Báo Mỹ ví TP Hồ Chí Minh là “thỏi nam châm” năng động
Bốn thập kỷ sau ngày giải phóng, linh hồn của TP Hồ Chí Minh, hay còn gọi bằng cái tên quen thuộc Sài Gòn, dường như bám chặt vào cuộc sống hiện tại. Đối với thế hệ trẻ, Sài Gòn là thành phố không hoài niệm, mà luôn tràn đầy niềm vui, năng lượng và cơ hội để làm giàu.
- 22-05-2015Bloomberg: TP Hồ Chí Minh sẽ tăng trưởng nhanh thứ 4 ở châu Á
- 26-02-2015Kinh tế TP Hồ Chí Minh duy trì mức tăng trưởng ấn tượng
- 28-01-2015Gần 273 triệu USD phát triển lưới điện Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Tờ New York Times của Mỹ nhận định, khoảng 70% dân số Việt Nam hiện nay thuộc thế hệ trẻ, ra đời sau ngày đất nước thống nhất năm 1975. Sau 40 năm, họ đều đã trưởng thành trong cảnh đất nước hòa bình và chiến tranh đã lùi rất xa.
"Tôi cảm thấy rất may mắn vì sinh ra sau giai đoạn 1975", New York Times dẫn lời một thanh niên tên Tuệ Nghi, hiện đang sống tại TP Hồ Chí Minh.
Tuệ Nghi chia sẻ, cô thành lập một công ty bất động sản vào năm 22 tuổi. Từng trải qua tuổi thơ khó khăn vất vả, Nghi luôn kiên trì trên con đường khởi nghiệp và phát triển công ty. Hiện cô đã có 4 ôtô cùng nhiều căn hộ.
Dòng vốn ngoại đang chảy mạnh vào TP Hồ Chí Minh – thủ đô cũ ở miền Nam Việt Nam. Từ đầu những năm 90, khi Chính phủ ban hành chính sách hướng phát triển kinh tế theo hướng thị trường, Sài Gòn nhanh chóng bắt nhịp để đẩy mạnh phát triển kinh tế.
"Trước đây đường phố Sài Gòn chỉ có xe đạp. Nếu nhìn thấy một chiếc ôtô, chắc chắn bạn sẽ dừng lại và trầm trồ" - Ralf Matthaes, một người Canada đã đến Việt Nam từ năm 1993 chia sẻ.
Theo thời gian, xe máy dần dần phủ kín những con đường trong thành phố, thậm chí lên cả vỉa hè. Tiếng động cơ ồn ào cho thấy sức sống của một thành phố năng động, sầm uất và hiện đại.
New York Times dẫn số liệu của Cục thống kê TP Hồ Chí Minh cho thấy, năm 2014 có 78% công ty đăng ký ở TP Hồ Chí Minh gặp khó khăn phải giải thể do khủng hoảng nợ. Tuy nhiên, trong năm nay, số lượng công ty mới thành lập trong 6 tháng đầu năm đã tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Những doanh nghiệp yếu sẽ phải rời cuộc chơi. Đây là một quy luật tất yếu. Ở chiều tích cực, các doanh nghiệp sẽ rút ra được kinh nghiệm và bài học từ thất bại" - ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh nhận xét.
Sự năng động và môi trường nhiều cơ hội là hai yếu tố khiến TP Hồ Chí Minh thu hút người dân từ nhiều tỉnh, thành. Theo thống kê mỗi năm có khoảng hơn 200.000 người ngoại tỉnh đến thành phố để sinh sống và lập nghiệp.
Chính quyền thành phố ghi nhận dân số chính thức là 8 triệu người, nhưng con số có thể lên tới 12 triệu nếu tính cả người nhập cư. Ở TP Hồ Chí Minh, những tấm gương thành công vượt bậc trong cuộc sống không phải là chuyện hiếm thấy.
Cách đây hơn 20 năm, gia đình chị Thủy sống khó khăn trong cảnh thiếu điện. Đến nay, khi gần 30 tuổi, chị đã trở thành chuyên gia trong lĩnh vực ứng dụng điện thoại di động. Gần đây, chị Thủy vừa bán công ty phần mềm cho một công ty ở Mỹ với giá hơn 1 triệu USD.
Trong khi đó, năm 2014, anh Nguyễn Trung Tín trở thành người quản lý công ty bất động sản của gia đình. Ở tuổi 28, anh Tín là một trong những doanh nhân trẻ và thành đạt tại Việt Nam. Anh sở hữu 2 hộp đêm, một công ty tổ chức sự kiện và một nhà hàng ẩm thực Thái.
Theo anh Tín, thời kỳ phất lên nhanh chóng từ thập niên trước khi giá bất động sản tăng liên tục và nhiều người trở thành triệu phú chỉ sau một đêm đã trôi qua. Ngày nay, sự thành công đòi hỏi nhiều nỗ lực và cả vận may.
"Tuy nhiên, TP HCM vẫn là một "thỏi nam châm" năng động, dồi dào cơ hội và niềm vui đối với thế hệ trẻ" - New York Times nhận định.
"Ở Hà Nội, mọi người nghĩ về tương lai và luôn tích cóp cho tương lai. TP Hồ Chí Minh thì ngược lại. Người ta không tiếc nuối quá khứ hay kỳ vọng tương lai; họ sống cho hiện tại" - chị Lương Thị Hải Luyến, 29 tuổi chia sẻ. Luyến đã rời quê hương Hà Nội để vào TP Hồ Chí Minh học Thạc sỹ và kiếm một công việc ưng ý tại đây.