MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bội chi để trả nợ?

Luật Ngân sách quy định bội chi chỉ dành cho đầu tư phát triển nhưng UB Tài chính–Ngân sách muốn dành một phần trong số đó để trả nợ. Đề xuất này không được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành.

Sáng mai, 25/10, mới là thời gian dành cho các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về ngân sách. Tuy nhiên, đề xuất của Chính phủ nâng mức bội chi ngân sách từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP trong năm 2014 được các đại biểu nhắc tới rất nhiều trong ngày hôm nay khi thảo luận về tình hình KT – XH.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Quốc hội cho phép bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP như đề xuất của Chính phủ. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban này còn đề nghị, khoản bội chi không chỉ dành cho chi đầu tư phát triển như quy định của Luật Ngân sách Nhà nước mà cần dành một phần chi trả nợ.

Thậm chí, có ý kiến đề nghị xem xét nâng mức bội chi cao hơn mức Chính phủ trình để bảo đảm bố trí đủ nguồn trả các khoản nợ của các năm trước và phản ánh đủ khoản đảo nợ.

Tuy nhiên, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) hết sức băn khoăn về việc trong các mục tiêu của tăng bội chi và phát hành trái phiếu Chính phủ lại có khoản để trả nợ vay. Ông cho rằng, không thể yên tâm khi chúng ta thu không đủ chi, nay phải đi vay để trả nợ. “Việc làm này có thể để lại hệ lụy trong thời gian dài. Bởi nợ sẽ tiếp tục tăng và lãi mẹ đẻ lãi con”, ông Khanh khuyến cáo. Hơn nữa, Luật Ngân sách nhà nước quy định vay nợ chỉ để chi cho đầu tư phát triển, chứ không liên quan đến trả nợ. Ông đề nghị Chính phủ giải trình rõ về vấn đề này để Quốc hội yên tâm biểu quyết.

Tương tự, đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) đề nghị Quốc hội phải cân nhắc kỹ đề xuất nâng bội chi. Trong trường hợp Quốc hội tán thành đề xuất của Chính phủ, ông Cường nhấn mạnh Quốc hội phải yêu cầu Chính phủ dành số bội chi này cho đầu tư phát triển. Nếu không, sẽ rất nguy hiểm khi tăng bội chi.

Trong phiên thảo luận tổ hôm nay, có khá nhiều ý kiến tán thành với đề nghị tăng bội chi ngân sách của Chính phủ. Hầu hết các ý kiến nhấn mạnh, nếu đồng ý tăng bội chi thì Quốc hội phải có ”điều kiện kèm theo” với Chính phủ là tập trung cho chi đầu tư phát triển với danh mục công trình cụ thể và có sự giám sát chặt chẽ.

Theo báo cáo của Chính phủ, mức bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ không vượt quá trần nợ công đến năm 2015 là 65%GDP. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đang có xu hướng tăng cao. Càng gần tới năm 2015 thì sức ép về thời hạn và cường độ trả nợ càng cao. ”Đề nghị Chính phủ có kế hoạch và giải pháp cụ thể bảo đảm chủ động trả nợ và báo cáo Quốc hội rõ hơn về vấn đề nợ công”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nói.

Tường Vy

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên