MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần nâng cao vai trò của KH-CN trong sản xuất, đời sống

Đây là nội dung trong chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.

Câu chuyện người nông dân “được mùa mất giá” không còn mới lạ. Từ câu chuyện quả vải thiều, nhãn lồng, cà phê, hồ tiêu và cách đây ít lâu là tình trạng dưa hấu ở Hải Dương bán tại ruộng giá chỉ 1.000 đồng/ kg. Rõ ràng cùng với các chính sách hỗ trợ để tạo “đầu ra” cho sản phẩm của bà con nông dân đã đến lúc cần nhìn nhận rõ hơn vai trò của khoa học, công nghệ trong việc giúp dân bảo quản nông sản sau thu hoạch.

Đây là nội dung chính trong chuyên mục "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tuần này với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân.

PV: Thưa Bộ trưởng, khi nào Nhà nước sẽ có công nghệ để có thể giúp người nông dân không thất bát, mặc dù được mùa?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:Có thể trả lời ngay rằng Nhà nước luôn quan tâm đến việc chế biến và bảo quản sau thu hoạch để hỗ trợ cho nông dân. Tuy nhiên do nguồn lực của nhà nước cũng có hạn, thêm vào đó là công nghệ bảo quản chế biến vẫn chưa theo kịp được trình độ và năng lực sản xuất của nông dân, chính vì thế tình cảnh “được mùa mất giá” xảy ra phổ biến.

Trước đây, chúng ta đã chứng kiến quả vải thiều Lục Ngạn, bây giờ là dưa hấu và sắp tới gạo của chúng ta cũng sẽ lâm vào tình cảnh như vậy. Do vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp để đưa đến cho nông dân những công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch và chúng tôi cũng đang huy động tối đa nguồn lực này.

Hiện nay, thông qua hợp tác quốc tế chúng tôi đang nghiên cứu và đưa vào Việt Nam công nghệ bảo quản tiên tiến nhất của Israel để đảm bảo cho nông dân có được sản phẩm có giá trị tối đa.

Riêng rau quả hiện đang có hợp tác với đối tác của Nhật Bản và họ đã sẵn sàng chuyển giao công nghệ bảo quản cho Việt Nam. Nhưng đây là công nghệ rất hiện đại nên đầu tư cho công nghệ này chắc chắn là không hề nhỏ. Sắp tới nếu thành công, tin rằng quả dưa hấu của Hải Dương không chỉ bảo quản được vài tháng, thậm chí có thể bảo quản tới vài năm.

PV:Thưa Bộ trưởng, tại sao hạt lúa của chúng ta sản lượng cao nhưng giá trị lại thấp hơn nhiều so với các nước như Thái Lan, Nhật Bản… khiến cho thu nhập của nông không đủ so với chi phí bỏ ra? Với các mặt hàng nông sản chiến lược cũng vậy. Mặc dù đứng hàng đầu thế giới về sản lượng nhưng Việt Nam vẫn chỉ sản xuất thô với giá trị rất thấp?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Có thể nói đây là đặc điểm của nền kinh tế thị trường. Trước đây chúng ta thiếu đói do vậy mục tiêu phải làm sao có đủ gạo cho an ninh lương thực. Do vậy chúng ta đi theo hướng nâng cao năng suất, mở rộng diện tích để đảm bảo sản lượng tối đa.

Hướng này chúng ta đã thành công khi chúng ta đã trở thành nước đứng đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng giá lại rất thấp so với các nước lân cận. Bởi khi chạy theo số lượng, đảm bảo về sự đồng đều của giống, chất lượng của hạt gạo cũng như bảo quản chế biến chúng ta lại chưa theo kịp.

Đây là lúc chúng ta nên cân nhắc lại có nên chạy theo sản lượng hay thôi. Tôi cho rằng không nên chạy theo sản lượng mà nên nâng cao chất lượng của hạt gạo. Có thể doanh thu từ xuất khẩu gạo của chúng ta tiếp tục tăng, trong khi đó chúng ta lại không phải mở rộng diện tích, chúng ta giữ vững 3,8 triệu ha đất trồng lúa và nâng cao năng suất, chất lượng thì vẫn đảm bảo được chất lượng phát triển của hạt gạo.

Điều này buộc các nhà khoa học phải quan tâm, tạo ra được những giống phù hợp, đồng thời toàn bộ diện tích trồng lúa phải tương đối thuần nhất về giống để đảm bảo chất lượng hạt gạo xuất khẩu đồng nhất thì mới có được giá xuất khẩu tốt.

Do vậy chúng ta phải đi theo con đường này để đảm bảo không chỉ gạo mà cả cà phê, hồ tiêu… chế biến được và có thương hiệu chất lượng đồng đều và duy trì trong thời gian dài.

PV: Bộ trưởng vừa nhắc tới những chiến lược dài hạn cho các mặt hàng nông sản như cà phê, hồ tiêu, cao su. Vậy chiến lược này có khác gì so với công trình nghiên cứu Khoa học công nghệ mà hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:Đây đang là hướng mà hai Bộ đang phối hợp để triển khai.

Theo chương trình sản phẩm quốc gia được Thủ tướng phê duyệt, chúng ta đã lựa chọn ra một số sản phẩm kể cả lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp để tập trung đầu tư theo chuỗi công nghệ từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng. Chúng ta hy vọng với sự đầu tư tập trung sẽ có những sản phẩm quốc gia mang thương hiệu Việt Nam đem lại giá trị gia tăng cho kinh tế và tránh hiện tượng đầu tư dàn trải.

Trước mắt với lúa gạo, cá da trơn cũng như nấm (nấm ăn và nấm dược liệu) là 3 mặt hàng trong nông nghiệp được coi là sản phẩm quốc gia.

Các chương trình này đều đặt mục tiêu tới năm 2015 chúng ta sẽ hoàn thành việc nghiên cứu. Sau giai đoạn 2015-2020 sẽ chuyển sang sản xuất ở quy mô lớn. Nhưng hiện nay chúng ta vẫn đang triển khai chậm so với yêu cầu. Do rất nhiều những vướng mắc cho nên trong năm nay các dự án nghiên cứu phục vụ cho chương trình quốc gia mới được khởi động. Chúng tôi cũng rất lo lắng là làm sao đến năm 2015 thì các dự án kết thúc để chuyển sang giai đoạn sản xuất.

PV:Một nhà khoa học cho rằng việc phân công nghiên cứu khoa học, công nghệ giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng nhiều đề tài, dự án chồng chéo, phân tán, gây lãng phí và không hiệu quả trong thực tiễn. Vậy theo Bộ trưởng, làm thế nào để các chương trình này có tính liên kết và phát huy hiệu quả cao hơn?

Bộ trưởng Nguyễn Quân:Để các nhiệm vụ Khoa học công nghệ ở các cấp khác nhau từ cấp cơ sở đến cấp Bộ, cấp Nhà nước không bị chồng chéo thì việc thiết lập một cơ sở dữ liệu về các đề tài là rất cần thiết.

Hiện nay, chúng ta chưa làm được việc này nên có những đề tài được làm ở cấp Bộ, cấp tỉnh rồi nhưng sau đó vẫn có thể tiếp tục được nghiên cứu ở cấp Nhà nước. Đương nhiên tầm nghiên cứu sẽ cao hơn nhưng nội dung sẽ có những vấn đề bị trùng lặp mà không tận dụng được kết quả nghiên cứu ở các cấp khác.

Do vậy trong chiến lược phát triển Khoa học công nghệ đến năm 2020, Thủ tướng đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ giải quyết vấn đề này và thiết lập một cơ sở dữ liệu quốc gia về các đề tài nghiên cứu và làm thật rõ phạm vi của các nhiệm vụ Khoa học công nghệ của các cấp quốc gia, cấp Bộ, cấp tỉnh để tránh trùng lặp về nội dung và trình độ.

Tôi cho rằng khi phân cấp giao quyền cho người đứng đầu về Khoa học công nghệ ở cả Trung ương và địa phương thì chúng ta sẽ giảm được sự chồng chéo và nâng cao được tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan này.

Trong Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), chúng tôi cũng đề xuất và được Chính phủ và Quốc hội ủng hộ phân cấp cho Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc phê duyệt phương hướng mục tiêu nhiệm vụ 5 năm trên nền chiến lược phát triển Khoa học công nghệ Quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt.

Thứ 2, cũng giao cho Bộ được quyền đề xuất phân cấp quỹ đầu tư phát triển và kinh phí sự nghiệp khoa học để Bộ Kế hoạch đầu tư và Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ phân bổ ngân sách hàng năm.

Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ và Quốc hội áp dụng cơ chế quỹ để đảm bảo tính chủ động của người đứng đầu các cơ quan nghiên cứu, cũng như người đứng đầu trong cơ quan quản lý. Việc áp dụng quy chế quỹ tạo thế chủ động cho các nhà khoa học và cơ quan quản lý thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề thực tiễn được kịp thời.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.

Theo Đặng Linh

cucpth

VOV- Trung tâm tin

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên