MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ANZ: Kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ

Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất vừa được Bộ phận nghiên cứu của ngân hàng ANZ công bố, ANZ giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015 là 6,5%; thâm hụt tài khoản vãng lai năm 2015 chiếm 0,5% GDP.

Theo đó, Ngân hàng này nhận định, các chỉ số gần đây cho thấy kinh tế Việt Nam tiếp tục trên đà hồi phục. Nhu cầu nội địa tiếp tục được củng cố, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của ANZ-Roy Morgan tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 6.

Tỷ lệ lạm phát duy trì ở mức thấp, doanh thu bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng mức tăng trưởng trung bình 8,4% trong nửa đầu năm 2015. Doanh số bán ô tô – chỉ số đại diện cho hoạt động mua sắm trang thiết bị cao cấp của các hộ gia đình – trong 6 tháng đầu năm tăng hơn 60% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, sản xuất công nghiệp tăng 11,3% trong 2 quý đầu năm, gần gấp đôi so với mức cùng kỳ năm 2014. GDP quý II đạt mức tăng trưởng 6,44% - cao hơn nhiều so với các dự báo trước đó.

ANZ nhận định, kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ khi các chỉ số đều tăng cao so với cùng kỳ. Do đó, Ngân hàng này vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng 6,5% cho cả năm 2015 và 2016.

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam (Nguồn: ANZ).

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam (Nguồn: ANZ).

Theo đánh giá của ANZ, trên đà phục hồi của nền kinh tế, kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ tăng để hỗ trợ tăng trưởng đầu tư và mở rộng sản xuất. Do đó Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán trong trung hạn.

Tuy nhiên mức thâm hụt này được đánh giá là không đáng lo ngại. Nếu Chính phủ Việt Nam cho phép điều chỉnh tỷ giá hối đoái khi cần thiết để phản ánh thực tế thanh toán quốc tế, điều này sẽ bình ổn thương mại quốc tế theo một hướng đi bền vững hơn, ANZ nhận xét.

Theo ANZ, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ sở hữu lên tới 100% kể từ tháng 9/2015 sẽ giúp khơi thông dòng vốn ngoại vào Việt Nam, góp phần thúc đẩy nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ANZ cũng cho rằng, việc phá giá tiền Đồng trong biên độ 2% trong điều kiện thâm hụt tài khoản vãng lai sẽ gây rủi ro đến dự trữ ngoại hối.

Trên cơ sở đó, ANZ giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2015 là 6,5%; mức thâm hụt tài khoản vãng lai chiếm 0,5% GDP và mở rộng ra 1% GDP trong 2016.

Lần đầu tiên trong suốt 3 năm, cán cân thương mại của Việt Nam chuyển từ trạng thái thặng dư sang thâm hụt. Trong 6 tháng đầu năm 2015, cán cân thương mại đã thâm hụt tới 3,8 tỷ USD; trong đó nhập khẩu tăng trưởng 17,1% so với cùng kỳ.

Trước đó, ANZ từng nhận định, thâm hụt thương mại đối với Việt Nam chưa hẳn là tiêu cực. Tuy nhiên, vẫn có những “nỗi lo” đằng sau con số nhập siêu quá lớn.

"Trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với 2 rủi ro lớn. Thứ nhất, cán cân thương mại sẽ chuyển dịch từ thặng dư sang thâm hụt. Thứ hai, để đạt mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ Việt Nam cần thay đổi nhiều chính sách điều hành kinh tế vĩ mô cho phù hợp" - Báo cáo nhận định.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên