MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

7 đề xuất tái cơ cấu kinh tế Việt Nam

Các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam cần từ bỏ cách thức phát triển dựa vào khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ như hiện nay, để chuyển sang một giai đoạn phát triển cao hơn.

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) vừa hoàn tất Đề án tiếp tục đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế giai đoạn đến năm 2020, nhằm tăng cầu nội địa và giảm sự lệ thuộc của Việt Nam vào bên ngoài.

Theo đó, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế cần hướng đến giai đoạn phát triển cao hơn, trong đó tăng trưởng phải dựa vào nâng cao năng suất, chất lượng. Các ngành công nghiệp chế biến sử dụng vốn và công nghệ sẽ thay thế các ngành thiên về khai thác tài nguyên và sử dụng nhiều lao động rẻ.

CIEM đề xuất ngay trong năm 2010, Chính phủ cần tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, và thực hiện hỗ trợ lãi suất hoặc bảo lãnh tín dụng đối với những nhóm doanh nghiệp có dự án đầu tư mới, trong các ngành có lợi thế cạnh tranh, có hiệu quả và độ lan tỏa lớn.

Chẳng hạn, sản xuất vật liệu xây dựng, đánh bắt - chế biến hải sản, dệt may, giày da, khách sạn, sản xuất hàng gia dụng... Cùng lúc, trong năm 2010, cần rà soát và đơn giản hóa, bãi bỏ ít nhất 30% số thủ tục hành chính hiện hành.

Trong trung hạn, vào các năm 2010-2012, CIEM cho rằng đầu tiên Việt Nam vẫn cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, cùng lúc xây dựng, nâng cấp hệ thống thông tin, thống kê và kinh tế - xã hội. Trước hết là thông tin về kinh tế vĩ mô, phân tích kịp thời về tình hình trong và ngoài nước, cũng như ảnh hưởng tới Việt Nam.

Thứ hai, nâng cao chất lượng hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật, như thành lập cơ quan trung ưng tham mưu về chính sách phát triển kinh tế. Đồng thời, cần tách biệt 3 chức năng chủ yếu mà Chính phủ đang thực hiện, gồm quản lý hành chính nhà nước, điều tiết thị trường và thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước.

Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý đầu tư và hiệu quả nhà nước. Trong đó, ban hành tiêu chí thẩm định, lựa chọn dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, cơ chế phân bổ vốn đầu tư nhà nước. Đồng thời, rà soát lại tất cả dự án đang thực hiện hay nằm trong quy hoạch và loại bỏ các dự án không đáp ứng yêu cầu.

Thứ tư, cần đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, như hoàn thành chuyển đổi tất cả doanh nghiệp nhà nước sang công ty trách nhiệm hoặc cổ phần, bãi bỏ các loại bao cấp còn lại. Đồng thời, bỏ các đặc quyền và độc quyền mang lại lợi ích cho riêng doanh nghiệp Nhà nước.

Thứ năm, đổi mới cách thức khuyến khích đầu tư xã hội, cân bằng hơn giữa đầu tư cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, cải thiện đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, xây dựng các tiêu chí chất lượng nhà đầu tư và dự án đầu tư nước ngoài theo hướng sử dụng ít tài nguyên và lao động rẻ tiền hơn, có nhiều hàm lượng khoa học và công nghệ hơn.

Thứ sáu, khuyến khích sản xuất nông nghiệp và tổ chức cuộc sống ở nông thôn theo hướng hiện đại; và thứ bảy, tiếp tục hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những đề xuất của CIEM được đưa ra dựa trên phân tích về hiện trạng kinh tế cũng như cách thức tăng trưởng của Việt Nam trong những năm qua. Theo đó, từ năm 2000 đến nay, nền kinh tế đã đạt được mức tăng trưởng khá cao, nhờ đó Việt Nam ra khỏi tình trạng nghèo và kém phát triển để gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp của thế giới.

Song điều đáng nói là kinh tế Việt Nam đang đi theo chiều rộng, dựa nhiều vào gia tăng quy mô đầu tư với hiệu quả đầu tư thấp, đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp còn nhỏ. Cách tăng trưởng theo chiều rộng này và gia tăng sử dụng các nguồn lực và tài nguyên nay không còn phù hợp - CIEM kết luận. Bởi khả năng huy động thêm vốn đầu tư, số lượng lao động đã dần tới giới hạn, nếu không cải thiện được hiệu quả đầu tư thì tốc độ tăng trưởng tới đây sẽ không thể duy trì như những năm vừa qua, và có nguy cơ giảm dần.

Mô hình đầu tư hiện nay nếu kéo dài, theo CIEM, có thể làm cho các cân đối vĩ mô trở nên mong manh và bất ổn kinh tế sẽ trở thành nguy cơ thường trực. Mặt khác, tăng trưởng theo chiều rộng và dựa nhiều vào vốn đầu tư như hiện nay không tạo ra cơ hội cải thiện thu nhập và đời sống một cách bền vững cho người lao động, không tăng được mức cầu nội địa.

Nói cách khác, cách thức tăng trưởng như hiện nay nếu tiếp tục kéo dài sẽ làm gia tăng sự lệ thuộc của Việt Nam vào bên ngoài. "Thay đổi cách thức tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng năng cao chất lượng, năng suất và hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là vốn đầu tư, đã trở thành nhiệm vụ cấp bách", báo cáo của CIEM nhấn mạnh.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay dựa nhiều vào khai thác và sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, hoặc sử dụng nhiều lao động phổ thông. Hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước chưa cao, của khu vực kinh tế tư nhân trong nước có xu hướng giảm.

Doanh nghiệp Nhà nước chưa phát huy được vai trò dẫn dắt, chủ đạo trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong khi đó, kinh tế tư nhân trong nước còn nhỏ, chưa thể làm động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo Ngọc Châu
VnExpress

khanhhoa

Trở lên trên