MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Kiên trì điều hành giá theo thị trường

Giá cả thế giới tăng thì có tác động đến giá cả trong nước ở hai mặt: bất lợi do Việt Nam nhập siêu cao, có lợi do Việt Nam cũng là một nền kinh tế xuất khẩu lớn.

Chỉ số giá tiêu dùng từ cuối năm 2010 đến nay liên tục tăng cao. Nguyên nhân của nó đến từ các yếu tố khách quan và chủ quan. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã làm rõ các yếu làm tăng CPI trong 3 tháng đầu năm 2011 trong phiên thảo luận sáng 26/3 tại Quốc Hội.

Thứ nhất, tình hình 3 tháng đầu năm thế giới vẫn tình hình phức tạp và giá vẫn tiếp tục tăng cả lương thực, nguyên nhiên vật liệu đều tăng. Lương thực vẫn tăng 4,3% và năng lượng xăng, dầu tăng từ 15 dến 20%, tức là tăng tương đối nhanh. Đặc biệt sau khi khủng hoảng ở Trung Đông, Châu Phi, thiên tai lũ lụt và động đất ở Nhật Bản tác động với giá dầu rất lớn.

Giá cả thế giới tăng thì có tác động đến giá cả trong nước ở hai mặt: vừa bất lợi do Việt Nam nhập siêu cao vừa có lợi cho nền kinh tế vì Việt Nam cũng là một nền kinh tế xuất khẩu lớn trong đó đặc biệt xuất khẩu hàng nông sản, lâm sản, thủy hải sản và dầu thô, cà phê, cao su, gạo.

Thứ hai, bản thân cân đối kinh tế vĩ mô ở trong nước cũng chưa vững chắc và dễ bị tổn thương, chất lượng của nền kinh tế chưa cao, cạnh tranh còn yếu, giá cả của các sản phẩm hàng hóa của chúng ta, đặc biệt cạnh tranh với Trung Quốc rất bất lợi. Nhập siêu vẫn còn lớn.

Việc bội chi và nợ công đang có xu hướng tăng. Việc giảm bội chi, tăng xuất khẩu, giảm nhập siêu phải có lộ trình và phải bắt nguồn từ chính sản xuất trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Hiện nay Việt Nam đang triển khai một cách tích cực nhưng để giảm nhanh là rất khó làm được.

Thứ ba, áp lực tăng chi vẫn còn rất lớn, nhu cầu đòi hỏi cao cả chi đầu tư và thường xuyên. Hiệu quả đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa thật cao. Nhiều công trình đang trong quá trình xây dựng chưa phát huy hiệu quả, lại phải đầu tư vào các vùng khó khăn để giải quyết các vấn đề xã hội, có ý nghĩa về xã hội, giải quyết an sinh nhưng phát huy về hiệu quả kinh tế thì thấp làm cho chỉ số ICO tăng cao.

Biến động của giá vàng, giá ngoại tệ trong thời gian qua, lãi suất còn cao, cân đối ngoại tệ căng thẳng.

Không thể kìm chế điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng

Về việc điều chỉnh giá cả tăng một số vật tư chủ yếu cùng một lúc, giá cả tác động dây chuyền nhiều vòng. Bộ trưởng cho biết, một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chưa đi theo giá thị trường đã kìm nén ổn định giá trong mục tiêu ngắn hạn cho nên đến nay đã gây ra bức xúc yêu cầu phải tăng giá. Do đó, theo Bộ trưởng: “nay phải điều chỉnh và không thể kìm chế được nữa”.

Hiện nay, than bán cho điện chỉ bán bằng 45-50% giá thị trường, trong khi đó điện lỗ lớn. Xăng dầu nhà nước không thu thuế 10.000 tỷ đồng, sử dụng quỹ bình ổn giá 6.400 tỷ đồng, tức là thực chất bù lỗ 16.400 tỷ dồng nhưng vẫn còn thấp hơn Lào và Campuchia, trước khi điều chỉnh thấp hơn Lào 8.000đ/lít, thấp hơn Campuchia 7.000đ/lít và thấp hơn Trung Quốc 6.200đ/lít. Từ đó dẫn đến việc hạch toán của nền kinh tế cũng còn rất méo mó đầu vào của một số sản phẩm;

Nạn bao cấp tràn lan, bao cấp cho cả các nước láng giềng; sử dụng lãng phí; không kêu gọi được đầu tư và dẫn đến cung cầu ví dụ như thiếu điện; xảy ra buôn lậu khá phức tạp cũng đã làm cho diễn biến giá cả của Việt Nam thêm phức tạp.

Ngoài ra, quản lý điều hành phối hợp giữa các ngành với các ngành, ngành với địa phương có lúc, có nơi chưa tốt, cân đối cung cầu hàng hóa về cơ bản là đảm bảo, trừ ngoại tệ. Hệ thống phân phối ở một số mặt hàng chưa tốt, nhiều khâu trung gian nên cũng làm tác động đến giá. Một số nơi triển khai chưa quyết liệt trong chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, kiểm soát giá cả v.v.... Những điều này tác động đến chung toàn nền kinh tế.

Quyết liệt thực hiện Nghị quyết 02 và Nghị quyết số 11

Về biện pháp xử lý sắp tới, Bộ trưởng cho rằng, vấn đề chung là phải quyết liệt thực hiện Nghị quyết 02 đầu năm và Nghị quyết số 11 của Chính phủ đã đề ra nhằm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Cụ thể:

Phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, đây là gốc của vấn đề.

Sắp xếp lại hệ thống phân phối, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành để sắp xếp lại hệ thống phân phối.

Kiên trì điều hành giá theo thị trường, chúng ta không thể kìm nén hơn được nữa.

Về giá xăng dầu, cần tiếp tục điều hành theo Nghị quyết 84 của Chính phủ và điều hành theo thị trường với tinh thần là nếu tình hình giá thế giới vẫn tiếp tục tăng thì vẫn phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong nước, giá thế giới giảm thì từng bước khôi phục lại thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và xem xét giảm giá bán trong nước.

Đảm bảo các chính sách an sinh xã hội cho người lao động, cho nhân dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp và lương thấp.

T. Sam
Theo Quốc Hội Việt Nam

quynhnn

Trở lên trên