MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị: Tụt 15 hạng PCI là hồi còi báo động

Phải có chế tài để xử lý nghiêm hiện tượng tiêu cực, “bôi trơn”.

“Trong khi bộ máy hành chính ở cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực thì công tác cải cách hành chính (CCHC) của các sở, ngành lại chậm chạp, yếu kém, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp (DN)” - ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội, nhận xét như vậy tại Hội nghị giao ban các quận, huyện, sở ngành của Hà Nội về công tác CCHC ngày 28-3. Hội nghị này được tổ chức không lâu sau khi Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam VCCI công bố chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) năm 2012 của thủ đô tụt 15 hạng so với năm ngoái và gần đứng chót bảng (51/63).

Nhiều tiêu chí đứng ở hạng đáy

Giám đốc Sở KH&ĐT TP Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết: Theo công bố kết quả điều tra của VCCI mới đây, chỉ số PCI năm 2012 của Hà Nội xếp thứ 51/63, giảm 15 bậc so với năm 2011. Trong đó có những tiêu chí đứng ở hạng đáy cả nước như: Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước xếp thứ 54/63; chi phí không chính thức (chi phí tiêu cực mà DN phải chi trả để được giải quyết thủ tục) đứng thứ 56/63, giảm sáu bậc; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo xếp thứ 61/63, tụt bảy bậc; chỉ số tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất xếp thứ 63/63, giảm bốn bậc…

Theo ông Quý, việc CPI năm 2012 của Hà Nội tụt hạng cho thấy môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực CCHC của Hà Nội qua cảm nhận của các DN trên địa bàn “không mấy sáng sủa”. Ngoài những nguyên nhân khách quan như khối lượng công việc nhiều, vướng mắc do các quy định, văn bản chồng chéo… thì việc các cơ quan hành chính của Hà Nội chưa vào cuộc quyết liệt, một bộ phận cán bộ năng lực kém, có biểu hiện nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, DN… đã khiến PCI năm 2012 của Hà Nội rớt hạng thê thảm.

Báo cáo, đánh giá về công tác CCHC của Hà Nội thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng nhìn nhận: “Phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức (CBCC), viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Còn biểu hiện sách nhiễu, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là những việc khó, nổi cộm, bức xúc”.

Lãnh đạo TP cũng bị "ngâm"

Trước hiện trạng trên, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội Phạm Quang Nghị cảnh báo: “Đây là hồi còi báo động để Hà Nội phải chấn chỉnh kỷ cương hành chính, chấn chỉnh tác phong, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ CBCC”.

Theo ông Nghị, những tồn tại, hạn chế trong vận hành bộ máy hành chính phục vụ nhân dân của Hà Nội đang gặp nhiều lực cản, nghiêm trọng hơn là lực cản đó đến từ chính đội ngũ CBCC. “Nhiều năm qua Hà Nội đã dồn sức lực, kinh phí để CCHC, trong khi bộ máy hành chính cơ sở đã có những chuyển biến tích cực với cơ chế một cửa, một cửa liên thông, được nhân dân đánh giá cao thì việc giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban ngành thuộc TP lại chậm chuyển biến.

Thậm chí chính các quận, huyện cũng kêu gặp vướng mắc khi đụng phải các sở, ngành” - ông Nghị nói và dẫn chứng mới đây chính Sở Ngoại vụ và Văn phòng UBND TP đã “ngâm” tới một tháng thư chúc mừng lễ quốc khánh của nước bạn tới TP khiến lãnh đạo TP “cực kỳ bị động” trong việc cảm ơn nước bạn...

“CCHC là xóa bỏ lực cản của bộ máy, trong đó có lực cản đến từ cơ chế chính sách, có lực cản đến từ đội ngũ cán bộ. Văn bản, giấy tờ, quy trình thủ tục chỉ là vật chết, phải có con người thực hiện mới vận hành được. Vì thế tư tưởng, thái độ, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ phải chuyển biến thì công tác CCHC mới thực sự chuyển biến” - ông Nghị phân tích.

Theo đó, ông Nghị yêu cầu toàn bộ máy hành chính các cấp của Hà Nội phải vào cuộc quyết liệt, đưa ra các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể nhằm CCHC. Trong đó phải có chế tài để xử lý nghiêm hiện tượng tiêu cực, bôi trơn, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và DN.

Theo Trọng Phú

cucpth

Phapluat TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên