MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ Tài chính không “ngây thơ” bỏ qua những cục vàng Sabeco?

Từ vụ việc yêu cầu truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế từ Sabeco, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng Bộ Tài chính sẽ không có lý do gì để dừng lại. Nhiều ông lớn khác cũng có thể sẽ vào “tầm ngắm” trong thời gian tới.

TS. Lê Đăng Doanh
TS. Lê Đăng Doanh
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)
76 bài viết
  • Giá vàng trong nước tăng cao bất thường so với thế giới mang lại siêu lợi nhuận cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Trong lúc này, cơ quan chức năng quản lý việc kinh doanh vàng như Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc kiểm tra, lành mạnh thị trường kinh doanh vàng trong nước
  • Có vốn nhưng không giải ngân được, bị "ngâm" quá lâu thì sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp bách của chương trình phục hồi và phát triển trong 2 năm 2022-2023

Những tranh cãi về vụ việc Tổng Công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) tiếp tục nóng lên khi doanh nghiệp này chính thức có phản hồi và khẳng định, không làm trái các quy định của Luật. Không những vậy, Sabeco còn đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ có buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính để xử lý dứt điểm việc kiến nghị thu và hồi tố, cũng như hướng dẫn việc kê khai nộp thuế cho năm 2014 và các năm tiếp theo.

Cơ quan quản lý cần “sòng phẳng”?!

Bởi theo Sabeco, nếu nộp thuế bổ sung Thuế tiêu thụ đặc biệt như kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước là chưa phù hợp với quy định hiện hành, làm ảnh hưởng tới kết quả phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp. Việc truy thu thuế cũng rất khó thực hiện do thay đổi phương pháp tính thuế, Sabeco phải điều chỉnh lại giá mua kể cả việc hồi tố từ năm 2008, trong khi doanh nghiệp đã chia cổ tức cho cổ đông.

Sabeco cũng cho biết, hiện Tổng công ty không biết áp dụng văn bản nào để tính thuế Tiêu thụ đặc biệt, cũng như không biết áp dụng quy trình nào để tính thuế, kê khai nộp thuế theo đúng quy định. Do đó, với các tính thuế thay đổi và yêu cầu thu hồi thuế như vậy, doanh nghiệp này cho rằng sẽ làm mất sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, kéo dài việc cổ phần hóa.

Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho rằng Sabeco đã làm đúng quy định của luật tại thời điểm trước. Cũng bởi, đây là doanh nghiệp lớn nên không thể bán trực tiếp cho các đại lý bán lẻ, mà phải thông qua hệ thống phân phối bán buôn. Do đó, lập luận của cơ quan kiểm toán là dựa trên giá bán ra của các công ty thương mại – là đơn vị bán hàng ra khỏi hệ thống của Sabeco, trong khi quy định trước đây tính theo giá của nhà sản xuất, là không phù hợp.

“Tôi nghĩ Sabeco không chủ ý làm sai, không có gì khuất tất để mà trốn tránh pháp luật. Vì nếu đánh thuế như vậy, giá bia đội lên 10% thì người uống bia chịu chứ doanh nghiệp không chịu. Giờ kiểm toán nói doanh nghiệp làm thế là sai và đề nghị cơ quan (PV-Bộ Tài chính) thay đổi quy định, thì cần phải thay đổi quy định trước đã, rồi mới kết tội doanh nghiệp. Chứ lập luận phát hiện ra là có lỗ hổng và đồng thời kết tội, thì điều đó là chưa thỏa đáng. Ai làm cũng cần phải có sự sòng phẳng và làm đúng quy định pháp luật”, TS. Doanh bình luận.

 

Hệ thống các công ty con phân phối bia theo khu vực của Sabeco.  Sabeco sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn. Công ty Thương mại Bia Sài Gòn sở hữu từ 90-94% cổ phần của các công ty kinh doanh bia tại các các khu vực
Hệ thống các công ty con phân phối bia theo khu vực của Sabeco. Sabeco sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn. Công ty Thương mại Bia Sài Gòn sở hữu từ 90-94% cổ phần của các công ty kinh doanh bia tại các các khu vực

Quả đắng từ luật?

Trong khi đó, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia về tài chính kinh tế thì lại cho rằng, Sabeco đang có “ý đồ” khi doanh nghiệp này lập ra nhiều công ty con để giảm số thuế phải nộp. Vị chuyên gia này cũng không đồng tình với quan điểm của Sabeco khi cho rằng, không thể thực hiện truy thu thuế do đã chia cổ tức cho cổ đông. Cũng bởi, trường hợp nếu có vi phạm về thuế, thì doanh nghiệp phải tái nộp lại bằng chính lợi nhuận của năm tới theo quy định của luật.

TS. Long cũng khẳng định, kết luận của cơ quan kiểm toán được đưa ra chắc chắn phải dựa trên các văn bản quy định hiện hành, chứ không phải vô cớ. Song, nút thắt lớn hiện nay trong vụ việc này theo TS. Long, chính là những bất cập trong quy định hiện hành và lỗ hổng trong quản lý thuế của cơ quan thuế. Điều này khiến cho vụ việc này phức tạp và còn gây nhiều tranh cãi.

Cũng bởi, trong quá trình thanh tra và quyết toán thuế từ những năm trước, lẽ ra cơ quan thuế phải phát hiện ra những sai phạm này. Ông Long cho rằng đây chính là “lỗi” của cơ quan thuế khi hàng năm đều có quyết toán thuế nhưng lại “bỏ qua” những trường hợp như Sabeco. Bên cạnh đó, những văn bản luật hiện nay cũng chưa rõ ràng, không đầy đủ và thiếu thống nhất, dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau.

“Về lý thì Luật thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào khâu sản xuất, nhưng trong thông tư hướng dẫn lại đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Dẫn đến những quan điểm tranh cãi về giá tính thuế là giá nào, giá bán buôn, bán lẻ? Đó chính là bất cập trong quy định của mình, khi thông tư, văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, nên hiểu thế nào cũng được. Song tôi tin trong trường hợp này kiểm toán kết luận như vậy là họ đã có căn cứ, cơ sở”, TS. Long nói.

Theo các chuyên gia, để đảm bảo tính công bằng cho doanh nghiệp và hiệu quả trong quản lý thuế, việc thay đổi cách tính thuế cần được lấy ý kiến rộng rãi. Nhìn từ trường hợp Sabeco, nếu việc truy thu thuế được thực thi thì có thể đây sẽ là “tiền lệ” cho hàng loạt các doanh nghiệp khác, song lại không đảm bảo tính thuyết phục, khi quy định của luật chưa rõ ràng.

Do đó, TS. Doanh cho rằng cần đưa vấn đề này ra Quốc hội lấy ý kiến, để đảm bảo sự “sòng phẳng”. Đồng thời phải đối chiếu với thông lệ quốc tế cho phù hợp, khi sắp tới Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, mà các quy định không rõ ràng và thiếu phù hợp, chính doanh nghiệp và người dân sẽ phải trả giá.

Cẩm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên