Bộ Tài chính: Nợ công chiếm 61,3%GDP, vẫn đảm bảo chi trả nợ đúng hạn
Mặc dù nợ công đã lên tới mức 61,3%GDP song Bộ Tài chính khẳng định vẫn đảm bảo chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi trong phạm vi dự toán.
- 23-12-2015Thủ tướng trả lời chất vấn về nợ công
- 14-12-2015Cử tri Hà Nội lo gánh nặng nợ công đến đời con cháu
- 30-11-2015Sau “hoàng hôn nhiệm kỳ” là núi nợ công
Tại Hội nghị Tổng kết của ngành Tài chính diễn ra chiều 30/12/2015, đại diện Bộ Tài chính cho biết vẫn thường xuyên theo dõi đánh giá mức an toàn nợ công, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Theo đó, để tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02 và trình Quốc hội phê duyệt phát hành tối đa 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế trong 2 năm 2015-2016 để cơ cấu lại nợ trong nước của Chính phủ.
Hiện Bộ Tài chính đang theo dõi diễn biến thị trường, thực hiện phát hành tại thời điểm thích hợp, đảm bảo lợi ích quốc gia. Chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng trả nợ.
Cụ thể như tăng phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài (kỳ hạn bình quân tăng từ 4,8 năm trong năm 2014 lên 7,12 năm trong năm 2015); giảm lãi suất trái phiếu phát hành (giảm khoảng 0,47% so năm 2014). Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đối với nợ của chính quyền địa phương.
Dự kiến dư nợ công đến hết năm 2015 khoảng 61,3%GDP, nợ Chính phủ khoảng 48,9%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 41,5%GDP. Bộ Tài chính khẳng định vẫn đảm bảo các chỉ tiêu nợ trong giới hạn cho phép, không tác động lớn đến kinh tế vĩ mô.
Về công tác huy động vốn, yêu cầu nhiệm vụ năm 2015 là rất lớn (436 nghìn tỷ đồng, tăng 35 nghìn tỷ đồng so với năm 2014). Trong bối cảnh tình hình thị trường vốn chưa thực sự thuận lợi khi tỷ giá ngoại tệ tăng, các tổ chức tài chính như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đang trong quá trình tái cơ cấu.
Đặc biệt phải phải thực hiện yêu cầu chỉ phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm trở lên theo Nghị quyết của Quốc hội. Đây là thách thức lớn, trong điều kiện thị trường trái phiếu trong nước quy mô còn nhỏ, chưa phát triển.
Trên cơ sở kế hoạch vay, trả nợ năm 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính cho biết đã đưa ra các giải pháp huy động vốn (đa dạng hóa các loại trái phiếu, cải tiến phương thức phát hành).
Đồng thời báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho phép đa dạng hóa kỳ hạn trái phiếu nhằm tăng khả năng huy động vốn và giảm lãi suất phát hành. Sau khi được chấp thuận của Quốc hội, đã phát hành thêm trái phiếu kỳ hạn 3 năm. Nhờ đó, đã hoàn thành nhiệm vụ phát hành trái phiếu Chính phủ được giao, đảm bảo nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách và đầu tư các dự án.