MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Biên chế kiểm toán Nhà nước bằng bệnh viện Bạch Mai thì làm được gì?"

Cần nâng cao hơn nữa vai trò hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và tăng cường giám sát, chịu trách nhiệm của cơ quan này.

Đó là những khuyến nghị của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về công tác nhiệm kỳ của Quốc hội và Kiểm toán Nhà nước ngày 28/3.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), cho rằng hiện nay giá trị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước chưa rõ ràng là điều rất đáng lo ngại. Cũng bởi: "Có những vấn đề kiểm toán, chúng ta làm rất tốt nhưng có những cuộc kiểm toán vừa làm xong thì thanh tra vào lại xuất toán, có những đợt chúng ta vừa kiểm toán xong thì giám đốc bị bắt, vậy trách nhiệm của kiểm toán như thế nào, vấn đề này phải được làm rõ”.

Đai biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội thì thẳng thắn chỉ ra thực trạng là đội ngũ kiểm toán Nhà nước hiện nay rất mỏng, nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Dẫn đến, mặc dù báo cáo nhiệm kỳ của Kiểm toán Nhà nước cho thấy mỗi năm kiểm toán được 40-50% báo cáo giám sát. Đại biểu Tiên nhận xét: “Bao vấn đề ngổn ngang như vậy mà đầu việc kiểm toán Nhà nước đảm đương trong 1 năm quá ít”.

“Hỏi đồng chí Tổng kiểm toán Nhà nước tôi được biết, biên chế kiểm toán Nhà nước năm 2015 ăn lương hiện giờ là 1.800 người, bằng biên chế Bệnh viện Bạch Mai... Chừng ấy người mà nắm giữ trọng trách kiểm soát ngân sách quốc gia thì có làm được không?”- ông Tiên trăn trở

Do đó, cần xem xét và điều chỉnh ngay đội ngũ cán bộ của Kiểm toán nhà nước, nếu không rất khó để cơ quan này hoạt động hiệu quả. Ông dẫn chứng là từ năm 2017 Việt Nam vay vốn ODA ngày càng khó khăn hơn, chi phí cao hơn. Nên nếu kiểm toán hoạt động không hiệu quả thì rất đáng lo ngại.

Vị đại biểu trên thẳng thắn nói: “Chúng ta cứ vay rồi sử dụng không hiệu quả thì rất gay go. Kiểm toán Nhà nước phải thể hiện được năng lực của mình là người kiểm soát “tay hòm chìa khoá” quốc gia”.

Cùng chung nỗi lo trên, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cũng băn khoăn khi mà thực tế bức tranh nợ công đang tiến sát trần, đầu tư công ngày càng “phình” ra nhưng bóng dáng của Kiểm toán Nhà nước lại chưa được đậm.

“Đánh giá lịch sử 21 năm của Kiểm toán Nhà nước thì tỷ lệ kiến nghị kiểm toán về ngân sách chỉ được 55%; 5 năm qua tỷ lệ này là 60%... Dù là 55% hay 60% thì cũng không đạt yêu cầu”- ông Hùng thẳng thắn nói.

Nguyên nhân được ông Hùng thẳng thắn chỉ ra, đó là do ý thức thực thi pháp luật tại một số bộ, ngành chưa cao. Hai là chưa có chế tài mạnh xử lý các tổ chức, cơ quan không thực hiện nghiêm túc kiến nghị của Kiểm toán. Vì vậy, Đại biểu này kiến nghị cần có thêm chế tài đủ mạnh, ưu tiên kiểm toán những vấn đề cử tri quan tâm như nợ công, ngân sách…

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) thì chỉ ra nghịch lý là con số mà Chính phủ báo cáo trước Quốc hội thường “vênh” so với Kiểm toán Nhà nước công bố. Đơn cử như bội chi ngân sách năm vừa qua, Quốc hội bấm nút thông qua vào năm trước nhưng sang năm sau, con số lại tăng vọt lên.

“Như năm nay bội chi lên 6,1% thì ai chịu trách nhiệm, ta bấm nút thông qua thì giờ ai chịu trách nhiệm và cho thấy sử dụng tài liệu kiểm toán có vấn đề. Cần phối hợp tốt báo cáo kiểm toán nhà nước và đại biểu Quốc hội” – Đại biểu Kiên đề nghị.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: “Kiểm toán đã làm hết trách nhiệm của mình chưa? Hay kiểm toán xong thì để đấy?”. Bởi có nhiều trường hợp, kiểm toán rồi nhưng vẫn phát hiện sai phạm, nên cần “truy” trách nhiệm cụ thể của kiểm toán trong từng vụ việc, chứ không thể “sống chết mặc bay”.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng đề nghị: "Đánh giá từ khi công tác kiểm toán Nhà nước đi vào nề nếp thì tỷ lệ thu hồi sau kiểm toán thực hiện như thế nào? Phần còn lại chưa được thực hiện sau báo cáo kết quả kiểm toán thì như thế nào? Phải đi tới cùng, nếu không cũng chỉ là câu chuyện hình thức".

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên