Bộ Tài chính: Vẫn còn đơn vị chưa giảm giá cước hoặc giảm chưa phù hợp với biến động giá xăng dầu
Hầu hết các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước, mức giá kê khai tương đối phù hợp với biến động chi phí đầu vào, yếu tố giảm giá nhiên liệu và tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải.
- 10-02-2015Hà Nội siết chặt quản lý giá cước vận tải
- 08-02-2015Quản lý giá vận tải: Cuộc "rượt đuổi" giữa giá xăng và giá cước vận tải
- 05-02-2015Vô vàn lý do hoãn giảm giá cước
Nội dung nổi bật:
- Trong tháng 11/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác liên ngành Tài chính - Giao thông vận tải kiểm tra tình hình thực hiện quản lý giá cước.
- Tính từ ngày 18/07/2015 đến thời điểm ngày 21/01/2015, giá xăng đã giảm 38,9%; giá dầu giảm 33,1%.
- Tỷ lệ giảm giá của các doanh nghiệp vận tải ô tô có sự khác nhau do tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong giá thành khác nhau.
Chiều nay (11/2), Bộ Tài chính đã có thông báo chính thức về việc điều chỉnh giá cước vận tải sau nhiều đợt kiểm tra liên ngành.
Theo đó, trong tháng 11/2014, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập 3 đoàn công tác liên ngành Tài chính - Giao thông vận tải kiểm tra tình hình thực hiện quản lý giá cước, đánh giá tác động giá xăng dầu đến giá cước vận tải tại một số địa phương.
Kết quả đến hết tháng 12/2014, giá cước vận tải bằng ô tô đã điều chỉnh giảm 1 đợt; giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm từ 0,92%-26,32%, giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm từ 3-21,7%.
Tiếp sau đó, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra công tác quản lý và thực hiện giá cước vận tải tại 4 tỉnh, thành phố (Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nội, Cần Thơ).
Với việc triển khai đồng bộ công tác kiểm tra tình hình thực hiện quy định về quản lý giá cước, các đơn vị kinh doanh vận tải đã tính toán phương án giảm giá cước. Tuy nhiên, không chỉ có văn bản kịp thời chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, mà ngay trong tháng 1/2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo thành lập 3 Đoàn kiểm tra bình ổn giá dịp tết, trong đó có kiểm tra về kê khai giá cước, giảm giá cước vận tải tại 15 tỉnh thành phố.
Mặt khác, để kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc thực hiện kê khai giảm giá cước, Bộ trưởng Bộ tài chính thành lập bổ sung 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại 40 đơn vị kinh doanh vận tải tại các địa phương có lượng hành khách sử dụng taxi và các tuyến vận tải cố định bằng ô tô lớn tại 3 khu vực Miền Bắc (Tp. Hà Nội); miền Trung (Tp. Đà Nẵng); miền Nam (gồm: Tp.HCM, tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai).
Kết quả kiểm tra như sau:
Tính từ ngày 18/07/2015 đến thời điểm ngày 21/01/2015, giá xăng đã giảm 38,9%; giá dầu giảm 33,1%.
Giá xăng, dầu giảm đã tác động đến giảm giá cước của các đơn vị kinh doanh vận tải, tỷ lệ giảm giá của các doanh nghiệp vận tải ô tô có sự khác nhau do tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong giá thành (cơ cấu giá cước vận tải đối với xăng chiếm từ 25-35% giá thành-chủ yếu là taxi, dầu chiếm khoảng 35-40% -chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa, ngoài ra còn các chi phí khác như chi phí khấu hao, nhân công…).
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các đơn vị được kiểm tra chấp hành đầy đủ quy định về niêm yết giá vé tại nơi bán vé và trên phương tiện theo đúng quy định.
Hầu hết các đơn vị được kiểm tra đã thực hiện kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước, mức giá kê khai tương đối phù hợp với biến động chi phí đầu vào, yếu tố giảm giá nhiên liệu và tỷ trọng chi phí nhiên liệu trong giá thành vận tải.
Tuy nhiên, vẫn còn có những đơn vị kê khai với tỷ lệ giảm giá còn thấp hoặc còn có đơn vị kinh doanh vận tải tuyến cố định chưa điều chỉnh giảm giá.
Theo đó, đối với các đơn vị kê khai giá với mức giảm giá chưa phù hợp với biến động giảm giá xăng dầu và chi phí đầu vào, Bộ Tài chính có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính địa phương có văn bản yêu cầu các đơn vị này tiếp tục thực hiện kê khai giảm giá.
>>>Vì sao chưa công bố kết quả kiểm tra giá cước vận tải?
Trang Anh