. Nhà mạng này đã tính toán, cần đến 7 năm mới có thể hoàn vốn đã và sẽ tiếp tục đầu tư cho 3G. Ông Vinh cũng khẳng định, cho tới lúc đó thì 2G vẫn là “nồi cơm” của các mạng di động lớn.

 

Chính vì thế, sau một thời gian dốc sức cho 3G, các “đại gia” lại vội vã trở về khai thác mảng thị trường 2G truyền thống được đánh giá là không còn nhiều mầu mỡ (do đã vào thời kỳ bão hòa) nhưng vẫn là nguồn lợi nhuận chính. Hàng loạt đợt “dội bom” khuyến mãi lại được tung ra thị trường, thậm chí theo đánh giá của Vụ Viễn Thông, Bộ TT-TT, các đợt khuyến mãi đã rơi vào tình trạng cạnh tranh nguy hiểm, có thể phá vỡ thị trường.

 

Vì vậy, Thông tư khuyến mãi dịch vụ thông tin di động có hiệu lực từ 1/7/2010 định về thời gian và số đợt cũng như mức khuyến mãi sẽ là “kim cô” siết lại những cuộc đua đang diễn ra trên thị trường.

 

Theo Phạm Thanh

Dân trí

thanhhuong

Trở lên trên