AEC và 3 nỗi "sợ" của doanh nghiệp Việt
Với không gian thị trường 600 triệu dân, GDP dự kiến đạt 4,7 nghìn tỉ USD vào năm 2020 và tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, AEC hứa hẹn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
- 12-12-2015“Sẽ có nhiều doanh nghiệp mới hình thành nhờ TPP, AEC...”
- 12-12-2015AEC không toàn màu hồng
- 04-12-20154 lưu ý quan trọng khi gia nhập AEC
Sáng ngày 13/12, Diễn đàn “Doanh nghiệp Việt Nam hướng tới AEC” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội.
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Phạm Thị Thu Hằng –Tổng Thư ký VCCI cho biết, năm 2015 là một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cộng đồng DN Việt Nam khi một loạt các hiệp định thương mại kết thúc đàm phám, ký kết, được Quốc Hội thông qua, trong đó có việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Với không gian thị trường 600 triệu dân, GDP dự kiến đạt 4,7 nghìn tỉ USD vào năm 2020 và tiềm năng trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030, AEC hứa hẹn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.
“Hơn thế nữa, Việt Nam còn là điểm kết nối giữa AEC với các nước EU, các nước tham gia TPP (thông qua hiệp định thương mại tự do), điều mà rất ít nước trong khối ASEAN có được” – Tổng Thư ký VCCI cho biết.
Trong bài phát biểu của mình, TS. Phạm Thị Thu Hằng cũng nêu ra 3 nỗi "sợ" của doanh nghiệp Việt khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Thứ nhất, năng suất lao động thấp do khu vực tư nhân khó phát triển. Phần lớn DN tư nhân có quy mô nhỏ, manh mún, tính liên kết lỏng lẻo. Có đến 96% DN khu vực tư nhân đang hoạt động thuộc nhóm nhỏ và siêu nhỏ, chỉ 4% còn lại thuộc DN lớn và vừa. Bên cạnh đó là 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể hoạt động dưới dạng phi chính thức hoặc bán chính thức (không đăng ký thành lập DN nhưng vẫn có mã số thuế).
Thứ hai, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp. Các DN Việt Nam đã khá thành công trong liên kiết xuôi với những thành tựu xuất khẩu ban đầu ấn tượng nhưng lại chưa thành công trong liên kết ngược. Đây lại chính là hệ quả của việc tác động qua các kênh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể hiện nhưng ở mức độ vẫn còn khiêm tốn.
“Đánh giá về sự tham gia hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam thực chất là đánh giá về sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và khả năng “kháng cự” của các DN trên thị trường nội địa. Trên thực tế, sự tham gia của các DN Việt Nam trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu là thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á” – bà Hằng chia sẻ.
Thứ ba, nhận thức của các DN Việt Nam về các cam kết kinh tế, thương mại mới. Đa số DN nhìn nhận ASEAN như cơ hội tiếp cận thị trường, gia tăng xuất khẩu, mà lợi ích này trong ASEAN là tương đối hạn chế. Trên thực tế, việc kết nối một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất mới là mục tiêu chính của ASEAN và là lợi ích dài hạn mà các DN trong ASEAN cần nhắm đến.
Nguyên nhân của thực trạng trên trước hết là do sự thiếu chủ động nắm bắt thông tin từ phía doanh nghiệp, đặc biệt thông tin cụ thể trong từng lĩnh vực. Những thông tin này sẽ tác động mạnh mẽ đến đến sự dịch chuyển của chuỗi giá trị, và đương nhiên là sẽ tác động đến chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.
Bên cạnh những điểm hạn chế, bà Hằng cũng chỉ ra một số những điểm mạnh mà các DN Việt Nam đã, đang và có thể phát huy được trong tương lai.
Thứ nhất, phải kể đến khả năng bứt phát và khả năng hội nhập nhanh của Cộng đồng DN Việt Nam. Rất nhiều ngành nghề như thuỷ sản, đồ gỗ, dệt may, điện tử… của Việt Nam đã chứng tỏ sự năng động của mình trong nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu và đã thành công.
Thứ hai, các DN Việt Nam chú trọng nhiều đến nền tảng văn hoá, chính vì vậy mà những nét văn hoá tương đồng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ tạo lợi thế cho các DN Việt Nam đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị trường ASEAN.
Thứ ba, nếu như đối với các thị trường khác như EU, Bắc Mỹ, Bắc Á, DN Việt Nam chủ yếu tập trung vào các hoạt động thương mại, thì đối với thị trường ASEAN, các DN Việt Nam đã có những bước đi toàn diện bằng việc đầu tư trực tiếp. Điều này sẽ giúp các DN Việt Nam có thể đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển chuỗi giá trị và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đứng trước các cơ hội, thách thức trước thềm hội nhập ASEAN và nhận rõ các điểm yếu, điểm mạnh của DN, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại, khuyến khích phát triển DN vừa và nhỏ phát triển.
“Chưa bao giờ, cộng đồng DN Việt Nam nói chung và DN vừa và nhỏ nói riêng lại cần phải liên kết lại trong các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng như lúc này, để có thể gia tăng về giá trị và năng lực, đồng thời gia tăng về số lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường ASEAN và rộng hơn là thị trường thế giới” – bà Hằng nhấn mạnh.