MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán lẻ - cơ hội trở lại với nền kinh tế Việt Nam?

Bán lẻ vẫn là ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt, giúp duy trì khả năng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Ngành bán lẻ chiểm vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Sự phục hồi tăng trưởng của ngành bán lẻ trong tương lai sẽ là điểm sáng cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo do tiêu dùng cuối cùng chiếm tỉ trọng khá lớn trong tổng sản phẩm quốc dân (trung bình khoảng 66% của GDP trong 10 năm qua).

Hình 1: Cơ cấu GDP theo tiêu dùng

Nguồn: GSO, VCSC

Ngành bán lẻ đã trải qua năm 2011-2012 đầy khó khăn. Gần đây Việt Nam rớt khỏi nhóm 30 thị trường bán lẻ tiềm năng nhất theo các đánh giá của các tổ chức nước ngoài với lý do môi trường lạm phát cao và suy giảm tăng trưởng kinh tế làm cho chi tiêu của người dân bị giảm mạnh. Thêm vào đó, lãi suất huy động liên tục duy trì ở mức cao (14% trong năm 2011), thậm chí đôi lúc cao hơn trần huy động do NHNN quy định đã khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu, làm giảm sức mua của ngành tiêu dùng. Thực tế, việc giảm tăng trưởng doanh thu bán lẻ (chiếm 79% trong tổng doanh thu bán lẻ) chính là nguyên nhân chính làm giảm tăng trưởng của toàn ngành trong khi tăng trưởng du lịch và các dịch vụ khác vẫn được duy trì ổn định.

Tuy nhiên, bán lẻ vẫn là ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt, giúp duy trì khả năng tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Hiện tại, Việt Nam vẫn là một quốc gia có dân số trẻ với 66% dân số trong độ tuổi lao động (16-60 tuổi), đảm bảo duy trì năng lực tiêu dùng cho toàn quốc gia. Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh của nền kinh tế mới nổi (kỳ vọng 7% GDP trong dài hạn) cũng góp phần tăng nhanh năng lực mua sắm của người dân. Tăng trưởng dân số ổn định ở mức 1,1% cũng góp phần đảm bảo cho việc phát triển của tổng cầu trong dài hạn.

Thực tế, mặc dù tăng trưởng mạnh trong những năm qua, ngành bán lẻ của Việt Nam vẫn còn non trẻ với sự thiếu vắng của các cửa hàng bán lẻ tên tuổi, có quy mô lớn và có tổ chức chuyên nghiệp như Carrefour, Wal-mart, Best buy, Mc Donald’s, Starbuck, v.v. Bên cạnh đó, mặt hàng tiêu dùng chưa phong phú, chưa có sự suất hiện của các thương hiệu đại trà và tên tuổi lớn cũng cho thấy khả năng tăng trưởng của ngành này trong tương lai vẫn còn rất lớn.

Bằng chứng cho thấy là mặc dù trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn quyết định mở rộng quy mô và mạng lưới hoạt động để tăng thị phần trong ngành bán lẻ non trẻ đón đầu nhu cầu trong tương lai. Theo thống kê của bộ công thương, trong năm 2011, số lượng siêu thị tăng 12,52% so với 2010 lên tới 638 cửa hàng, trong khi số trung tâm thương mại tăng 23,15% lên 117 trung tâm thương mại. Trong 5 năm qua, số siêu thị mở mới tăng 20% so với giai đoạn 2002-2006 trong khi việc mở rộng trung tâm thương mại tăng 70% với sự góp mặt của nhiều tên tuổi phổ biến ở Việt Nam như Coop Mart (thêm 8 cửa hàng), Big C (thêm 13 cửa hàng), và Parkson (thêm 7 cửa hàng).

Ngoài ra, với tăng trưởng thực đang ở mức cao so với các quốc gia khác trong khu vực (Philippine) cùng với tiềm năng tăng trưởng lớn, Việt Nam vẫn đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài, tăng khả năng phát triển của ngành trong tương lai. Trong năm qua có nhiều tên tuổi lớn đã đăng ký và triển khai kinh doanh ở Việt Nam như Giant (Mỹ), E-mart (Hàn Quốc), Jusco (Nhật Bản), Burger King (Mỹ). Trong khi đó, những tên tuổi lớn khác như McDonald’s và Starbuck tiếp tục đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng và là nơi họ sẽ mở chuỗi cửa hàng trong 1-2 năm tới để không đánh mất cơ hội vào tay đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra còn nhiều thương hiệu khác vẫn tiếp tục tiến hành mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa của mình với kì vọng chiếm được thị trường 89 triệu dân.

Hình 2: Tăng trưởng thực doanh thu bán lẻ của Viet Nam và Philippine

Nguồn: GSO, VCSC

Tín hiệu đáng mừng - tăng trưởng thực của doanh thu bán lẻ tiếp tục cải thiện trong tháng 8. Tuy tăng trưởng danh nghĩa của doanh thu bán lẻ tiếp tục giảm nhẹ trong tháng 8, xuống còn 17,9% từ mức 18,7% trong tháng 7, tăng trưởng thực của ngành tiếp tục giữ vững, nhích nhẹ lên 6,8% so với 6.7% trong tháng 7. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp doanh thu bán lẻ có cải thiện tốt xét về tăng trưởng thực. Điều này một phần nhờ tình trạng lạm phát được kiềm chế tốt trong khi nhu cầu tiêu dùng của người dân vẫn duy trì ổn định nhờ lực lượng dân số trẻ và lao động dồi dào. Việc nới lỏng chính sách thuế cùng với những gói kích thích kinh tế phần nào cũng cải thiện kỳ vọng của người dân về thu nhập trong tương lai, khuyến khích tăng tiêu dùng cá nhân.

Hình 3: Lạm phát và tăng trưởng doanh thu bán lẻ

Nguồn: GSO, VCSC

Việc tăng trưởng thực của doanh thu bán lẻ được cải thiện liên tiếp các tháng gần đây cho thấy Việt Nam đang dần bước qua giai đoạn khó khăn nhất.

Hình 4: Tăng trưởng từng lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ


Như vậy, với tiềm năng lớn của ngành bán lẻ, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng của ngành này trong thời gian tới sẽ có những bước cải thiện đáng kể đặc biệt là với việc phục hồi niềm tin của người tiêu dùng trước suy giảm lạm phát và nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các chính sách vĩ mô.

Hình 5: Tăng trưởng bán lẻ tương quan với tăng trưởng GDP


Nguồn: GSO, VCSC

thanhhuong

VCSC

Trở lên trên