MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Báo Anh: Kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng

Tờ Financial Times của Anh nhận định, mặc cho “màn đêm u ám” bủa vây các nền kinh tế mới nổi, Việt Nam vẫn là một trường hợp ngoại lệ khi tiếp tục nằm ở “phía bên kia” của bức tranh.

Số liệu của bộ phận nghiên cứu Capital Economics cho thấy, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao so với mức tăng trưởng trung bình.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cùng với Việt Nam, chỉ có 4 quốc gia châu Âu được hưởng lợi tăng trưởng xuất khẩu nhờ giá dầu giảm bao gồm: Rumani, Cộng hòa Séc và Hungary và Ba Lan.

Tuy nhiên, trong khi các nền kinh tế Rumani, Cộng hòa Séc và Hungary không có sự tăng trưởng đáng kể nào về tổng sản phẩm (GDP) từ năm 2008 – 2014 thì kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng tới 40% trong suốt giai đoạn và cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng của Ba Lan.

Tăng trưởng xuất khẩu các nền kinh tế mới nổi (Nguồn: Capital Economics)
Tăng trưởng xuất khẩu các nền kinh tế mới nổi (Nguồn: Capital Economics)

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, câu chuyện thành công này sẽ chỉ "nhất thời". Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,2% vào năm 2012; tăng lên 5,4% năm 2013 và 6% năm 2014. Dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục trên đà tăng trưởng với mức 6,1% năm nay và 6,2% năm 2016.

Trong khi các nền kinh tế mới nổi đều gặp thách thức thì kinh tế Việt Nam ngược lại. Điều này cho thấy thành công trong việc thu hút đầu tư dựa trên chi phí nhân công rẻ của Việt Nam.

"Tăng trưởng xuất khẩu đã giúp quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục trên đường ray phát triển. Việt Nam đang hưởng lợi lớn do tiền lương người lao động Trung Quốc tăng cao. Nhiều ông lớn đã dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia châu Á khác, trong đó có Việt Nam” – ông Gareth Leather, Chuyên gia kinh tế phụ trách khu vực châu Á của Capital Economics cho biết.

Theo ông Leather, mặc dù các đối thủ khác như Bangladesh và Campuchia cũng theo đuổi chiến lược chi phí tiền lương thấp, nhưng Việt Nam vẫn có lợi thế về vị trí địa lý và sự ổn định chính trị.

Ngoài ra, tốc độ công nghiệp hóa nhanh cũng là một trong những “thỏi nam châm” hút đầu tư vào Việt Nam.

“Việt Nam giống trường hợp của Trung Quốc khoảng 15-20 năm trước. Quốc gia này có nguồn lao động dồi dào, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn. Điều này tạo sức hút cho các hãng lớn đặt thêm nhà máy tại Việt Nam nhằm tận dụng nguồn lao động rẻ” – ông Leather nói.

Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng như điện thoại di động, hàng dệt may, da giày. Bên cạnh đó, một số ngành nông lâm thủy sản như gạo, cà phê, tôm, tiêu, điều… vấn đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam mặc dù cầu thế giới tăng trưởng chậm chạp.

“Đó là những bước đệm đưa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng cao và vượt nhiều đối thủ trong khu vực. Mặc dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại trong những năm gần đây do ảnh hưởng chung của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, song Việt Nam vẫn là một điểm sáng khi luôn duy trì mức tăng trưởng 2 con số” – ông Leather nhận định.

Bên cạnh đó, ông Leather cũng cho rằng, đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam còn nhờ vào việc ký kết các hiệp định thương mại tự do như FTA Việt Nam – EU, TPP… Thậm chí, Việt Nam còn có thể hưởng lợi từ việc Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ nhờ nhập khẩu hàng hóa từ thị trường này với giá rẻ hơn.

Đồng thời, cũng theo ông Leather, trong những năm gần đây, Việt Nam đang chứng kiến làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ.

Theo số liệu của FDI Markets – bộ phận nghiên cứu về đầu tư nước ngoài của Financial Times, vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng mặc cho các thị trường mới nổi khác chứng kiến sự sụt giảm mạnh.


Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khu vực châu Á (Nguồn: Dragon Capital)

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khu vực châu Á (Nguồn: Dragon Capital)

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những bất ổn trong quản lý kinh tế, chính sách tiền tệ nới lỏng… sẽ đẩy lạm phát tăng cao hơn và Việt Nam có nguy cơ rơi vào “bánh xe” khủng hoảng như trước đây.

“Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã phá giá tiền Đồng 3 lần trong năm nay. Động thái này có thể khiến lạm phát tăng cao và đẩy lãi suất tăng theo. Ngoài ra, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng là vấn đề Việt Nam phải đối mặt” – ông Leather nhận định.

Lam Nguyễn

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên