MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán hết vốn Nhà nước: Dứt khoát phải đấu giá công khai

SCIC căn cứ vào tình hình thị trường để lựa chọn thời điểm thoái, cách thức thoái, giá cả thoái, đối tượng thoái như thế nào cho hiệu quả, ổn định và chắc chắn.

Liên quan đến quyết định của Chính phủ về việc sẽ bán hết vốn đang nắm giữ tại nhiều doanh nghiệp nhà nước hàng đầu, một số chuyên gia đã có ý kiến.

Lĩnh vực nào tư nhân làm tốt, Nhà nước không cần phải đầu tư vào đó nên việc thoái vốn khỏi những doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả, ngay cả với Vinamilk, là động thái cần thiết và lẽ ra phải thực hiện từ lâu rồi.

Ông Phạm Viết Muôn - Nguyên phó ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp - khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến quyết định của Chính phủ về việc sẽ bán hết vốn đang nắm giữ tại nhiều doanh nghiệp nhà nước hàng đầu.

Ông Muôn nói: "Đây là chuyện đã được bàn từ lâu trong Chính phủ, bây giờ mới đưa ra là hơi chậm".

Nhưng việc thoái vốn tại các doanh nghiệp đang hoạt động khá hiệu quả phải chăng do nhu cầu vốn nhiều, trong khi nguồn thu đang gặp khó khăn, thưa ông?

Theo tôi, quyết định này đã thể hiện tính kiên định, nhất quán của Chính phủ trong việc tiếp tục thoái vốn nhà nước ở những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ. Nó cũng không phân biệt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, mà căn cứ vào lĩnh vực Nhà nước có cần nắm giữ hay không.

Ví dụ như Vinamilk, Dược Hậu Giang, FPT... đều là những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng tư nhân làm tốt rồi, Nhà nước không cần phải đầu tư vào đó làm gì.

Chính phủ đảm bảo vai trò quản lý nhà nước, trong khi các doanh nghiệp đều nộp thuế như nhau, không phân biệt thành phần kinh tế.

Theo ông, lộ trình và phương thức thoái vốn nên như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) căn cứ vào tình hình thị trường để lựa chọn thời điểm thoái, cách thức thoái, giá cả thoái, đối tượng thoái như thế nào cho hiệu quả, ổn định và chắc chắn. Lộ trình do SCIC đề xuất và tôi nghĩ rằng sẽ căn cứ vào tình 
hình thực tế để làm.

Tuy nhiên theo tôi, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt với các doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả và được nhiều nhà đầu tư quan tâm, dứt khoát phải đấu giá công khai.

Nếu không công khai và minh bạch sẽ tạo dư luận không tốt, thậm chí các nhà đầu tư quốc tế cũng sẽ cân nhắc việc đầu tư vào Việt Nam hay không nếu hoạt động thoái vốn tại các doanh nghiệp này không diễn ra như nhà đầu tư mong đợi.

Như Tuổi Trẻ phản ánh, số vốn thu được từ đợt thoái vốn này dự kiến đầu tư vào bệnh viện, hạ tầng giao thông... Quan điểm của ông về chuyện này như thế nào?

Số tiền thu được sẽ dùng vào đâu chắc chắn Chính phủ đã có kế hoạch trước khi quyết định thoái vốn, không chỉ với những doanh nghiệp mà ngay cả các doanh nghiệp khác cũng vậy.

Tuy nhiên theo tôi, số tiền này sẽ được đầu tư vào những khu vực đang cần vốn để tiếp tục phải đầu tư, ví dụ an ninh quốc phòng, vùng sâu vùng xa, hỗ trợ lao động dôi dư...

Việc đầu tư cho hạ tầng và an sinh xã hội cũng là những lựa chọn hợp lý. Chẳng hạn như việc xây dựng bệnh viện đã được Thủ tướng đề cập 
rất cụ thể.

Cẩn trọng với dòng vốn “nóng”

TS Lê Đạt Chí (ĐH Kinh tế TP.HCM):

Thông tin về quyết định bán hết vốn nhà nước tại một loạt doanh nghiệp hàng đầu, đặc biệt là Vinamilk, được nhiều nhà đầu tư đón nhận khá hào hứng, bằng chứng là nhiều cổ phiếu trong danh mục này tăng mạnh sau khi thông tin này được công bố.

Ngoài sự hấp dẫn của chính những cổ phiếu này trên thị trường, sự hào hứng của nhà đầu tư còn xuất phát từ kỳ vọng việc nới room (tỉ lệ sở hữu) cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ diễn ra sớm hơn.

Sự kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở bởi chỉ riêng giá trị vốn sẽ phải thoái tại Vinamilk đã xấp xỉ 2,5 tỷ USD, một con số mà chỉ nhà đầu tư nước ngoài mới “tiêu hóa” nổi khi tham gia với tư cách là nhà đầu tư chiến lược.

Việc nới room cũng được kỳ vọng sẽ giúp dòng vốn đầu tư gián tiếp đổ vào thị trường chứng khoán nhiều hơn. Bởi thực tế không ít cổ phiếu niêm yết hiện nay đã hết room cho nhà đầu tư nước ngoài, Vinamilk là một ví dụ.

Hơn nữa, việc nới room cũng được cho là cần thiết nhằm thúc đẩy hơn nữa hoạt động cổ phần hóa vốn khá ì ạch thời gian qua.

Theo số liệu của Bộ KH-ĐT, trong tám tháng đầu năm 2015 chỉ mới có 95 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, trong khi con số theo kế hoạch năm nay lên đến 289 doanh nghiệp cho thấy hoạt động này diễn ra không như mong đợi.

Trong khi đó, xét ở góc độ động viên nguồn lực cho ngân sách nhà nước liên tục bị bội chi qua các năm, việc đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thoái vốn nhà nước tại các doanh 
nghiệp là cần thiết.

Trở lại câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài - một trong những đối tượng mua được thị trường chờ đợi nhất. Đối tượng này mua thông thường là lô lớn hay có một tỉ lệ sở hữu cao, đồng thời Nhà nước thu về một lượng ngoại tệ.

Tuy nhiên, việc nới room cũng là câu chuyện cần có sự cân nhắc bởi tính bất ổn của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài. Sự bất ổn trên thị trường tài chính Trung Quốc gần đây được nhiều chuyên gia cho rằng có sự đóng góp của dòng vốn này là một ví dụ.

Có nhiều lập luận cho rằng VN đã cho phép đối tượng này sở hữu 100% doanh nghiệp thì việc bán doanh nghiệp và cho phép nước ngoài sở hữu 100% tại các công ty cổ phần là một lẽ thường.

Tuy nhiên, tính chất của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trong liên doanh liên kết hay 100% vốn nước ngoài hoàn toàn khác với tính chất của nhà đầu tư gián tiếp thông qua việc nắm giữ cổ phần trong các công ty niêm yết, đó chính là tính thanh khoản và đi kèm là độ bất ổn của thị trường tài chính.

Chúng ta hình dung rằng một nhà đầu tư nước ngoài mua phần vốn nhà nước tại Vinamilk là một nhà đầu tư gián tiếp thông qua một quỹ đầu tư.

Nhà nước sẽ thu về một lượng lớn ngoại tệ phục vụ các nhu cầu, trong đó đáp ứng việc thâm hụt cán cân thương mại. Việc thiếu hụt ngoại tệ đáp ứng nhu cầu nhập siêu buộc Ngân hàng Nhà nước bán ra lượng ngoại tệ này.

Khi những khoản dự trữ này vơi đi, nhà đầu tư này sẽ tiến hành một nghiệp vụ rất bình thường là thực hiện lệnh mua kỳ hạn ngoại tệ ở nhiều ngân hàng và tiến hành bán ra lượng cổ phiếu này trên thị trường chứng khoán, gây bất ổn cho tỉ giá.

Do đó, room cần được xem xét trong vấn đề của sự bất ổn của dòng vốn hơn là một giải pháp cho việc thoái vốn nhà nước trong 
các doanh nghiệp.

Hải Đăng (ghi)

 

Theo V.V.Thành

Tuổi Trẻ

Trở lên trên