MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: “Không cải cách, Việt Nam có nguy cơ tụt hậu xa hơn”

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, hiện nay là thời điểm vàng để Việt Nam tiến hành những cải cách mạnh mẽ. Nếu bỏ qua thời cơ này, Việt Nam có thể rơi vào nguy cơ tụt hậu xa hơn, rơi vào bẫy thu nhập trung bình...

Góp mặt tại Lễ công bố Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội sáng 23/2, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh đã có bài phát biểu ấn tượng liên quan tới những cải cách mà Việt Nam cần phải làm nếu không muốn nguy cơ tụt hậu xa hơn.

Mở đầu bài trình bày của mình, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn, Việt Nam hiện vẫn là một nước nghèo, chúng ta chưa bằng lòng, thoả mãn với những gì đạt được nhất là trong tương quan với các nước bên cạnh có cùng điều kiện.

Nếu đầu thế kỷ 19 (năm 1820) Việt Nam đã có một vị trí rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như quy mô về kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myamar cộng lại; gấp hơn 1,5 lần so với Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới.

Năm 2014 thu nhập bình quân đầu người của VN chỉ bằng hơn 1/5 mức trung bình thế giới, chỉ bằng hơn 1/3 thu nhập bình quân đầu người của Thái Lan và hơn 1/5 thu nhập của Malaysia.

“Tuy mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng nêu qua con số như vậy để thấy hiện nay yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước đối với Việt Nam ngày càng cấp bách hơn bao giờ hết” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh lo lắng về nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình nếu Việt Nam không cải cách mạnh mẽ.

Đưa ra dẫn chứng cho yêu cầu “đòi hỏi phải đổi mới”, người đứng đầu Bộ KHĐT chỉ ra rằng, chỉ 10 năm nữa Việt Nam sẽ qua thời kỳ dân số vàng. Cùng với đó, những dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, khai thác tài nguyên khoáng sản .... không còn nhiều lợi thế.

“Việt Nam đang hội nhập sâu hơn, chấp nhận hội nhập là chấp nhận cạnh tranh. Vì thế, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ là yếu tố sống còn. Việt Nam phải đổi mới hơn nữa nếu không muốn tụt hậu lại phía sau và rơi vào bẫy thu nhập trung bình” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn.

Nêu cụ thể 3 trụ cột phát triển được đề cập trong báo cáo Việt Nam 2035, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, để Việt Nam có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới với mức tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm bằng 7% (tương đương GDP 8%/năm), mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.0000 – 18.000 USD thì con đường duy nhất là tăng năng suất lao động, yếu tố mà Việt Nam đang rất yếu.

“Lao động trong khu vực phi chính thức cao hơn nhiều so với chính thức, hơn 44% lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp – nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường, chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính...” – Bộ trưởng Vinh nêu rõ.

Ngoài yếu tố năng suất lao động thì nhiệm vụ trước mắt là phải nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả cho các DN tư nhân trong nước bằng cách củng cố nền tảng kinh tế thị trường, bởi sức khoẻ của DN trong nước chính là sức khoẻ của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Nhà nước phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi... nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ trong khối doanh nghiệp.

Đề cập tới trụ cột thứ 2 về công bằng và hoà nhập xã hội, ông Vinh nhấn mạnh, sự phát triển nhanh vận động theo quy chế thị trường sẽ tạo ra sự gia tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Vì thế, bên cạnh chính sách phát triển phải đưa ra chính sách đảm bảo sự công bằng cho mọi đối tượng, nhất là đối tượng nghèo trong xã hội.

Cuối cùng, trụ cột thứ 3 được đề cập trong báo cáo Việt Nam 2035 và cũng là trụ cột quan trọng nhất được “tư lệnh” ngành kế hoạch nhắc tới, đó là nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.

Theo ông, năng suất trì trệ hiện nay và môi trường yếu kém cho khu vực tư nhân phát triển là do Nhà nước còn thiếu hiệu quả, thiếu sự giám sát của người dân.

Bộ trưởng Bộ KHĐT cảnh báo: “Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn, nhưng thách thức và khó khăn cũng không ít. Lựa chọn duy nhất của Việt Nam hiện giờ là cải cách dựa trên các trụ cột trên. Không thực hiện được những cải cách đó, chúng ta không thể khai thác cơ hội, không thể vượt qua thách thức và nguy cơ tụt hậu xa hơn, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình sẽ khó tránh khỏi”.

Theo Nguyễn Hoài

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên