MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần mạnh tay truy trách nhiệm đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả

Với những trường hợp sử dụng vốn Nhà nước đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, sai mục đích, thì cần truy cứu trách nhiệm rõ ràng.

Nội dung nổi bật:

- Vụ việc nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí bị khởi tố và bắt tạm giam là bài học điển hình cho việc sử dụng vốn đầu tư ngoài ngành.

- Trên 19.000 tỷ đồng là số vốn đầu tư ngoài ngành phải thoái trong năm nay. Riêng lĩnh vực bất động sản, ngân hàng chiếm tới trên 12.000 tỷ đồng. Trong số này đâu là vốn sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích vẫn chưa được đánh giá đầy đủ.

- Các chuyên gia cho rằng với những trường hợp đầu tư kém hiệu quả, sử dụng vốn sai mục đích thì cần truy cứu trách nhiệm rõ ràng.


Vừa trở về trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, trực tiếp ký kết những văn bản hợp tác quan trọng, nên dư luận không khỏi bàng hoàng khi nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí (PVN) Nguyễn Xuân Sơn bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam. Song với những người trong cuộc, thì đây là câu chuyện không quá bất ngờ.

Theo một số phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Xuân Sơn bị bắt vì hàng loạt các sai phạm trong quá trình làm Tổng Giám đốc của Oceanbank, khiến PVN mất 800 tỷ đồng đầu tư vào ngân hàng này.

Quả đắng tất yếu?

Kết luận cuối cùng về trách nhiệm và sai phạm của vị này đến đâu, phải chờ thông tin từ cơ quan điều tra. Song nhiều chuyên gia cho rằng đây là hệ quả và cũng là bài học cảnh báo cho lãnh đạo các DN Nhà nước, khi đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, gây nên tình trạng thua lỗ trước đây.

Trao đổi với phóng viên, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cho rằng việc ông Nguyễn Xuân Sơn bị khởi tố, bắt tạm giam là tất yếu. Bởi trường hợp của vị lãnh đạo này gắn với việc xử lý Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) mà cơ quan chức năng đang thực hiện, theo đúng như thông báo của Bộ Công An.

Nhìn rộng ra bức tranh đầu tư ngoài ngành của DN Nhà nước, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cũng cho rằng việc truy cứu trách nhiệm tới các lãnh đạo các DN liên quan đến việc sử dụng vốn Nhà nước là bình thường.

Cũng bởi, chuyện đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả, sử dụng vốn sai mục đích hoặc thậm chí là làm thất thoát vốn của nhiều DN Nhà nước là chuyện được bàn luận nhiều từ nhiều năm nay.

Ở góc nhìn khác, Luật gia Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty tư vấn K và Cộng sự, từng là lãnh đạo cấp cao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng vụ việc của ông Nguyễn Xuân Sơn là hồi chuông “cảnh báo” cho các lãnh đạo DN Nhà nước, đã làm dụng chức quyền để làm trái các quy định, trong đó có việc sử dụng vốn Nhà nước không đúng mục đích, không hiệu quả làm thất thoát, lãng phí.

Cũng theo Luật gia Khoát, bài học nhìn từ vụ việc trên cũng cho thấy, các cơ quan chức năng lơ là giám sát các DN Nhà nước, đặc biệt trong việc sử dụng vốn ngân sách. Dẫn đến, không ít lãnh đạo đã “lợi dụng” chủ trương đầu tư ngoài ngành trước đây để sử dụng hoặc chi sai, khiến vốn của Nhà nước bị lãng phí, thất thoát.

Những trường hợp tương tự có mạnh tay?

Dẫn chứng cụ thể từ trường hợp của PVN, TS. Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, chỉ ra là Tập đoàn này đầu tư tràn lan vào nhiều lĩnh vực. Không chỉ các ngành nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán, tài chính, mà cả những ngành như khách sạn, du lịch, taxi…

Được biết, số vốn mà tập đoàn này đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng, riêng lĩnh vực ngân hàng là trên 5.000 tỷ. Hiện, hai khoản đầu tư này đang phải thực hiện sắp xếp lại theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Doanh, việc đầu tư ngoài ngành là theo chủ trương trước đây của Chính phủ, song những trường hợp đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, và đặc biệt là sử dụng vốn sai mục đích, làm thất thoát vốn, thì cần truy cứu trách nhiệm rõ ràng.

Báo cáo mới đây của Chính phủ, hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang rất chậm chạp khi quý I, mới chỉ có 8.213 tỷ đồng được thoái. Số vốn còn lại phải thoái trong năm nay là 19.517 tỷ đồng, riêng lĩnh vực ngân hàng và bất động sản chiếm tới 12.000 tỷ.

Theo các chuyên gia, lâu nay mới chỉ “hô hào” thoái vốn mà không có những hạn định và chế tài rõ ràng, nên chắc chắn việc thoái vốn vẫn sẽ tiếp tục ì ạch.

Đặc biệt, trong số vốn trên, vấn đề truy cứu trách nhiệm với những trường hợp sử dụng vốn kém hiệu quả, sai mục đích thì vẫn chưa được làm mạnh.

“Tôi mong rằng việc xử lý cương quyết trường hợp cụ thể của ông Sơn, thì những trường hợp mắc sai lầm tương tự khác cũng phải được xử lý” - Bà Chi Lan nói.

 

San Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên