MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8 thông tin kinh tế nổi bật tuần qua

Theo HSBC, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất của HSBC (HSBC PMI) tháng 12 đã tăng lên 51,8 điểm - kết quả cao nhất kể từ tháng 4.2011 với đơn đặt hàng tăng mạnh.

Giá gas giảm 43.000 đồng/bình 12kg

Với mức giảm này, giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng khu vực TPHCM kể từ ngày 1/1/2014 là 443.000 đồng/bình 12kg. Như vậy, sau 2 tháng tăng liên tiếp với mức tăng rất cao, đặc biệt là lần tăng từ 78.000 - 80.000 đồng/bình 12kg (tùy hãng) trong tháng 12/2013, giá gas đã chịu giảm nhiệt cho khách hàng dễ thở hơn.

 Giải thích nguyên nhân giá gas giảm trong tháng 1/2014, ông Đỗ Trung Thành cho biết: “Lý do giảm giá là do giá CP (giá gas thế giới – PV) công bố tháng 1/2014 bình quân là 1.015 USD/tấn, giảm 147,5 USD/tấn so với giá tháng 12/2013”.

Trong tháng trước, giá gas thế giới tăng mạnh làm ảnh hưởng lớn đến giá gas bán lẻ trong nước với mức tăng gần 20%. Mức tăng quá cao khiến dư luận xôn xao, làm xáo trộn đời sống người dân nên Bộ Tài chính phải ra mặt giải thích.

 CPI Hà Nội tháng giáp Tết dự báo tăng 1,1%

Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, giá cả một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng trung bình 10%.

Đối với nhóm hàng lương thực, hiện do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng lên trong khi sản lượng vụ mùa vừa thu hoạch giảm 10-20% so với dự kiến nên dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, giá gạo tăng khoảng 5%, đặc biệt là gạo nếp và gạo ngon.

Theo Sở Công Thương, hiện nguồn cung hàng hóa trên địa bàn cơ bản được đảm bảo nhưng do người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu nên lần đầu tiên giá thực phẩm giảm vào tháng cuối năm. Căn cứ trên các yếu tố tác động đến giá, Sở Công Thương Hà Nội dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2014 trên địa bàn sẽ tăng khoảng 1,1% so với tháng 12/2013.

Người dân TPHCM có thu nhập bình quân hơn 4.500 USD

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân, giai đoạn 2011-2013, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu kéo dài đã tác động bất lợi đến kinh tế cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Với kết quả tăng trưởng 9,3% trong năm 2013, kinh tế TP.HCM đạt mức tăng trưởng thấp hơn dự kiến (9,5%), tuy nhiên thu nhập bình quân đầu người tại thành phố đã đạt 4.513 USD.

Trong hai năm cuối của giai đoạn 2011-2015, cùng với dự báo kinh tế-xã hội thành phố tiếp tục đà tăng trưởng, chỉ tiêu này sẽ được nâng lên 4.800 USD.

Trong năm 2013, thành phố TP.HCM đã đạt 21/25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội (4 chỉ tiêu không đạt là tổng sản phẩm trong nước, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ xử lý chất thải y tế.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2013 của thành phố đạt 9,3%. Khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 11,1%/năm, kế đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với tốc độ tăng 7,5%/năm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,7%.

Đến cuối năm 2014: Nợ công của Việt Nam dự kiến khoảng 59,8% GDP

Bộ Tài chính cho biết, theo lộ trình, cần giảm dần bội chi để đạt mức 4,5% GDP vào năm 2015. Tuy nhiên, do khả năng cân đối NSNN năm 2014 rất khó khăn, trong khi vẫn phải bố trí tăng chi đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu. Vì vậy, Quốc hội đã thông qua mức bội chi NSNN năm 2014 là 5,3% GDP.

Với tỷ lệ bội chi này, dự kiến đến 31/12/2014, dư nợ công khoảng 59,8% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 46,2% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,4% GDP.

Các chỉ số nợ mặc dù vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng cũng tạo nên sức ép khá lớn trong việc bố trí và cân đối nguồn trả nợ.

Theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đã xác định chỉ tiêu nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, nợ của Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.

Về huy động vốn, mức phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư năm 2014 là 100.000 tỷ đồng.

PMI vọt lên 51,8 điểm nhờ sản xuất tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4/2011

Ngày 2/1/2014 vừa qua, Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp cùng với công ty Markit Economics công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 12/2013.

Báo cáo mở đầu bằng đánh giá về sản lượng sản xuất của Việt Nam tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2011. Khá nhiều đánh giá khả quan đã được tổ chức này đưa ra như vấn đề về tăng trưởng việc làm, tăng trưởng đơn hàng mới... Ngoài ra, sức mua tăng mạnh với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử cũng là một điểm sáng đáng mừng.

Báo cáo cũng cho rằng dù chi phí sản xuất đầu vào tăng nhẹ nhưng các nhà sản xuất đã chấp nhập giảm giá bán ra để đón đầu cơ hội kinh doanh mới.

Bởi những đánh giá khả quan nêu trên, Chỉ số PMI tháng 12 đạt mức 51,8 điểm, tăng khá mạnh từ mức 50,3 điểm hồi tháng 11. Như vậy, đây là tháng thứ 4 liên tiếp, chỉ số PMI của Việt Nam đạt trên mức 50 điểm.

HSBC: Xuất khẩu sẽ “gánh” kinh tế 2014

Theo HSBC, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng ngành sản xuất của HSBC (HSBC PMI) tháng 12 đã tăng lên 51,8 điểm - kết quả cao nhất kể từ tháng 4.2011 với đơn đặt hàng tăng mạnh.

Chỉ số PMI ngành sản xuất trong tháng 12 đã tăng lên 51,8 điểm từ mức 50,3 điểm trong tháng trước. Chỉ số PMI cho thấy ngành sản xuất đã tăng trưởng mạnh trong quý IV. 2013 và thể hiện GDP đạt mức tăng trưởng 6% cũng trong quý này.

Điểm tích cực về kết quả chỉ số PMI tháng này là các chỉ số phụ đều mạnh hơn đặc biệt là đơn đặt hàng mới và việc làm. Chỉ số phụ đơn đặt hàng mới đã tăng mạnh từ mức 48,8 điểm trong tháng 11 lên 52,5 điểm trong tháng 12.

"Chúng tôi kỳ vọng tình hình xuất khẩu đang được cải thiện và nhu cầu trong nước ổn định sẽ thúc đẩy GDP Việt Nam tăng trưởng từ mức 5,4% trong năm 2013 lên 5,6% trong năm 2014", báo cáo viết.

TP HCM thu ngân sách tăng hơn 12,4%

Tối ngày 31/12 vừa qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị báo cáo kết quả thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước năm 2013.

Năm 2013, tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng thành phố Hồ Chí Minh thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Đến ngày 31/12, thành phố thu ngân sách đạt được gần 238.000 tỷ đồng, tăng hơn 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn thu nội địa đạt hơn 129.000tỷ đồng, nguồn thu nhiều nhất là ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

Đạt được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, các cơ quan chức năng của thành phố như: thuế,hải quan đã tăng cường quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu thuế, kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất...

Công Vân

cucpth

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên