MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cải cách kinh tế Việt Nam: Hai bước tiến và một bước lùi

Báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 7 của HSBC vừa công bố đưa ra những phân tích chi tiết về quá trình tư nhân hóa cũng như các nỗ lực cải cách của Việt Nam trong nhiều năm qua.

Đặc biệt báo cáo đã xem xét vai trò của nhà nước trong đầu tư, sản lượng và các khu vực khác. Đồng thời đề cập đến các giải pháp để cải tổ đầu tư công, các công ty nhà nước và lĩnh vực ngân hàng.

HSBC đánh giá Việt Nam hầu như đã thành công trong việc tư nhân hóa các công ty nhà nước khi số lượng các công ty nhà nước giảm từ 12.000 năm 1996 xuống còn ít hơn 1.000.

Phần đóng góp của khu vực nhà nước trong GDP giảm xuống còn 32,2% trong năm 2013 từ mức 40% năm 1996.

Nhưng những kết quả này vẫn cho thấy con đường tư nhân hóa còn lòng vòng.

Phần đóng góp của khu vực nhà nước trong GDP giảm chủ yếu do hoạt động không hiệu quả dẫn tới tăng trưởng trì trệ hơn so với những khu vực hiệu quả hơn nhưc ác doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Phần lớn các công ty cổ phần hóa nhỏ, trong khi số lượng các công ty quốc doanh lớn vẫn chiếm phần áp đảo trong nền kinh tế. Các công ty hàng đầu của Việt Nam vẫn là các công ty nhà nước.

Phân tích về đầu tư công, HSBC kỳ vọng phần đầu tư của nhà nước sẽ tiếp tục giảm và các công ty quốc doanh không hiệu quả sẽ tạo điều kiện cho các công ty có năng suất cao hơn và khu vực kinh tế tư nhân được phát triển mạnh hơn.

Báo cáo cũng lo ngại về các khoản đầu tư nội địa lãng phí, chưa mang lại lợi ích đối với kế hoạch công nghiệp hóa đến năm 2020, điển hình là việc đầu tư vào nhiều công trình cảng biển nước sâu.

Tuy nhiên HSBC tin rằng cải cách đang được tiến hành để quản lý lại khu vực đầu tư công đang lãng phí. Các cải cách cũng phải giảm đầu tư của khu vực nhà nước, chừa chỗ cho các chi tiêu của chính phủ vào cơ sở hạ tầng có tính thiết thực hơn.

Nhưng cải cách một cách nhanh chóng cũng dẫn tới các chi phí chính trị cao. Từ góc độ nhà nước, trong ngắn hạn, có nhiều thứ để mất, từ doanh thu, sự ổn định chính trị, cho tới quyền sở hữu, và lại không có gì nhiều để bù lại.

Do đó, HSBC cho rằng cải cách ở Việt Nam đã được tiến hành với hai bước tiến và một bước lùi.

Một ví dụ rõ ràng là cải cách lĩnh vực ngân hàng.

Trong khi NHNN thành công trong việc xác định các ngân hàng yếu và mạnh, thúc đẩy sự sát nhập các ngân hàng yếu, mua nợ từ các ngân hàng, ổn định tiền đồng, và gia tăng dự trữ ngoại hối, thì lại chưa đủ độc lập để tiến hành cải cách nhằm giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực tài chính.

Ví dụ Thông tư 02 đã bị trì hoãn từ năm 2013 sang năm nay nhưng báo chí đã đưa tin các biện pháp chủ chốt sẽ được tiến hành để tránh gia tăng tỷ lệ nợ xấu.

Nhìn về tổng thể, cải cách lĩnh vực ngân hàng còn trì trệ với nợ xấu vẫn chưa được giải quyết.

“Sẽ còn có những sáp nhập mặc dù vẫn chưa có câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào việc sát nhập các ngân hàng yếu có thể tạo ra một ngân hàng mạnh…Nếu NHNN áp dụng một cách tiếp cận từtừ, thì vẫn còn chưa rõ làm thế nào Việt Nam có thể giải quyết vấn đề nợ xấu” – Báo cáo của HSBC viết.

Quá trình tư nhân hóa vẫn đang được tiếp tục với mục tiêu 432 doanh nghiệp nhà nước đến năm 2015. Nhiều thông tư và nghị định đã được ban hành nhằm hỗ trợ quá trình cổ phàn hóa và quản rị các công ty quốc doanh, bao gồm cả khả năng tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài lên 60%.

HSBC tin rằng Việt Nam đang đi đúng hướng để cải thiện quản trị, nâng cao năng lực thể chế và xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ thương mại và đầu tư, các cải cách sẽ diễn ra một cách từ từ trong 2 năm nữa bao gồm cả quá trình tư nhân hóa. Điều lạc quan nhất là chính phủ đang từng bước xây dựng một khung làm việc để tự do hóa nền kinh tế.

>>>Năm 2014: Làm gì để nền kinh tế hết “trầm cảm”?

Theo Anh Tuấn

cucpth

Bizlive

Trở lên trên